(KTSG Online) - Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật hội họa, nhóm họa sĩ tại thành phố biển Đà Nẵng đã đánh thức suy nghĩ người dân về trách nhiệm và hành động đối với môi trường biển thông qua triển lãm mỹ thuật “Vết dầu loang”.
- Du lịch Đà Nẵng xoay xở tìm hướng đi cho năm 2024
- TPHCM đưa tiêu chí xanh và môi trường vào đánh giá năng lực cạnh tranh
Cuộc triển lãm mỹ thuật “Vết dầu loang” tại Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm trong cộng đồngthời gian qua vì những thông điệp truyền tải về môi trường. Được thực hiện bởi 5 họa sĩ gồm Nguyễn Trung Kỳ, Hồ Đình Nam Kha, Trần Văn Tâm, Trần Hữu Cân và Trương Nguyễn Nguyên Kha, triển lãm không chỉ là sự kết hợp giữa niềm đam mê hội họa và tình yêu Đà Nẵng, mà còn là cầu nối tinh thần với giá trị cộng đồng, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường biển – một “thương hiệu” mà thành phố đang xây dựng.
Đặt tại công viên APEC, trung tâm thành phố Đà Nẵng, triển lãm "Vết dầu loang" thu hút sự quan tâm của người dân về những thông điệp bảo vệ môi trường. Ảnh: Cáp KimTên gọi “Vết dầu loang” được nhóm tác giả gửi gắm là biểu hiện của hiện thực về hành vi xả thải dầu mỏ không đúng quy định, đang gây ô nhiễm môi trường biển, đe dọa môi trường sống của con người.
Với tổng số 20 bức tranh, có tác phẩm vận dụng nhiều yếu tố nghệ thuật trừu tượng, cũng có những tác phẩm chỉ cần nhìn vào là cảm nhận được ngay. Ảnh: Cáp KimMỗi họa sĩ có một câu chuyện khác nhau để kể với nhiều chủ đề như “Cứu, Biển và em”, tẩt cả những bức tranh còn lại như “Loang, Di sản 1, Làm đẹp cho đời, Tiếng vọng, Quà của biển…” Tất cả đều truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường biển.
Bạn Hoàng Nhật Nam, sinh viên trường Đại học Duy Tân, thích thú chia sẻ: “Khi tham gia ngày hội Văn hóa sáng tạo em rất ấn tượng với những bức tranh của triển lãm Vết dầu loang. Vừa là không gian chụp ảnh rất đẹp lại còn mang nhiều ý nghĩa giáo dục về bảo vệ môi trường”.
Anh Byung-hoon, một du khách người Hàn Quốc cho hay: “Lúc đầu tôi chỉ thấy nó đẹp vì màu sắc, đường nét của nó, sau khi được hướng dẫn viên giải thích thì tôi chỉ biết nói “wow” vì không nghĩ Việt Nam có những triển lãm tranh cộng đồng mang tính chất tuyên truyền đẹp như thế này”.
Ý nghĩa tuyên truyền của triển lãm không chỉ giới hạn trong khuôn khổ địa phương mà còn lan tỏa mạnh mẽ, gây ấn tượng sâu sắc cho nhiều tầng lớp người dân, từ du khách cả trong và ngoài nước.
Bằng những đường nét, màu sắc, những bức tranh như dệt nên câu chuyện về cuộc sống dưới đại dương, về sự đau đớn và mong muốn bảo vệ của người họa sĩ. Sự sáng tạo trong cách diễn đạt thông điệp làm cho triển lãm trở nên gần gũi và chạm đến trái tim của người xem.
“Ban đầu, nhóm tác giả đặt mục tiêu là lan tỏa đến công chúng rằng hiện nay sự sống của đại dương đang bị đe dọa và cần được con người bảo vệ. Sau đó, còn là mong muốn đưa giá trị tác phẩm nghệ thuật đến gần với sự sống của con người hơn thay cho lời kêu gọi, kêu cứu trước tình trạng ô nhiễm của đại dương”, họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng, chia sẻ.
Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, thì cho rằng với ông hội họa là một phương tiện tuyên truyền, giáo dục đặc biệt mà ở đó người họa sĩ đóng vai trò như một nhà báo của thiên nhiên. Họ phản ánh lại hiện thực cuộc sống, đưa ra thông điệp, định hướng bằng cách khắc họa thiên nhiên thông qua tác phẩm mỹ thuật thay vì chữ viết, hình ảnh, đó chính là ngôn ngữ của hội họa…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Hà Vỹ cho biết: “Triển lãm “Vết dầu loang” là hoạt động gửi đi thông điệp về môi trường rất rõ nét. Hy vọng rằng, chính những hoạt động như vậy không chỉ tăng cường kết nối văn hóa sáng tạo, góp phần phát triển thành phố, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn mang đến một không gian sáng tạo nghệ thuật riêng”.
Có thể nói với một thành phố ven biển như Đà Nẵng, những triển lãm tranh về môi trường biển là một chiến lược hiệu quả để tăng cường tác động của nó đối với cộng đồng địa phương.