Thứ Ba, 20/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khó khăn nào cũng cần được tháo gỡ

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với người tiêu dùng, điện tăng giá không dễ chịu chút nào. Nhưng cho đến giờ, người ta vẫn chưa biết giá sẽ tăng bao nhiêu, có hợp lý hay không và khi nào tăng trong năm nay. Tình trạng chờ đợi khắc khoải này còn gây khó chịu, ức chế hơn cho người dân và doanh nghiệp. Chẳng lẽ không còn cách nào khác?

“Nhiệt tình” nhất với chuyện tăng giá điện có lẽ không ai khác ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – nhà điều hành, sản xuất và phân phối điện lớn nhất nước. Cũng dễ hiểu thôi vì nếu điện không tăng giá, họ sẽ tiếp tục than lỗ. Đơn giá điện ở Việt Nam đã đứng yên từ tháng 3-2019 đến nay, dù từ ngày ấy đến bây giờ, năm nào cũng có các phương án tăng giá điện được đưa ra.

Trước tình hình người dân cũng như doanh nghiệp toàn quốc phải gồng mình chống đại dịch Covid-19 và nền kinh tế quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong mấy năm qua, Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm giữ nguyên giá điện – loại hàng hóa thiết yếu đối với từng người Việt.

Thật tình mà nói, EVN tính tăng giá là hợp lý vì giá của nguyên liệu đầu vào trong sản xuất điện, nhất là dầu và than, đều đã tăng rất cao. Tình hình thế giới cho thấy, sắp tới, giá dầu cũng khó xuống sâu. Theo báo cáo của EVN, tập đoàn này đã lỗ hơn 31.000 tỉ đồng năm ngoái. Nếu đà lỗ này tiếp tục trong năm nay, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Các chuyên gia cho rằng, về lâu về dài, khó khăn tài chính là một trở ngại lớn cho việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển trong ngành điện, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế trong tương lai. Nếu thiếu vốn, làm sao triển khai các công trình đó?

Thêm nữa, một số ý kiến cũng đã lưu ý đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu và xem đây có thể là một tiền lệ cảnh báo xấu cho thị trường điện nếu tiếp tục kềm giá không hợp lý.

Tóm lại, ai cũng thấy giá điện tăng là một việc không thể tránh khỏi.

Tuy vậy, chuyện tăng giá của mặt hàng thiết yếu với mọi người này lại luôn luôn là một vấn đề gây tranh cãi, từ phía cơ quan chức năng lẫn người tiêu dùng. Tại sao như vậy?

Nói gì thì nói, điện vẫn còn chủ yếu là thị trường độc quyền. Giá điện do EVN đưa ra, bộ chủ quản xem xét trước khi trình Chính phủ phê duyệt – một chu trình khép kín. Vấn đề nằm ở chỗ người tiêu dùng muốn có minh bạch hơn trong việc tính giá. Một khi họ đã thấy được sự minh bạch đó, tăng giá sẽ không còn quá khó chịu vì điều bất khả kháng đã được chứng minh là hợp lý. Ngược lại, một khi vẫn còn mập mờ, tăng giá sẽ luôn luôn là một cái gai trong mắt người tiêu dùng.

Gần đây, báo Nhân dân dẫn lời Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đề cập đến sự cần thiết của hội đồng độc lập nhằm giám sát giá điện và hoạt động kinh doanh của ngành điện, đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng liên quan đến một mặt hàng thiết thân đối với họ(1). Theo ông Doanh, điều này cũng sẽ giúp ngành điện phát triển trong sự ủng hộ của người tiêu dùng.

EVN, Bộ Công Thương và Chính phủ cần làm nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu này của người dân. Ngay sau khi mọi việc đã rõ ràng, giá điện sẽ trở thành bình thường như các vấn đề khác trong cuộc sống.

Chiều thứ Năm tuần trước, trong cuộc họp báo về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Giêng năm 2023, câu hỏi giá điện sẽ tăng bao nhiêu – trên hay dưới 10% – đã được đặt ra. Nhưng câu trả lời vẫn chưa rõ. Một câu hỏi khác là tăng bao nhiêu thì hợp lý. Người viết không có cơ sở làm đáp án cho câu hỏi này. Tuy nhiên, thiết nghĩ, nếu lấy mức lạm phát ở Việt Nam dưới 4% và lạm phát kỳ vọng năm nay cũng là con số này, thì giá điện tăng 10% cũng đã tương đương với hai năm rưỡi lạm phát – đã là quá nhiều.

Những người so sánh giá điện tại Việt Nam và giá điện trên thế giới, rồi kết luận giá của chúng ta còn thấp, nên xem lại khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ông nói “… giá điện của Việt Nam không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được”(2).

Sáng thứ Năm tuần rồi, trước buổi họp báo nêu trên chỉ mấy tiếng đồng hồ, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhằm khai thông một số thị trường liên quan(3). Theo các thống kê, bất động sản hiện chiếm khoảng 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam(4). Ngành kinh tế quan trọng này đang gặp khó khăn nên cần được tháo gỡ. Đó là điều cần thiết.

Nhưng EVN và bộ chủ quản cần lưu ý rằng, trong bối cảnh chung của cả nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn không khác gì thị trường bất động sản. Do vậy, họ cần được tháo gỡ khó khăn không kém. Giá điện hợp lý cũng là một trong những cách tháo gỡ khó khăn cho họ.

____________

(1)https://nhandan.vn/evn-kien-nghi-tang-gia-dien-post729047.html

(2)https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thu-tuong-gia-dien-qua-cao-thi-nguoi-dan-doanh-nghiep-khong-chiu-duoc-20230204001936525.htm

(3), (4)https://vnexpress.net/thu-tuong-tiep-tuc-go-kho-cho-thi-truong-bat-dong-san-4566024.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới