Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi nào ‘phá hủy’ trở thành nghệ thuật?

Lê Vũ Vân Anh(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vào một ngày thứ Bảy của tháng 10-2023, 1.250 cuốn sách “1984” phiên bản đặc biệt của David Shrigley được bày bán với công chúng. Dự án này đặt cho chúng ta một câu hỏi thú vị về quyền nhân thân trong quyền tác giả. Việc biến “Mật mã Da Vinci” thành “1984” đồng nghĩa với việc Shrigley phá hủy tác phẩm văn học của Dan Brown. Liệu hành động này có đang vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của tác giả “Mật mã Da Vinci” không?

Năm 2017, nghệ sĩ được đề cử giải Turner Prize, David Shrigley (Anh) đã bắt tay vào một dự án nghệ thuật độc đáo khi biết rằng một chi nhánh của tổ chức từ thiện Oxfam tại Swansea (xứ Wales) từ chối tiếp nhận quyển sách bán chạy nhất của nhà văn Dan Brown, “Mật mã Da Vinci”, vì đã hết chỗ để chứa.

Shrigley quyết định thu thập hơn 6.000 bản “Mật mã Da Vinci” để tái chế và xuất bản chúng thành 1.000 cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “1984” của nhà văn George Orwell (Anh). Trước khi tiến hành dự án, Shrigley đã cẩn thận kiểm tra và biết rằng theo luật bản quyền Anh Quốc, tất cả tác phẩm của George Orwell, bao gồm “1984”, đã trở thành tài sản công cộng vì thời hạn bảo hộ 70 năm kể từ thời điểm Orwell qua đời (1950) đã kết thúc vào năm 2020(1). Và vì vậy, ai cũng có thể xuất bản các tác phẩm của ông.

Mỗi cuốn sách “1984” mới được ký tên và đánh số bởi David Shrigley với các đoạn văn từ cuốn sách ban đầu (Mật mã Da Vinci) vẫn còn lưu lại. Loại chữ cũng được Shrigley lựa chọn một cách cẩn thận để tương tự với cuốn sách của Dan Brown.

Vào một ngày thứ Bảy của tháng 10-2023, 1.250 cuốn sách “1984” phiên bản đặc biệt của Shrigley được bày bán với công chúng. 250 cuốn đầu tiên được bán với “giá độc quyền” là 495 bảng Anh (gần 15 triệu đồng Việt Nam) tại chính cửa hàng Oxfam ban đầu, và 1.000 cuốn còn lại có sẵn trên trang web của ông với giá 795 bảng Anh (gần 24 triệu đồng Việt Nam).

Không thể phủ nhận tính độc đáo của nỗ lực nghệ thuật này, dự án của Shrigley, ngược lại, đặt cho chúng ta một câu hỏi thú vị về quyền nhân thân trong quyền tác giả. Việc biến “Mật mã Da Vinci” thành “1984” đồng nghĩa với việc Shrigley phá hủy tác phẩm văn học của Dan Brown. Liệu hành động này có đang vi phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm của tác giả “Mật mã Da Vinci” không?

Theo luật Anh Quốc, quyền này chỉ được thiết lập chỉ khi sự thay đổi dẫn đến thiệt hại cho danh dự hoặc uy tín của tác giả. Án lệ nước Anh ghi nhận sự thay đổi khi có sự can thiệp vào cấu trúc nội tại của tác phẩm. Tuy nhiên, nghệ sĩ Anh không có quyền nhân thân pháp lý cụ thể để ngăn chặn việc tác phẩm của họ bị phá hủy. Hành động phá hủy khiến cho câu hỏi về sự toàn vẹn của tác phẩm trở nên vô nghĩa. Làm sao mà một điều không còn tồn tại có thể ảnh hưởng đến danh dự hoặc uy tín của một nghệ sĩ?

Một ví dụ về việc phá hủy tác phẩm là bức tranh của họa sĩ Sutherland vẽ cựu Thủ tướng Anh Churchill, đã bị vợ của ông, bà Spencer Churchill ra lệnh đốt đi một tháng sau khi ông qua đời vào năm 1956. Đương thời ông Churchill không thích cách mình được thể hiện trong tác phẩm(2). Hơn sáu mươi năm trôi qua, đó vẫn là hành động phá hủy không thương tiếc nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Anh hiện đại.

