Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi người khổng lồ công nghệ mở rộng ‘dấu chân’ tại Việt Nam

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thông tin Apple đang cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất Mac Pro từ Mỹ và một số dòng Macbook từ Trung Quốc đến Việt Nam những ngày qua cùng với các hãng công nghệ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức... cam kết tiếp tục rót vốn cho thấy nền kinh tế gần 100 triệu dân ngày càng có sức hút để trở thành điểm đến chiến lược của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Việt Nam đang trở thành ứng viên hàng đầu khi Apple muốn thúc đẩy sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters

Mac Pro và Macbook sắp sản xuất ở Việt Nam?

Hãng tin Nikkei Asia tuần qua đưa tin Apple có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất MacBook sang Việt Nam vào năm tới, khi tập đoàn này tiếp tục đa dạng hóa cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Nikkei Asia dẫn nguồn tin thân cận cho biết Apple đã yêu cầu Foxconn nhanh chóng chuẩn bị để có thể lắp ráp Macbook tại Việt Nam sớm nhất từ tháng 5 năm sau.

Thông tin này được xem có cơ sở khi nhà cung cấp của Apple là Foxconn hồi tháng 8 vừa qua đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thuê lại hơn 50 ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang. Theo đó, Foxconn dự kiến sẽ đầu tư nhà máy mới tại Bắc Giang với tổng mức đầu tư hơn 300 triệu đô la, sử dụng hơn 30.000 lao động địa phương.

Thời gian qua, thương hiệu "táo khuyết" đã mở rộng các địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc cho tất cả các dòng sản phẩm chính của mình. Tuy nhiên, để sản xuất MacBook sẽ mất nhiều thời gian do chuỗi cung ứng cần thiết để sản xuất máy tính xách tay phức tạp hơn.

Hiện tại, tập đoàn công nghệ đã chuyển một phần hoạt động sản xuất MacBook sang Việt Nam trong gần hai năm và đã thiết lập một dây chuyền sản xuất thử nghiệm.

Trong khi đó báo Mỹ - Bloomberg hôm đầu tuần này thông tin (Apple Scales Back High-End Mac Pro Plans, Weighs Production Move to Asia) thêm rằng Apple cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất sản phẩm Mac Pro cao cấp từ Mỹ đến châu Á, và Việt Nam đang là ứng cử viên sáng giá.

Mac Pro là sản phẩm cuối cùng trong dòng Mac của Apple không sử dụng chip của riêng mình. Thương hiệu táo khuyết thông báo vào giữa năm 2020 rằng bộ vi xử lý Mac sẽ được chuyển hoàn toàn sang chip của riêng họ trong vòng hai năm và hiện đã là cuối năm 2022.

Phiên bản Mac Pro hiện tại - ít nhất là dành cho khách hàng Mỹ - được chế tạo tại nhà máy của Flex Ltd, ở Austin, bang Texas. Tuy nhiên, Bloomberg cho biết đây mới chỉ là công đoạn cuối cùng bởi tất cả các bộ phận đều được sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm linh kiện chính, thân máy, bộ nguồn... rồi vận chuyển đến Texas để lắp ráp. Apple quyết định lắp ráp tại Texas từ năm 2019 trước sức ép chính trị từ chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

Diễn biến thời gian qua cho thấy Apple xem Việt Nam là một trong những điểm sản xuất mới. Năm 2020, quá trình đa dạng hóa của Apple tại Việt Nam bắt đầu với AirPods được đưa vào sản xuất hàng loạt tại Việt Nam. Tập đoàn cũng đã chuyển một phần hoạt động sản xuất iPad và Apple Watch sang Việt Nam trong năm 2022.

Trên thực tế, các nhà cung ứng của Apple bắt đầu dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam khi cuộc thương chiến Mỹ – Trung bắt đầu hồi tháng 3-2018. Số lượng nhà cung ứng của hãng công nghệ Mỹ và lượng sản phẩm công nghệ cao sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam ngày càng gia tăng.

Theo danh sách các nhà thầu Apple được hãng này công khai trong năm 2021, số lượng nhà thầu của Apple tại Việt Nam đã tăng nhanh từ con số 14 trong năm 2018 lên con số 22 trong năm tài chính 2020. Đến cuối tháng 5 vừa rồi, Apple có 31 nhà máy đối tác tại Việt Nam với khoảng 160.000 lao động.

Các chuỗi cung ứng của Trung Quốc và Đài Loan đã giúp Apple tăng nhanh số lượng các vệ tinh bên ngoài Trung Quốc. Các nhà thầu chính của Apple gồm Foxconn, Pegatron, Luxshare và Goertek đã đầu tư lớn vào Việt Nam trong thời gian qua, tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc.

Sản phẩm Mac Pro 2019 của Apple. Ảnh minh họa: Engadget

Các nhà máy đối tác của Apple phân bố rải rác từ Bắc vào Nam. Phần lớn tập trung tại cụm công nghiệp Bắc Ninh – Bắc Giang, số còn lại rải ra ở vùng phụ cận như Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nghệ An. Apple còn có nhà thầu tại Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang.

