Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khi nhà đầu tư ‘giữ lửa’ cho thị trường M&A bằng sự kiên trì

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Số liệu nghiên cứu chuyên ngành cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2023, thị trường M&A sụt giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị 4,4 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia lạc quan rằng thị trường này vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, tiêu dùng nội địa không ngừng tăng nhanh… và hơn hết là sự kiên trì theo đuổi thương vụ từ các nhà đầu tư.

Bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến giao dịch M&A ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Theo dữ liệu từ KPMG Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỉ đô la, trung bình các thương vụ đạt giá trị 54,5 triệu đô la. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, thị trường M&A giảm 23%. Giá trị trung bình các thương vụ cho thấy sự chuyển hướng của nhà đầu tư sang các khoản đầu tư chiến lược, cần nhiều tiềm lực tài chính hơn.

Tại Diễn đàn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023) diễn ra trong tuần, một số chuyên gia cho rằng thị trường M&A Việt Nam vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.

Châu Âu, Mỹ... hướng vào Việt Nam

Hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên RECOF - nhà tư vấn dịch vụ mua bán và sáp nhập xuyên quốc gia - tổ chức một hội nghị toàn cầu chuyên về M&A (GMAP) tại Việt Nam nhằm tạo cầu nối và điều kiện cho các chuyên gia M&A GMAP ở khu vực châu Âu và châu Mỹ tìm hiểu và xác định chiến lược đầu tư ở nền kinh tế gần 100 triệu dân.

Bên cạnh hơn 40 chuyên gia, nhà tư vấn M&A có mặt trực tiếp tại TPHCM, Hội nghị GMAP còn thu hút hàng trăm nhà đầu tư khác tại hơn 30 quốc gia ở hai khu vực này tham gia trực tuyến.

“Có thể nói rằng, hội nghị đã thành công tốt đẹp khi thu hút sự quan tâm rất lớn từ các đối tác. Nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra rất hào hứng khi đề cập đến việc đầu tư vào Việt Nam và mong muốn sớm có giao dịch trong thời gian tới”, Masataka Yoshida cho biết, và nói: "Đây là cơ sở để có thể đo lường trước cho cơ hội M&A của Việt Nam trong thời gian tới”.

Ông Ivan Alver, đồng chủ tịch GMAP cho biết dòng vốn từ châu Âu và Mỹ đang trở nên “năng động" hơn bao giờ hết. Khó khăn kinh tế, lạm phát ở châu Âu buộc các nhà đầu tư phải khẩn trương tìm kiếm thị trường bên ngoài, bảo toàn tài sản. Năm nay những quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng như Việt Nam được dành nhiều quan tâm. “Xu hướng nhà đầu tư muốn tìm kiếm các nhà máy để M&A ở Việt Nam là rất rõ”, theo Đồng sáng lập GMAP, ông Frederic De Boer.

Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A Việt Nam năm 2023 đã có sự chững lại. Cụ thể theo KPMG Việt Nam, trong 10 tháng 2023, thị trường M&A Việt Nam ghi nhận 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỉ đô la, giảm 23% so với đầu năm. Số lượng thương vụ cũng thấp hơn 2 năm trước.

Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023, ông Sebastien Laurent, Giám đốc điều hành khu vực châu Á, Công ty tư vấn Financière de Courcelles, cũng cho biết nhiều "bên mua" từ châu Âu, Mỹ… rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi đại diện cho rất nhiều bên mua từ châu Âu, Mỹ và nhiều đơn vị khác quan tâm tới thị trường Việt Nam”, ông Sebastien Laurent nhấn mạnh tiềm năng hoạt động M&A tại Việt Nam, và ông cho rằng bên mua sẽ quan tâm đến nhiều ưu đãi về thuế, ưu đãi đầu tư, hay việc khoản đầu tư của họ có thể chuyển về được hay không.

Các chuyên gia tư vấn M&A, nhà đầu tư... trao đổi trong khuôn khổ Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 vừa mới diễn ra tại TPHCM.

Có thể thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư của hai khu vực nói trên cho thấy một sự kỳ vọng về dòng vốn mới sẽ rót vào nền kinh tế gần 100 triệu dân khi mà thị trường M&A Việt Nam trong nhiều năm qua đã thu hút đầu tư từ nhiều nước ở khu vực châu Á, nhưng lại thiếu vắng các khoản đầu tư từ khu vực châu Âu và châu Mỹ.

Theo ông Masataka Yoshida, Việt Nam đang ở giai đoạn phù hợp cho bất kỳ công ty, nhà đầu tư nào muốn mở rộng tại thị trường Việt Nam. “Thị trường M&A Việt Nam đang trong giai đoạn nhiều tiềm năng và chín muồi để các công ty Nhật Bản tiếp cận”, ông Masataka Yoshida nói, và cho biết: "Chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy hơn nữa để ngày càng có nhiều thương vụ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản”.

“Khẩu vị” của nhà đầu tư ngoại...

