Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khi turbine điện gió xuất ngoại…

Khánh Nguyên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Dù mới dừng lại ở việc xuất khẩu hộ thiết bị cho các dự án năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng này, tiến tới tự chủ trong một số sản phẩm nhất định.

Việc các turbine điện gió sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu sang Hàn Quốc khó có thể coi là một điểm mốc cho công cuộc chinh phục công nghệ phục vụ chuyển đổi xanh của Việt Nam. Đơn vị sản xuất số tháp turbine này là CS Wind Việt Nam, một doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam từ năm 2003.

Những tháp turbine điện gió nói trên sẽ được lắp đặt tại một dự án điện gió ngoài khơi vận hành năm 2024 tại Hàn Quốc, là kết quả hợp tác giữa Tập đoàn SK E&S - một trong những tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc và Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) - nhà phát triển dự án điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới. Vậy nên, trong câu chuyện này, Việt Nam vẫn tiếp tục đứng ở vị trí gia công.

Trên thực tế, CS Wind Việt Nam không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài duy nhất đang sản xuất các thiết bị chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Trong những ông lớn ngành này, phải kể đến General Electric (GE) Hải Phòng - nhà máy lớn nhất ở Việt Nam của GE, tập đoàn đa quốc gia có trụ sở đặt tại Connecticut (Mỹ). Tham gia sản xuất turbine điện gió từ năm 2010, GE Hải Phòng được xác định là cơ sở chính sản xuất những linh kiện turbine gió ngoài khơi và cả đất liền trong mảng kinh doanh năng lượng tái tạo của GE.

Thế nhưng, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc Việt Nam được xác định là một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng, đặc biệt là đất hiếm dùng để chế tạo nam châm đất hiếm cho turbine điện gió, có thể khiến vai trò gia công nói trên có tính chất khác: gia công chủ động.

Lời mời chào các doanh nghiệp lớn sản xuất turbine điện gió hay các thiết bị dùng trong chuyển đổi xanh khác có thể đi kèm với những điều kiện chặt chẽ hơn về tỷ lệ nội địa hóa và chuyển giao công nghệ. Cú hích trong công nghệ khai thác, tách chiết và tinh chế đất hiếm tại Việt Nam chỉ có thể đạt được với động lực như vậy.

Dẫu vậy, Việt Nam vẫn cần đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn. Chuyển giao công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng nhằm đến điều gì nếu không phải để doanh nghiệp Việt dần tiến tới tự sản xuất các thiết bị phục vụ cho việc chuyển đổi xanh trên đất nước mình.

Theo một số liệu được đưa ra khi xây dựng Quy hoạch điện 8, để đáp ứng Net Zero vào năm 2050, vốn đầu tư cho nguồn phát điện sạch và hệ thống truyền tải trong giai đoạn 2021-2045 khoảng 532 tỉ đô la Mỹ (mỗi năm tăng 5 tỉ đô la Mỹ). Sẽ rất đáng tiếc nếu doanh nghiệp trong nước không nhận được một phần tương xứng trong miếng bánh lớn này.

Nhìn rộng hơn, không phải ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp châu Âu sản xuất thiết bị trong ngành năng lượng tái tạo đã đánh tiếng về việc đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Ngoài thị trường Việt Nam, đích nhắm của họ có thể là khu vực Đông Nam Á đang rất sẵn sàng chuyển đổi sạch hay các nền kinh tế phát triển xung quanh Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ...

Một điểm thuận lợi khác là Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia, khu vực kinh tế, cùng ba FTA đang trong quá trình đàm phán. Hàng hóa từ Việt Nam được hưởng mức thuế ưu đãi mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất nước ngoài và đương nhiên cả các doanh nghiệp nội địa.

Thậm chí, chúng ta có thể nhắm đến những thị trường đang hoặc kém phát triển tại các nước đang phát triển châu Phi, châu Á. Khi chuyển đổi sạch là con đường chung của toàn thế giới, những đất nước này sẽ buộc phải bước vào đường ray phát triển này.

Nút thắt nhân lực không khó để tháo gỡ. Người Việt liên tục giữ vị trí tổng giám đốc, hơn 90% nhân lực phục vụ GE Hải Phòng là người Việt chứng tỏ rằng, chỉ cần có cơ hội, những khiếm khuyết về trình độ quản lý, chuyên môn, kỹ năng... có thể được lấp đầy. Đó là chưa kể lực lượng trí thức người Việt ở nước ngoài tương đối lớn mạnh, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ trong các ngành mũi nhọn tại Việt Nam. Tóm lại, trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, cơ hội là có, chỉ cần cơ chế phù hợp.

1 BÌNH LUẬN

  1. CS Wind chỉ sản xuất và xuất khẩu thân trụ (ống thép) tháp gió chứ không phải turbine. Viết là xuất khẩu turbine thì sai hoàn toàn, mặc dù trong bài đề cập tháp turbine. Kể cả GE Việt Nam cũng chỉ sản xuất một số linh kiện cho turbine tại Việt Nam thôi, không phải toàn bộ turbine.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới