(KTSG) - Các startup Việt chỉ gọi được 47 triệu đô la vốn cổ phần trong quí 1-2024, “bốc hơi” đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình tương tự ở các nước Đông Nam Á, nhưng với tỷ lệ thấp hơn. Thị trường M&A được cho là sẽ sôi động hơn.
- Các quỹ Trung Đông tăng đầu tư vào startup Đông Nam Á
- Các startup Đông Nam Á biến rác nhựa thành hàng tiêu dùng
Các nhà đầu tư có khuynh hướng tăng cường tìm kiếm cơ hội ở các startup mới và tìm dịp thoái vốn ở các startup già đời hơn. Rõ nhất là ở các startup Việt Nam trong năm nay, và có thể trì hoãn đến năm sau ở các nước ASEAN khác.
Theo báo cáo SE Asia Deal Review do báo DealStreetAsia có trụ sở ở Singapore thực hiện, các startup Đông Nam Á chỉ gọi được 1 tỉ đô la vốn cổ phần trong quí 1, giảm 41% so với cùng quí năm ngoái và hơn 50% so với quí 4-2023. Tổng cộng có 180 giao dịch hay thương vụ được thực hiện trong quí vừa rồi, giảm so với con số 193 của cùng quí năm trước. Trong số này, chỉ có năm vụ đầu tư cho startup giai đoạn cuối.
Việt Nam không còn là đỉnh...
Nhìn chung, quy mô gọi vốn cổ phần trong quí 1 năm nay nhỏ hơn các năm trước, không có thương vụ nào vượt cột mốc 100 triệu đô la như các quí trước. Bóc tách tệp dữ liệu 20 thương vụ cổ phần lớn nhất trong quí 1-2024 của DealStreetAsia cho kết quả: các startup Singapore chiếm ưu thế áp đảo với 13 vụ gọi vốn thành công. Philippines và Indonesia mỗi nước có ba thương vụ, Việt Nam chỉ có một vụ.
Với tổng vốn cổ phần đạt 47 triệu đô la, chiếm tỷ lệ 4,7% trong tổng vốn cổ phần ở khu vực trong quí 1-2024, Việt Nam bị mất vị trí “đỉnh thứ ba của tam giác khởi nghiệp Đông Nam Á”. Ba đỉnh hiện tại của tam giác này là Singapore (66,3%), Indonesia (14,8%) và Philippines (14,2%).
Hãng gọi xe công nghệ Be Group thuộc sở hữu của Be Holdings của Việt Nam xếp thứ bảy trong bảng khảo sát 20 thương vụ vốn mạo hiểm lớn nhất ở Đông Nam Á trong quí 1-2024.
Công ty Chứng khoán VPBank Securities thuộc VPBank đã đầu tư 739,5 tỉ đồng (30,3 triệu đô la) vào Be Holdings - công ty chủ sở hữu của Be Group, chiếm hơn 64% tổng vốn cổ phần đầu tư vào các startup Việt Nam trong quí 1. Be Group nói nguồn vốn mới sẽ bổ sung tiềm lực tài chính vững vàng cho ứng dụng này phát triển thành nền tảng đa dịch vụ, hướng tới chiếm thị phần lớn hơn tại thị trường Việt Nam.
Mở đường cho thị trường M&A sôi động hơn
Dòng vốn cho startup công nghệ bị “bốc hơi” hay khô cạn trong thời gian qua là hiện trạng chung trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo báo cáo chung của quỹ mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) phát hành cuối tháng 4 vừa rồi, tình trạng thiếu vắng các thương vụ đầu tư báo trước rằng tình trạng thoái vốn khỏi các startup công nghệ ở Việt Nam sẽ gia tăng. Bởi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến khả năng mua bán sáp nhập nhiều hơn.
“Khi thị trường trưởng thành hơn, nhà đầu tư trong nước sẽ chuyển từ trạng thái bị động thành “những nhà kiến tạo then chốt” của thị trường M&A. Họ sẽ chủ động tăng cường năng lực công nghệ và sự hiện diện trên thị trường bằng các vụ mua bán, thâu tóm mang tính chiến lược”, báo cáo chung của Do Ventures và NIC viết.
Thị trường M&A tại Việt Nam thể hiện rõ dòng vốn đầu tư từ nước ngoài đổ vào, như Sea Limited mua cổ phần của Foody và Giao Hàng Tiết Kiệm, PropertyGuru thâu tóm Batdongsan.vn và Ant Financial rót vốn vào ví điện tử eMonkey… Xu hướng mới là các doanh nghiệp lớn của Việt Nam rót vốn, mua lại các công ty khởi nghiệp trong nước. Không chỉ các công ty công nghệ như FPT và Momo đầu tư vào các startup nhỏ hơn, các tập đoàn lớn như VinGroup, Masan Group và Sovico Holdings đã củng cố năng lực công nghệ và chuyển đổi số thông qua các thương vụ M&A.
Một trong những thương vụ lớn nhất và điển hình là Masan chi 105 triệu đô la để mua cổ phần nền tảng chấm điểm tín dụng Trusting Social đầu năm 2023. Masan muốn dùng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) được chuyển giao từ tập đoàn mẹ của Trusting Social ở Singapore cho nhiều mục tiêu khác nhau như nhu yếu phẩm, giải trí đến dịch vụ tài chính tiêu dùng.
Dòng vốn FDI gia tăng, các hiệp định thương mại nhiều ưu đãi đã tạo môi trường thích hợp cho các hoạt động M&A và IPO (niêm yết công khai lần đầu) tại Việt Nam. “Điều này đã tạo nên sức hút của thị trường, khả năng tiếp cận vốn và hình thành môi trường đổi mới sáng tạo và hợp tác chiến lược, thúc đẩy thị trường M&A và IPO phát triển tại Việt Nam”, báo cáo của Do Ventures và NIC viết.
Theo FinnGroup, thị trường M&A tại Việt Nam năm ngoái đạt tổng giá trị hơn 5 tỉ đô la, với 220 thương vụ, với nguồn vốn ngoại chiếm hơn 80%. Quy mô của thị trường có thể nở phồng gấp bốn lần đạt 20 tỉ đô la trong các năm tới với các điều kiện thị trường tích cực như hiện nay, theo bà Bình Lê Vandekerckove - Tổng Giám đốc hãng tư vấn ASART. Giao dịch sẽ sôi động ở các lĩnh vực “nóng” hiện nay như năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khi dân số Việt Nam bắt đầu già đi…
Kỳ vọng cao vào sự hồi phục của dòng vốn
Theo DealStreetAsia, đó cũng là tình trạng chung của các startup Đông Nam Á khi chỉ gọi được 1 tỉ đô la vốn cổ phần, giảm 41% so với cùng quí năm ngoái và hơn 50% so với quí 4-2023.
Mức vốn gọi được trong quí 1 là thấp nhất trong hơn năm năm qua, phản ánh sự suy giảm nguồn vốn cho startup dai dẳng trong các năm qua kể từ khi Covid-19 kết thúc. Rất ít dấu hiệu cho thấy nguồn vốn cho công ty khởi nghiệp sẽ sớm khơi dòng chảy mạnh như trước.
Thương vụ mua cổ phần lớn nhất trong quí đầu năm là của Asialink Finance, sàn cho vay dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Philippines. Số vốn huy động được là 71,3 triệu đô la. Hãng fintech UNOBank gọi được 32,1 triệu đô la để mở rộng hoạt động kinh doanh ngân hàng số, xếp hạng sáu trong tốp 20.
Startup về vận chuyển SingAuto của Singapore xếp thứ hai trong bảng tổng sắp với 45 triệu đô la. Nền tảng fintech và bảo hiểm Qoala của Indonesia xếp thứ ba khi gọi được 44,9 triệu đô la.
“Sau đợt điều chỉnh sâu rộng trong năm 2023, tâm trạng kỳ vọng hay chờ đợi sự hồi phục của dòng vốn mạo hiểm trong năm 2024 là rất cao. Một số chỉ số chính đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn năm năm qua do cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn cầu kéo dài, làm giảm mức định giá của startup và khiến nhà đầu tư mất đi khẩu vị rủi ro trong các vòng gọi vốn lớn”.
Việc gọi vốn cho các startup Đông Nam Á đã “cất cánh” vào cuối thập niên 2010 và đạt đỉnh năm 2021, khi công cuộc chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, giúp các doanh nghiệp non trẻ ngành công nghệ tài chính (fintech) đến chăm sóc y tế trực tuyến (telemedicine) thu được những “bao tải tiền mặt” trong suốt ba năm Covid 2020-2022.
Tuy nhiên, nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp có xu hướng giảm kể từ quí 4-2021 khi các thương vụ đầu tư chỉ đạt 8 tỉ đô la. Sự bùng nổ của cổ phiếu công nghệ toàn cầu đang đi xuống và môi trường lãi suất tăng cao dần. Các startup Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước các đợt điều chỉnh của thị trường bởi các công ty khởi nghiệp buộc phải hướng đến các dịch vụ tiêu dùng và chăm sóc khách hàng ngày càng cạnh tranh ráo riết.
Báo cáo của DealStreetAsia không đề cập lần cuối số vốn mạo hiểm huy động trong một quí ở mức dưới 1 tỉ đô la. Nhưng các khảo sát trước đó của DealStreetAsia cho thấy số tiền huy động được liên tục vượt quá mốc 1 tỉ đô la sau quí 1-2019.
Tính theo ngành, trong quí 1-2024 thương mại điện tử là một trong những ngành giảm mạnh nhất, chạm mức thấp nhất khi nhà đầu tư bắt đầu ngại các khoản đầu tư thâm dụng vốn. Mảng này chỉ có 10 thương vụ gọi vốn cổ phần và chỉ huy động được 18 triệu đô la, tổng mức vốn theo quí thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay.
Thương mại điện tử là chiến trường, không chỉ đối với những tay chơi mới tham gia như TikTok thuộc ByteDance từ Trung Quốc mà cả với những tay đua sừng sỏ. Tháng 1-2024, Lazada có trụ sở ở Singapore và thuộc sở hữu của Alibaba đã sa thải tới 30% nhân viên khắp khu vực khi cạnh tranh ở ASEAN ngày càng gay gắt.
Với tình hình lên sàn (IPO) khá eo xèo trên toàn cầu, các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư có rất ít cách để bán số cổ phần họ nắm giữ để kiếm lời. DealStreetAsia nói rằng điều này khiến nhà đầu tư chuyển sang đầu tư cho startup ở giai đoạn đầu và lần đầu tiên số vốn gọi được ở giai đoạn đầu vượt qua vốn huy động ở giai đoạn cuối kể từ khi Covid bùng phát.
Shane Chesson, đối tác sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm Openspace Ventures có trụ sở tại Singapore, nói với Nikkei Asia: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các đợt thoái vốn lớn bị trì hoãn đến năm 2025. Thị trường cần ổn định và có thể là các công ty có thêm một năm nữa để củng cố tình hình tài chính”.