Sự ổn định về kinh tế vĩ mô cùng các yếu tố về pháp lý, môi trường đầu tư, sự dịch chuyển hoạt động sản xuất, thương mại… tiếp tục được xem là cơ hội thuận lợi để Việt Nam đón dòng vốn mới. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề tiếp tục nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế.

Khác với 2 năm trước, khi nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế, thì năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đã chiếm lĩnh cả 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch. Trong đó, Nhật Bản, Singapore và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất. Ba nhà đầu tư này chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố.

Theo nhận định mà ông Masataka Yoshida đưa ra, những lĩnh vực liên quan tới người tiêu dùng sẽ tiếp tục thu hút các cơ hội M&A từ nhà đầu tư ngoại, như FMCG (hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày) - bán lẻ, sản xuất - chế biến thực phẩm, logistics - kho bãi, tài chính - fintech…

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn đặc biệt quan tâm những ngành đang có tiềm năng phát triển tại Việt Nam như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh và đặc biệt là ngành chíp bán dẫn,…

Tương tự, tại Diễn đàn M&A, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia, cho rằng M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động.

Bán lẻ và tiêu dùng tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại qua giao dịch M&A. Ảnh minh họa: TL

Theo ông, năm 2024, thị trường M&A Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng do có nhiều bước tiến về kinh tế và cải cách nhằm thu hút FDI. Các giao dịch M&A có thể gia tăng trong các lĩnh vực chính như: năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe do hỗ trợ chính sách và nhu cầu gia tăng. Xu hướng đầu tư sang các ngành này do tăng trưởng cơ sở hạ tầng, và công nghệ được thúc đẩy bởi chuyển đổi số.

Còn theo ông Khanh Vũ, Phó Tổng giám đốc Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity, trong môi trường lãi suất cao, nhà đầu tư sẽ đòi hỏi lợi nhuận cao hơn. Trong khi các thị trường phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… không còn tăng trưởng như trước, Việt Nam hiện là một trong những thị trường hiếm hoi mang lại lợi nhuận khá cao. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư.

“Khi tôi nói chuyện với các nhà đầu tư ở London (Anh), họ rất quan tâm tới tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Hãy tưởng tượng 4 năm tới, một nửa dân số Việt Nam trở thành tầng lớp trung lưu thì rõ ràng đây là cơ hội rất tuyệt vời để đầu tư cho dịch vụ y tế, nhà ở, ngân hàng...", ông Vũ phân tích.

Theo ông Đinh Thế Anh, Trưởng Bộ phận M&A, Công ty kiểm toán và tư vấn KPMG Việt Nam, đánh giá khoảng 2 năm trở lại đây, khẩu vị M&A của các nhà đầu tư bắt đầu thay đổi, có xu hướng dịch chuyển sang ưu tiên tăng trưởng bền vững hơn là cơ hội trong ngắn hạn. Bởi lẽ những rủi ro và biến động của thị trường hiện nay khiến người mua và người bán trên thị trường đều trở nên cẩn trọng hơn.

Trước đây, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên tăng trưởng doanh thu tốt, mạnh mẽ trong thời gian ngắn thì bây giờ họ chuyển hướng sang tìm kiếm những công ty có độ tăng trưởng bền vững cao.

Đặc biệt, trong bối cảnh dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản bị kiểm soát chặt chẽ, nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài thường đặt ra nhiều tiêu chí khắt khe để lựa chọn đối tác như thương hiệu uy tín, tiềm lực tài chính tốt, khả năng hoàn thiện thủ tục pháp lý và triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng cam kết.

Hơn nữa, thời gian gần đây bắt đầu hình thành một xu hướng mới, đó là các nhà đầu tư nội địa đang để ý tới việc đi mua lại các công ty trong nước khác, hay còn được gọi là giao dịch M&A nội bộ.

Trước đây, phần lớn người mua là những công ty nước ngoài đi mua lại các công ty Việt Nam, nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, xu hướng các công ty Việt Nam mua lại các công ty Việt Nam khác đang trở nên nhiều hơn, rõ nét nhất là thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Các nhà đầu tư nội địa gần đây xem M&A là một cách để mở rộng kinh doanh và tăng trưởng nhanh chóng. Các biến động kinh tế vĩ mô đã dẫn đến nhu cầu M&A tăng cao đối với các công ty địa phương, có thể là để tái cấu trúc, tối ưu hóa vốn và tài sản, hoặc huy động vốn để duy trì hoạt động kinh doanh hoặc thúc đẩy mở rộng doanh nghiệp.

Cần sự kiên trì vì giao dịch kéo dài cả năm

Dù vậy, thị trường M&A trong nước cũng đối diện với nhiều thách thức và rủi ro mà đòi hỏi các nhà đầu tư phải kiên nhẫn và mất thời gian để vượt qua.

Theo ông Masataka Yoshida, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, môi trường M&A tại Việt Nam vẫn còn 3 thách thức lớn, gồm thời gian, hệ thống kế toán và kỳ vọng định giá quá cao của bên bán. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay chính là vấn đề thời gian từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc thương vụ giao dịch.

