(KTSG Online) - Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế đặc thù cho giáo viên giảng dạy ở một số bộ môn khó tuyển dụng như tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.
- Nhiều tỉnh, thành phố công bố học phí năm học mới, có nơi miễn học phí 100%
- Giá sách giáo khoa tăng gấp 2-3 lần trước thềm năm học mới
Đây là nội dung được bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thông tin tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 19-8. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 63 điểm cầu tỉnh, thành phố.
Cả nước thiếu hơn 113.400 giáo viên các cấp học
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn ở hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Tuy nhiên, tình trạng này chậm được khắc phục, gây khó khăn cho thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Tính đến tháng 4-2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông.
Cùng với đó, cơ cấu giáo viên còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học và giữa các vùng miền. Nguyên nhân do sức hút vào ngành còn hạn chế dẫn đến giáo viên nghỉ việc nhiều. Nguồn tuyển giáo viên một số môn đặc thù còn thiếu, các địa phương tuyển dụng còn chậm. Hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho thấy mỗi năm, trung bình TPHCM cần tuyển thêm gần 5.000 giáo viên cho các bậc học từ mầm non đến THPT. Thế nhưng, số giáo viên trúng tuyển chỉ đạt khoảng 50% so với nhu cầu, thậm chí có môn học không có ứng viên.
Từ thực trạng trên, bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế đặc thù tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.
“Các nhóm ngành này rất khó tuyển được giáo viên bởi lương quá thấp. Với điều kiện lương trung bình ở TPHCM như hiện nay, thì các nhóm ngành này không thể tuyển được giáo viên. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng không thể đề xuất với Hội đồng nhân dân TPHCM về các cơ chế hỗ trợ tài chính riêng như Hội đồng nhân dân thành phố đã có cơ chế chính sách riêng cho giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố trước đó”, bà Thuý nói.
Để khắc phục khó khăn trong quá trình tuyển giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết đơn vị sẽ tiếp tục đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học để tuyển dụng vào vị trí giáo viên các cấp học. Đến nay, ngành giáo dục thành phố đã nhận được danh sách 356 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường Đại học Công Thương TPHCM…
Những sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nếu tuyển dụng, sẽ được thụ hưởng chính sách như hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự; phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, quản lý nhà nước...
Ngoài kiến nghị có chính sách đặc thù để thu hút giáo viên, bà Trần Thị Diệu Thuý, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu điều chỉnh quy định về diện tích đất bình quân tối thiểu cho 1 học sinh tại Thông tư số 13 nhằm phù hợp đặc thù riêng của thành phố có dân số đông, quỹ đất hạn hẹp ở khu vực trong nội thành. Điều này giúp thực hiện đầu tư tăng thêm phòng học và các phòng chức năng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố. Bởi hiện nay TPHCM vẫn đang còn gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện lập chủ trương đầu tư các dự án trường học theo Thông tư số 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhiều kiến nghị gỡ khó cho giáo dục miền núi
Theo ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, “tình trạng thiếu giáo viên ở tỉnh này cũng diễn ra trên diện rộng, nhất là với các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh, giáo viên tiểu học… Đội ngũ có biến động khá lớn sau mỗi khi kết thúc năm học do chuyển công tác về miền xuôi. Việc thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp và liên trường”.
Để giải quyết tình trạng này, cách đây ba năm, tỉnh Điện Biên đã xây dựng chính sách đặc thù nhằm đào tạo các môn chuyên biệt, đặc thù để đáp ứng nguồn tuyển cho các địa phương… nhưng vẫn không có nguồn tuyển. Căn cứ Nghị định số 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh và sinh viên dân tộc thiểu số, tỉnh đã tạo điều kiện cho con em trong địa bàn tỉnh được đi học theo diện cử tuyển… Tuy nhiên, sau ba năm triển khai, cả tỉnh chỉ có 72 người đăng ký tham gia đi học, ông Bằng cho biết.
Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Thứ nhất là không thực hiện cắt giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh còn nhiều khó khăn, không có khả năng thành lập các trường ngoài công lập như tỉnh Điện Biên; đồng thời bố trí đủ giáo viên hưởng lương từ ngân sách theo định mức đối với các tỉnh này”.
Thứ hai là tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên các môn chuyên biệt như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh, giáo viên tiểu học cho các cơ sở đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương.
Thứ ba là áp dụng chính sách thu hút giáo viên trong toàn bộ thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là có hợp đồng không thời hạn đối với giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn từ 10 năm trở lên. Ngành giáo dục cũng cần có thêm hỗ trợ giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn như tiền thuê nhà, tiền trực trưa, tiền đi lại đối với giáo viên dạy tại các điểm bản…
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên thực hiện các giải pháp để tuyển đủ biên chế được giao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục đặt ra trong năm học mới 2024 - 2025.