Khó khăn thêm chồng chất
![]() |
Ảnh chụp xưởng sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) - Việc người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới thắt chặt hầu bao đã ảnh hưởng không ít đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Nay khó khăn càng thêm chồng chất khi đồng nội tệ của nhiều nước giảm giá so với đô la Mỹ và cả đồng Việt Nam, làm cho hàng xuất khẩu Việt Nam trở nên đắt đỏ, cộng thêm việc các nhà nhập khẩu không tìm được nguồn tín dụng để mua hàng.
>> Nông sản Việt Nam bất lợi vì tỷ giá
>> Xuất khẩu gặp khó: Xoay xở tìm giải pháp
Những tuần qua là cơ hội hiếm có cho du khách nước ngoài mua sắm ở Hàn Quốc. Mặc dù đây không phải thời điểm bán hàng đại hạ giá hoặc giải quyết tồn kho, nhưng giá cả hàng loạt sản phẩm của nước này đã trở nên rẻ bất ngờ, nhờ đồng won của Hàn Quốc giảm giá mạnh so với đô la Mỹ.
Vào cuối tháng 10-2008, có những ngày một đô la Mỹ đổi được 1.494 won, mất trên 60% giá trị so với khi đồng tiền này đạt tỉ giá 902 won/một đô la Mỹ hồi giữa năm nay.
Không riêng won, nhiều đồng nội tệ của các quốc gia khác trên thế giới cũng đang trong xu hướng giảm giá mạnh so với đô la Mỹ. (Xem thêm bảng biến động tỷ giá của đô la so với các đồng tiền, tr.17)
Từ lo vì tiền đồng mạnh
Việc đồng nội tệ của nhiều quốc gia giảm giá khiến cho hàng hóa của các nước này trở nên rẻ hơn nếu mua bằng đô la Mỹ. Ngược lại, nó cũng khiến hàng nhập khẩu từ những nền kinh tế mà các hợp đồng mua bán thường được xác định theo đồng đô la Mỹ, chẳng hạn như Việt Nam, trở nên đắt đỏ.
Trong tuần qua, mặc dù đồng Việt Nam có giảm giá chút ít so với đô la Mỹ, nhưng nếu so với Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... thì tốc độ giảm giá của đồng tiền Việt Nam vẫn ít hơn.
Có thể thấy, xu hướng một loạt đồng tiền của các quốc gia, nhất là những đối thủ cạnh tranh và các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, giảm giá đang và sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu vốn đã suy giảm do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì nay lại càng khó khăn hơn. Trong đó, chế biến thủy sản xuất khẩu là một trong những ngành chịu tác động sớm nhất.
Ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Ủy ban Cá thuộc Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam, nói: “Thói quen xuất bán bằng đô la Mỹ lâu nay đang gây khó khăn không ít cho các doanh nghiệp ngành cá. Giá cá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU, Nga, Úc... đã đắt hơn trên 10%. Từ cuối tháng 10-2008 đến nay, hợp đồng xuất khẩu cá ba sa ngày càng ít và nhiều công ty đã rơi vào tình trạng không kiếm đủ đầu ra cho sản xuất”. Ông dự báo, nếu tình hình cứ tiếp diễn như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cá trong hai tháng cuối năm nay có thể giảm tới 30-50%.
Tuy nhiên, với một số ngành khác, ảnh hưởng của tỷ giá lên xuất khẩu đến nay chưa rõ ràng. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết ở thời điểm đầu tháng 11-2008, việc đồng nội tệ của nhiều nước bị mất giá chưa thấy có tác động cụ thể nào đến ngành dệt may Việt Nam. Có thể do xuất khẩu của ngành này chủ yếu là dưới hình thức gia công, hơn nữa các hợp đồng đều đã ký từ nhiều tháng trước đó, nên chưa thấy có những ảnh hưởng tức thời. Ngoài ra, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam, còn khá ổn định, nên sức ép cạnh tranh về giá lên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chưa thay đổi.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung Vina, đồng đô la Mỹ mạnh lên sẽ tác động mạnh đến thị trường nhập khẩu. “Khi đồng tiền của các nước khác mất giá, hàng xuất khẩu của họ vào thị trường Việt Nam sẽ rẻ hơn. Điều này đặt ra bài toán khó cho nhà sản xuất trong nước, nhất là trong bối cảnh lãi suất vay ngân hàng còn rất cao như hiện nay”, ông Đạo nhấn mạnh.
Đến tín dụng bị siết chặt
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đang tác động tiêu cực đến khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất hiện nay là các khách hàng ở nước ngoài bị cắt nguồn tín dụng nhập khẩu. Ông Ngô Phước Hậu cho biết: “Do các nước đang áp dụng chính sách siết chặt tín dụng, nên nhiều khách hàng không vay được tiền để mua cá của Việt Nam. Ngay với nhiều hợp đồng đã ký, nhà nhập khẩu không mở được tín dụng thư, nên phía Việt Nam không giao được hàng. Thậm chí việc thanh toán cho những lô hàng đã chuyển đi từ trước cũng chậm trễ”.
Các doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt - may, da - giày, chế biến gỗ và nhựa cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự. “Tình hình hiện nay rất khó đoán trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu thị trường tài chính thế giới không sớm được cải thiện, người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu tiếp tục giảm chi tiêu, thì triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn”, ông Lê Quốc Ân nói.
Giá trị xuất khẩu hàng năm của Việt Nam bằng khoảng 60% GDP, nên sự suy giảm tốc độ tăng xuất khẩu sẽ ảnh hưởng không ít đến đà tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong phiên họp vào tuần trước, các thành viên chính phủ cũng dự báo triển vọng kinh tế năm 2009 sẽ khó khăn hơn năm nay nhiều. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào năm tới sẽ chỉ khoảng 6%, trong đó tốc độ tăng xuất khẩu là 10-12%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng gần 37% trong 10 tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay không chỉ mang lại những hậu quả xấu, mà còn có một số yếu tố thuận lợi.
Đối với một nền kinh tế mà lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ thuộc đến 70-80% vào nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài, việc các vật tư, nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm giá mạnh sẽ có tác động tích cực tới cuộc chiến chống lạm phát của Việt Nam.
Chính sách thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát của Chính phủ trong những tháng qua ít nhiều đã làm giảm sức mua ở thị trường nội địa, gây khó khăn cho sản xuất. Nay với xu hướng giá vật tư, nguyên liệu giảm mạnh, giá nhiều sản phẩm công nghiệp dần trở nên rẻ hơn và đây sẽ là đòn bẩy tốt để kích thích nhu cầu thị trường. Vấn đề là làm sao tận dụng được các cơ hội mới từ nhập khẩu để khắc phục những khó khăn mới nảy sinh của hoạt động xuất khẩu ở nước ta.
TẤN ĐỨC