Là công ty tư vấn đến từ Nhật Bản, ông Masataka Yoshida, cho biết ở thị trường xứ hoa anh đòa, thương vụ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng là hoàn tất; giữa doanh nghiệp Nhật Bản với các đối tác châu Âu thì mất 6 tháng.

"Thương vụ giữa doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam phải mất 12 tháng”, ông Yoshida nói và cho rằng thời gian thương vụ này là quá dài và mất nhiều thời gian và công sức của nhà đầu tư.

Bất động sản được cho là một trong những lĩnh vực kéo dài thời gian giao dịch nhất. Ảnh: Hùng Lê

Tương tự, bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF, cho rằng gần đây, thời gian từ khi bắt đầu tới hoàn tất một thương vụ M&A dài ra, quy trình trở nên phức tạp hơn khi doanh nghiệp nội địa thuộc bên bán có quyền sử dụng đất.

“Các thủ tục phức tạp hơn khi doanh nghiệp nước ngoài muốn thực hiện M&A với doanh nghiệp trong nước có quyền sử dụng đất. Lý do là cơ quan cấp phép đầu tư thường phải xin ý kiến của nhiều cơ quan liên quan trước khi quyết định, dẫn tới thời gian kéo dài”, bà Duyên nói.

Đứng ở góc nhìn người làm luật, bà Duyên hy vọng thời gian tới, các định nghĩa, quy định về các loại đất, quyền sử dụng đất... sẽ rõ ràng, đơn giản hơn để tiến trình thực hiện M&A có thể được xử lý nhanh hơn.

Liên quan đến quy trình, bà Bình Lê Vandekerckove, Nhà sáng lập & Tổng giám đốc, Công ty Tư vấn thương vụ ASART, cũng lưu ý các công ty phải sẵn sàng cho việc thực hiện một thương vụ M&A để có thể đóng được thương vụ mà thông thường kéo dài trong một năm. Bởi nếu các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ càng mà phải làm lại bảng cân đối kế toán thì phải mất thời gian, ít nhất khoảng 3 tháng thì sẽ mất thêm thời gian.

"Vì thế, chúng tôi cũng kỳ vọng không chỉ khung pháp lý M&A sẽ càng rõ ràng hơn mà ngay cả với bản thân các doanh nghiệp cần bán phải có sự chuẩn bị kỹ để có thể sớm hoàn tất đàm phán và bán được theo như kế hoạch, nếu có có ý định thực hiện một thương vụ M&A. Bởi thực tế, M&A không phải chỉ có thể buộc phải bán khi làm ăn thua lỗ mà có thể là chúng ta tiến tới một kế hoạch lớn hơn", bà Bình Lê khuyến nghị.

Chất lượng tài sản cũng là điều đáng chú ý. Theo ông Warrick Cleine của KPMG, các công ty Việt Nam có lợi thế chất lượng hàng hóa, dịch vụ, con người, tỷ suất lợi nhuận tốt, nhưng bản cân đối kế toán thường chưa tốt, có các khoản nợ chi phí huy động quá cao.

Điểm yếu của doanh nghiệp Việt cũng sẽ bộc lộ rõ khi gặp khó khăn, ví dụ như chất lượng hội đồng quản trị, chất lượng giải trình của ban điều hành. "Chúng tôi quan tâm nhiều đến khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Đúng là cần nhiều tài sản chất lượng hơn", ông Sebastien Laurent, thuộc Công ty tư vấn Financière de Courcelles nói.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến nghị bên bán nên điều chỉnh kỳ vọng định giá - hiện thường quá cao. Đồng thời, cần quan tâm đến ESG (bộ tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị). Theo bà Bình Lê Vandekerckove, hiện nay, cứ 5 thương vụ thì 2 cái là có yêu cầu về ESG.

Tuy nhiên, ông Marco Forster, trưởng bộ phận tư vấn ASEAN, hãng tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates, lưu ý dù có cơ hội đầu tư nhưng không dễ để nhà đầu tư chịu thỏa hiệp về thẩm định dự án hoặc về chiến lược. Họ thường chú trọng tạo ra giá trị lâu dài hơn là tiết kiệm chi phí ban đầu (là giá thấp của bên bán).

Ngay cả khi phía doanh nghiệp Việt Nam đưa ra mức giá hấp dẫn, quyết định cho thương vụ vẫn có thể phụ thuộc vào sự phù hợp chiến lược rộng hơn và tiềm năng tăng trưởng bền vững. Ngoài ra, giới đầu tư nước ngoài cũng xem xét kỹ môi trường kinh tế vĩ mô, môi trường

Điểm đáng chú ý là giá trị trung bình các thương vụ trong thời gian này ghi nhận đạt 54,5 triệu đô la/giao dịch, chỉ thấp hơn mức kỷ lục vào năm 2017 là 57,3 triệu đô la, còn lại, giá trị trung bình của năm nay cao hơn nhiều lần so với 2 năm trước đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới