Khi người Trung Quốc cũng “thắt lưng buộc bụng”
Thái Bình
(TBKTSG Online) - Không chỉ ở các nước đang oằn lưng dưới gánh nặng nợ nần như Hy Lạp người dân phải “thắt lưng buộc bụng” mà ngay ở Trung Quốc, giới trung lưu cũng phải giảm chi tiêu vì chưa biết tương lai sẽ ra sao. Điều đó có tác động mạnh không chỉ tới kinh tế Trung Quốc mà cả nhiều nước khác.
![]() |
Điện thoại iPhone của Apple từng làm mê mẩn giới trẻ TQ nhưng nay giá cổ phiếu của Apple tụt dốc vì lo ngại các khách hàng này sẽ giảm mua sắm. Ảnh hàng ngàn bạn trẻ xếp hàng mua iPhone tại một cửa hàng Apple ở Trùng Khánh vào năm ngoái. Ảnh GettyImages |
Terry Xu, 32 tuổi, tự coi mình là một người may mắn. Đầu năm nay anh bỏ ra 10% tiền tiết kiệm để đầu tư cổ phiếu; và giờ đây khi thị trường chứng khoán mất 40% giá trị tính từ giữa tháng 6-2015, anh vội bán tháo số cổ phiếu đó để cắt lỗ. “Dù đau nhưng chưa phải là tai họa”, anh Xu nói và cho biết các đồng nghiệp của anh còn lỗ nặng hơn.
May mắn của Xu là dù sao anh cũng còn có việc làm với tiền lương cao: anh làm giám đốc phát triển sản phẩm cho một công ty phương Tây chuyên sản xuất tai nghe (headphone) ở Thâm Quyến với lương tháng lên tới 20.000 nhân dân tệ (NDT) (khoảng 70 triệu đồng VN). Thêm vào đó, căn hộ mà anh mua năm 2012 với giá 900.000 NDT nay đã có giá lên tới 2,5 triệu NDT, một món đầu tư “béo bở”.
Ấy vậy mà Xu vẫn chưa dám đổi chiếc điện thoại iPhone 4 đang dùng sang iPhone 6s mới ra và thay vì mang giày thể thao hiệu Nike ưa thích anh đổi sang giày hiệu Anta Sports nội địa… nhằm tiết kiệm tiền.
Thị trường chứng khoán lao dốc, kinh tế tăng trưởng chậm lại... đã khiến Xu và hàng triệu người dân trung lưu như anh phải tiết kiệm chi tiêu, chuẩn bị cho một tương lai không chắc chắn. Hành động “thắt lưng buộc bụng” tự nguyện này của giới trẻ và trung lưu Trung Quốc đang gửi một thông điệp có ý nghĩa cho những người hoạch định chính sách Trung Quốc và cả cho những doanh nghiệp xuất khẩu nhắm tới thị trường này.
Trước tiên, nó mâu thuẫn với kỳ vọng của chính phủ Trung Quốc rằng chi tiêu tiêu dùng trong nước sẽ vực dậy nền kinh tế đang giảm tốc do xuất khẩu suy giảm, mâu thuẫn với chủ trương “tái cân bằng” mà Bắc Kinh đang thực hiện nhằm chuyển hướng nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư của nhà nước.
Trong nửa đầu năm nay, tiêu dùng đóng góp tới 60% GDP của Trung Quốc, tăng từ mức 51,2% của năm 2014, theo số liệu thống kê chính thức của nhà nước Trung Quốc. Điều đó cho thấy chủ trương “tái cân bằng” kinh tế đang được thực thi có hiệu quả. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát và kinh nghiệm của các doanh nghiệp lại đưa ra một kết luận trái ngược.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng Trung Quốc do Ngân hàng ANZ và công ty khảo sát thị trường Roy Morgan thực hiện ghi nhận tháng 8-2015 là tháng có số điểm thấp kỷ lục; lượng xe hơi bán ra trong năm nay có thể đạt mức thấp nhất trong hai thập niên; còn theo Công ty nghiên cứu tiêu dùng Gartner, số điện thoại thông minh (smartphone) bán ra trong quí 2-2015 đã lần đầu tiên bị sụt giảm so với trước.
Nếu những hiện tượng sụt giảm này phản ánh đà suy giảm chung trong chi tiêu tiêu dùng của người dân trung lưu Trung Quốc thì tác động của nó không chỉ gói gọn ở nước này mà sẽ ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Tuần trước Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen nói rằng, chính mối quan tâm về việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc đã góp phần đưa tới quyết định của Fed về giữ nguyên lãi suất cơ bản của Mỹ. Còn Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết, IMF có thể tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bị chậm lại; toàn cầu khó tăng trưởng 3,3% như dự báo trước đây.
Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, nếu sức tiêu dùng của Trung Quốc giảm 2% trong hai năm liên tiếp thì GDP của Mỹ sẽ mất đi 0,25 điểm phần trăm, Nhật Bản mất nửa điểm phần trăm… Trong tháng 8 vừa qua, xuất khẩu sang Trung Quốc – thị trường lớn nhất của Nhật Bản – đã giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó mặt hàng linh kiện, phụ tùng xe hơi giảm mạnh nhất do hoạt động sản xuất xe hơi của các nhà máy ở Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi qua.
Ở bình diện vĩ mô là như vậy, song ở từng công ty, tác động của tình trạng “thắt lưng buộc bụng” này còn gay gắt hơn. Hãng xe hơi Audi – thương hiệu cấp cao của tập đoàn Vokswagen Đức – đã bắt đầu giảm sản lượng các nhà máy ở Trung Quốc từ tháng này; còn hãng xe BMW cũng giảm sản lượng các dòng xe (serie) 3 và 5 vốn bán chạy ở Trung Quốc.
Xie Kang, chủ một xưởng sản xuất hàng nhựa ở thành phố Đông Hoàn tỉnh Quảng Đông – chuyên cung cấp linh kiện bằng nhựa cho ngành sản xuất đồ chơi, điện tử và xe đạp - đã phải từ bỏ kế hoạch sắm một chiếc xe Toyota Highlander với giá 400.000 NDT sau khi buôn bán giảm sút, khách hàng chỉ còn 4 đơn vị, từ 30 đơn vị trước đây.
Zhao Wenke, 32 tuổi, phụ trách một công ty kinh doanh phụ tùng xe hơi ở Thượng Hải với thu nhập hàng tháng lên tới 83.000 NDT (290 triệu đồng VN) còn “kỹ tính” hơn nữa khi tuyên bố sẽ nâng tỷ lệ tiền tiết kiệm từ 30% lên 40% thu nhập do “không chắc chắn về kinh tế”. “Vì con cái, chúng tôi nhất quyết phải giảm mua sắm quần áo, đặc biệt là các thương hiệu nước ngoài như Mothercare”, Zhao nói. Còn Terry Xu ở đầu bài thì quyết định thay vì mua cổ phiếu, anh sẽ gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn ở ngân hàng, hủy bỏ các chương trình ăn uống ở các nhà hàng hoặc đi du lịch nước ngoài…
Cả Zhao và Xu đều quyết định không “nâng cấp” điện thoại lên iPhone 6S. Giá cổ phiếu của tập đoàn Apple đã giảm 13% tính từ ngày 21-7 đến nay, có phần do nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc, khi những khách hàng tiềm năng như vậy thắt chặt chi tiêu. Các công ty hàng tiêu dùng phương Tây khác cũng đã bắt đầu thấm đòn trước một thị trường khó nhằn hơn trước rất nhiều và doanh thu từ quí 2-2015 đã cho thấy điều đó.
(theo Reuters)