Nikkei Asia dẫn nguồn từ một giám đốc điều hành của Inventec, nhà cung cấp chính cho HP và Dell cho biết, Trung Quốc có thế mạnh về sản xuất chi phí thấp. Tuy nhiên, thế mạnh về chi phí sản xuất với các quốc gia khác đang giảm dần và nhiều khách hàng Mỹ đang muốn có một số lựa chọn thay thế địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Đến các tập đoàn Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức...

Bên cạnh Apple, các nhà đầu tư ngoại và những “đại gia” lớn khác tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường kinh doanh của Việt Nam để tiếp tục rót vốn, mở rộng đầu tư bất chấp khó khăn về các cuộc xung đột và lạm phát diễn ra khắp toàn cầu.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc, vào ngày 6-12 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp ông Han Jong-hee, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics. Theo TTXVN, tại buổi gặp, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics cho biết tập đoàn đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên 20 tỉ đô la trong thời gian tới.

Tính đến cuối năm vừa qua, Samsung đã rót gần 18 tỉ đô la và đang là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) lớn nhất tại Việt Nam. Ngoài các nhà máy sản xuất, Trung tâm nghiên cứu và phát triển của tập đoàn này đang được xây dựng và chuẩn bị hoàn thành vào cuối năm nay. Người đại diện của Samsung cũng cho biết tập đoàn muốn đầu tư phát triển nguồn nhân lực trẻ và mới, đẩy mạnh nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.

Nhà máy do Samsung đầu tư tại Thái Nguyên. Ảnh: DNCC

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước, ông Kwon Bong-seok, Phó chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn LG, cho biết tập đoàn sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm 4 tỉ đô la nữa với mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ của Nhật Bản dù không rầm rồ nhưng cũng đang ầm thầm đến và có kế hoạch mở rộng đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Đại diện Tập đoàn Sharp hồi tháng 8 vừa qua đã gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho kế hoạch xây nhà máy thứ 3 tại địa phương này với quy mô lớn hơn để sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao. Kế hoạch này nhằm dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi thị trường Trung Quốc, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và phân tán rủi ro.

Theo đó, Tập đoàn công nghệ 110 năm tuổi này sẽ xây thêm nhà máy quy mô lớn, định hướng phát triển về các sản phẩm công nghệ cao, tiên tiến như sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử, linh kiện công nghệ cao, điện thoại thông minh, sản xuất đồ điện tử gia dụng, điện gia dụng, sản phẩm sức khỏe…

Còn Tập đoàn Panasonic, tại hội nghị của Thủ tướng với nhà đầu tư nước ngoài vào trung tuần tháng 9 vừa qua, ông Marukawa, đại diện Panasonic Việt Nam, cho biết đã thiết lập tầm nhìn và cam kết cho 50 năm tiếp theo tại Việt Nam, là trở thành một công ty cung cấp giải pháp sức khỏe toàn diện.

Theo đó, Panasonic đang mở rộng đầu tư những dự án như thành lập Trung tâm sản xuất và nghiên cứu phát triển các thiết bị IAQ (giải pháp chất lượng không khí trong nhà); thành lập Trung tâm sản xuất và nghiên cứu phát triển các sản phẩm máy giặt, tủ lạnh thông minh; mở rộng trung tâm Nghiên cứu phát triển IoT (Internet vạn vật) tại Hà Nội...

Hay Tập đoàn Bosch có kế hoạch mở rộng quy mô mảng công nghệ phần mềm với mục tiêu tiến đến hơn 6.000 kỹ sư nghiên cứu và phát triển phần mềm đến năm 2025, mở rộng sản xuất và đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới như nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay nhà đầu tư đến từ Đức này đã rót hàng trăm triệu euro, với quy mô hơn 5.000 nhân viên, vận hành một nhà máy công nghệ cao, 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển...

Hàng loạt các hãng công nghệ và nhà cung cấp của các hãng công nghệ khác cũng đã đầu tư và đang tìm cơ hội mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.

Cải thiện môi trường đầu tư vẫn là yêu cầu cấp thiết

Công nghệ thông tin, công nghệ, thiết bị điện tử,... là các lĩnh vực đang có sự dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ. Chi phí sản xuất thấp, nhân công rẻ, giá thuê đất thấp, vị trí thuận lợi và đặc biệt là sự ổn định chính trị và cải thiện môi trường đầu tư đang là những “điểm cộng” để Việt Nam thu hút làn sóng dịch chuyển này. Chính sách về đầu tư của Việt Nam đang rất cạnh tranh và có thể thu hút nguồn đầu tư rất lớn.

Nhìn lại điểm sáng kinh tế Việt Nam, trong đó có thu hút FDI với KTSG Online, Tiến sĩ Burkhard Schrage, Giảng viên cấp cao, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị và chương trình MBA, Đại học RMIT Việt Nam, đánh giá tỉ lệ FDI vào Việt Nam dành cho các hoạt động công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao đang tăng.

Theo ông, việc các hãng công nghệ và các nhà cung cấp cam kết mạnh mẽ rót vốn nhiều thể hiện niềm tin ngày càng lớn vào khả năng nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu và thực hiện quản trị tốt xuyên suốt chuỗi cung ứng của các đối tác Việt Nam.

Sản xuất sản phẩm của Datalogic Việt Nam tại khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh minh họa: L.Hoàng

"Nhiều nhà quan sát nhận xét rằng FDI vào các dự án sản xuất phức hợp hoặc nghiên cứu và phát triển (R&D) là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang chiếm được một phần ngày càng lớn trong chuỗi sản xuất giá trị gia tăng toàn cầu", Tiến sĩ Burkhard Schrage nói và cho rằng: loại hình sản xuất này sẽ là động lực chính để Việt Nam tăng trưởng kinh tế - xã hội trong những thập kỷ tới.

Tiến sĩ lấy ví dụ điển hình cho sự dịch chuyển từ đầu tư vì sức lao động sang đầu tư vì kỹ năng là việc Foxconn – nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) lớn và lâu đời của Apple. Sắp tới đây, Foxconn dự kiến sẽ lắp ráp các sản phẩm MacBook. Việc sản xuất những chiếc máy tính xách tay này đòi hỏi chuỗi cung ứng phức tạp hơn, công nhân sản xuất cần được đào tạo tốt hơn và máy móc cần có độ chính xác cao hơn so với việc sản xuất tai nghe nhét tai của Apple (bắt đầu từ năm 2020 cũng ở tỉnh Bắc Giang).

"Những khoản đầu tư lớn gần đây đến từ phía các nhà cung cấp của Apple, Samsung, Lotte hay cả nhà sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch là những tín hiệu đáng khích lệ cho tương lai của Việt Nam. Chắc chắn, những nhà đầu tư này sẽ mang lại tiền và tạo việc làm cho Việt Nam", ông nói.

Ngoài ra, một số nghiên cứu học thuật cũng chỉ ra rằng các hoạt động đầu tư này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với toàn bộ nền kinh tế. Ví dụ, lực lượng lao động và nhân sự quản lý tại các doanh nghiệp này sẽ được đào tạo theo các thông lệ tốt của toàn cầu. Một số nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài thường thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước trở nên năng suất hơn nhờ áp lực cạnh tranh và hiệu quả tăng. Ngoài ra, Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ học hỏi từ những điển hình tốt về tăng cường tính minh bạch, đẩy mạnh chất lượng quản trị công ty và “trách nhiệm công dân” của doanh nghiệp (trách nhiệm với xã hội, văn hóa, môi trường xung quanh), cũng như các phương pháp sản xuất ít gây ảnh hưởng đến môi trường hơn.

Khoảng 20 năm trước, xuất khẩu hàng điện tử chỉ chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ sau 20 năm, nhờ dòng vốn FDI vào công nghệ và kỹ thuật ổn định, thị phần điện tử trong tổng kim ngạch xuất khẩu trong những năm qua đã tăng lên 30-35%.

Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng như thiếu hụt nguyên liệu, chi phí vận chuyển ngày càng tăng cao. Đáng chú ý là việc thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là trong mảng IT/AI (công nghệ thông tin, trí thông minh nhân tạo), nên các tập đoàn công nghệ kiến nghị cần có chương trình phát triển tài năng trẻ của Việt Nam.

Về vấn đề này, trao đổi với KTSG Online tại Triển lãm quốc tế về sản xuất và gia công cơ khí ở TPHCM gần đây, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, đáng chú ý là doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc dành nhiều quan tâm đến Việt Nam trong quá trình dịch chuyển và mở rộng sản xuất nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, nhưng rào cản thiếu lao động chất lượng cao cũng như nguồn cung ứng nguyên liệu tại chỗ đang khiến các kế hoạch bị chần chừ.

Theo người đứng đầu JETRO tại TPHCM, vốn đầu tư từ Nhật Bản cũng đang có sự dịch chuyển sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và đi cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, có trình độ. Tuy nhiên, những trở ngại về nguồn lao động có chất lượng cao đã khiến cho nhà đầu tư Nhật Bản mới dừng ở mức độ quan tâm thị trường Việt Nam, chứ chưa mạnh dạn rót vốn đầu tư, ngay cả tại TPHCM.

Mặt khác nguồn cung cấp điện năng càng trở nên quan trọng hơn đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, nhất là yêu cầu về năng lượng tái tạo trong sản xuất. Do đó, các nhà đầu tư mong có sự chuẩn bị về nguồn năng lượng xanh và ổn định để bảo đảm chắc chắn trong sản xuất không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo là rất quan trọng. Các nhà đầu tư đang rất cần những trung tâm về logistic cũng như là các trung tâm dữ liệu hiện đại để đáp ứng trong hoạt động.

Mặt khác, các nhà đầu tư cũng đề nghị một môi trường đầu tư minh bạch, có thể dự đoán được cũng như tinh giản được các thủ tục về đầu tư.

Dòng vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia đang giảm mạnh trên thế giới nhưng có thể thấy những quốc gia có yếu tố nền tảng ổn định như Việt Nam vẫn thu hút được các nhà đầu tư.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới