(KTSG) - Mới đây có vụ Facebook bị lỗi hiển thị, số lượng follower (người theo dõi) của nhiều tài khoản giảm đi bất ngờ và nó gây “ngạc nhiên”, “đáng tiếc”, thậm chí là “sốc”, rõ rệt nhất là đối với các tài khoản của những người nổi tiếng.
- Xu hướng mạng xã hội lấn sân sang thương mại điện tử đang hình thành
- Mạng xã hội, sàn thương mại điện tử: Trách nhiệm pháp lý với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Riêng với góc nhìn của người từng “bỏ theo dõi” nhiều người nổi tiếng như tôi đây, việc này lại làm tôi nghĩ tới một chiều kích khác khi mà trong xã hội, dường như ai ai cũng đề cao quá mức các con số “người theo dõi”, đó là chiều kích truyền thông xã hội định hướng lớp người trẻ.
Nhớ hồi còn là sinh viên, lúc mới tập tành chơi Facebook, tôi từng rất ngạc nhiên trước những tài khoản có lượng người theo dõi lên đến con số hàng triệu. Tôi và đám bạn đã chia sẻ cho nhau danh sách những tên tuổi nổi đình nổi đám. Tuổi trẻ bị cuốn vào sự hào nhoáng và chúng tôi mặc nhiên follow, bám riết lấy họ - những người mà chúng tôi cho rằng họ có thể thay đổi thế giới.
Điểm chung của những người này là sức lôi cuốn. Họ nói toàn những điều hay ho, đăng toàn những hình ảnh, thông điệp hợp xu thế. Bên dưới phần bình luận, đám đông follower - như đám sinh viên chúng tôi - luôn bày tỏ sự tin tưởng cực độ, xem những gì người nổi tiếng đăng lên là chân lý.
Mê man mạng xã hội với người nổi tiếng, đám chúng tôi dần mất khả năng tự vấn và hoài nghi. Ma lực của những người có sức ảnh hưởng khiến những cá nhân đơn lẻ mất kết nối với chính mình. Chúng tôi trở thành những follower tin vào những gì đám đông tin tưởng và còn không cho mình cơ hội để ngẫm lại. Chính vì thế, suốt một thời gian dài, chúng tôi luôn sống trong hai trạng thái: hoặc lên giọng chỉ bảo, dạy dỗ, ban phát lòng thương; hoặc chê bai, phẫn nộ. Cả đám đông “người theo dõi” lúc nào cũng đắc thắng như ông chủ - KOL vì vẫn tin mình nắm chân lý trong tay.
Nhưng may mắn là đến một lúc, tôi nhận ra cái nút theo dõi ở trên mạng xã hội không đơn thuần mang ý nghĩa “theo dõi” mà nó là “tập hợp một đám đông cùng phe”, nó gầy thêm sức mạnh cho một quan điểm, một lối nghĩ, một trường phái... Lâu dần, cả người nổi tiếng lẫn đám đông theo dõi họ đều ngộ nhận về sự hiểu biết, về phẩm giá của mình.
Đó là chưa kể việc có không ít KOLs luôn ý thức lợi dụng sự nổi tiếng của mình và sức mạnh của đám đông cùng phe để quảng cáo, thậm chí để rao giảng hay tung tin đồn có mục đích. Và đám đông “fan cuồng” thì sẵn sàng nhảy vào câu chuyện và hậu quả là những cơn sóng thần bình phẩm, bình luận, có khi còn gây hoang mang, mất niềm tin cho cộng đồng, bao gồm cả những người tưởng chừng đứng ngoài cuộc.
Từ khi bình tĩnh đứng riêng ra để nhìn lại một số vấn đề, nhiều lúc tôi thầm thấy mừng vì mình đã tách khỏi “đám đông triệu người follow”, đã biết khước từ những “mật ngọt” mà nó mang lại. Tôi, đứng riêng ra, để có một góc nhìn độc lập, một lối đi riêng.
Mạng xã hội Facebook có một khái niệm khá thú vị, đó là “lượt theo dõi tự nhiên”, tức là khi người dùng thấy ai đó tạo ra một nội dung thú vị, họ sẽ chọn theo dõi người đó để đón nhận những giá trị tương tự trong tương lai. Không phải tất cả, nhưng không ít người muốn tập hợp đám đông cùng phe, thay vì nên quan tâm đến điều tự nhiên này thì họ lại dùng các chiêu trò câu view, tăng like gây sốc, hay dẫn dắt dư luận bằng những lời mật ngọt chết ruồi.
Và chúng ta, tạm gọi là những người theo dõi bình thường trên thế giới mạng, chắc không ít người, nhất là người trẻ, từng follow một “hình mẫu” theo phong trào, để đến một lúc phải thất vọng, chán nản, thậm chí mất phương hướng khi “thần tượng sụp đổ”. Vậy nên chăng, ta hãy tự khám phá bản thân mình trước: tôi muốn trở thành người như thế nào; tôi chọn những giá trị sống nào; lẽ sống của tôi là gì…, rồi từ đó chọn những đối tượng follow phù hợp, nhưng không phải để theo dõi nhất cử nhất động của họ mà để học hỏi những điều bổ ích cho con đường mình đang hướng tới.
Ta có thể hình thành một quan điểm sống độc lập, một tinh thần tự túc mà không bị những thứ hào nhoáng, những điều ồn ã chi phối. Chính từ đây, ta có thể quan tâm, chia sẻ tới người khác một cách sâu sắc hơn, tử tế hơn.