Mỹ, quê hương của nhà văn Dan Brown, là quốc gia ít chú trọng nhất đến quyền nhân thân trên thế giới có một số quy định ít ỏi ngăn chặn việc phá hủy tác phẩm nghệ thuật thông qua Đạo luật Quyền nhân thân của nghệ sĩ hình ảnh (VARA). Năm 2020, Tòa án phúc thẩm Mỹ xác nhận quyền của một nhóm nghệ sĩ Graffiti đã bị vi phạm vì tác phẩm của họ đã bị phá hủy vào năm 2013 mà không có sự đồng thuận. Các nghệ sĩ đã kiện ông Gerald Wolkoff, một nhà phát triển trên cơ sở vi phạm quyền nhân thân sau khi ông đã phủ một lớp sơn trắng lên trên các tác phẩm của họ tại 5Pointz - ngôi đền nghệ thuật Graffiti ở New York - để làm chỗ cho căn hộ chung cư. Tòa án sơ thẩm tuyên ông Gerald Wolkoff phải trả tổng cộng 6,75 triệu đô la Mỹ cho 24 nghệ sĩ Graffiti và yêu cầu này cũng được tòa phúc thẩm đồng ý.

Tuy nhiên, VARA có phạm vi bảo vệ hạn chế vì các quy định chỉ áp dụng cho “tác phẩm nghệ thuật thị giác”, chẳng hạn như tranh, bức vẽ, in ấn hoặc điêu khắc, tồn tại ở một bản duy nhất hoặc phiên bản giới hạn từ 200 bản trở xuống, được ký và đánh số liên tiếp bởi tác giả. Vì vậy, VARA không thể áp dụng cho tác phẩm văn học.

Một quốc gia khác có quy định về việc phá hủy tác phẩm nghệ thuật là Ấn Độ. Năm 1959, Chính phủ Liên bang Ấn Độ đã ủy quyền cho nhà điêu khắc Amar Nath Sehgal tạo một bức tranh tường cho Vigyan Bhawan, một nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của chính phủ. Tác phẩm đã hoàn thành vào năm 1962, có kích thước khổng lồ, cao 40 feet và dài 140 feet. Tác phẩm mô tả về cuộc sống của người dân Ấn Độ, về công việc hàng ngày và các lễ kỷ niệm của họ. Vì lẽ đó, bức tranh này trở thành một biểu tượng của văn hóa thủ đô Delhi.

Tuy nhiên, trong quá trình trùng tu Vigyan Bhawan, bức tranh bị gỡ bỏ và phần còn sót lại được cất giữ trong kho. Điều này đã khiến cho nghệ sĩ Sehgal rất phiền lòng(3). Ông đệ đơn kiện chính phủ, khẳng định rằng việc phá hủy tác phẩm làm tổn thương danh tiếng nghệ thuật của ông. Đồng thời, việc tên ông bị xóa đi khi tác phẩm bị dỡ bỏ vi phạm quyền được đứng tên là tác giả. Sau nhiều cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài, vào năm 2005, thẩm phán Tòa án Delhi đã ra phán quyết ủng hộ Sehgal, yêu cầu Chính phủ Ấn Độ bồi thường thiệt hại 500.000 rupee cho người nghệ sĩ. Câu chuyện không dừng lại ở đó khi Chính phủ Ấn Độ quyết định kháng cáo. Để giải quyết tranh chấp, Sehgal đã từ bỏ số tiền để đổi lại việc bức tranh sẽ được phục hồi.

Quay trở lại dự án nghệ thuật của David Shrigley, một câu hỏi được đặt ra, liệu điều tốt nhất cho nghệ thuật và nghệ sĩ có phải là tránh phá hủy tác phẩm nghệ thuật bằng bất cứ giá nào? Picasso từng nói “Mọi hành động phá hủy đều là một hành động sáng tạo trước hết”. Trong câu chuyện hiện tại, câu nói này có thể được cắt nghĩa rằng nghệ thuật mới có thể nảy sinh từ việc phá hủy các tác phẩm trước đó. Nhưng có lẽ khi nói câu nói trên, không biết họa sĩ Picasso có ý định ám chỉ đến các tác phẩm nghệ thuật thị giác mà ông cũng là một tác giả?

--------------

(*) Giảng dạy môn Luật SHTT tại Đại học Durham, Vương quốc Anh

(1) https://www.bbc.co.uk/news/entertainment-arts-67218454

(2) https://www.radiotimes.com/tv/drama/the-crown-what-really-happened-to-graham-sutherlands-controversial-portrait-of-winston-churchill/

(3) https://www.wipo.int/wipo_magazine/en/2007/02/article_0001.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới