Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khoai lang sắp được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dự kiến trong tuần này, các cơ quan chức năng phía Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tuyến vùng trồng và cơ sở đóng gói khoai lang của Việt Nam. Đây là bước đi tiếp theo để khoai lang Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỉ dân này.

Trung Quốc chuẩn bị kiểm tra trực tuyến vùng trồng để nhập khẩu chính ngạch khoai lang của Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết cơ quan chức năng phía Việt Nam đã nộp hồ sơ để mở cửa xuất khẩu chính ngạch khoai lang, bưởi và dừa vào thị trường Trung Quốc. “Riêng đối với khoai lang, dự kiến tuần này, phía Trung Quốc sẽ trực tuyến kiểm tra vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói để mở cửa tiếp loại sản phẩm này”, ông Thiệt cho biết.

Theo ông Thiệt, hiện Việt Nam có 11 loại quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, sầu riêng và chanh dây.

Tuy nhiên, ông Thiệt cho biết, đối với quả chanh dây, Trung Quốc chỉ đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu thử và chỉ được phép bán qua cửa khẩu Quảng Tây của quốc gia này.

Liên quan đến khoai lang, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long - địa phương có vùng sản xuất khoai lang lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long - cho biết loại sản phẩm này được nông dân sản xuất chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn.

Tuy nhiên, theo ông, giá khoai lang giảm mạnh, có lúc chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất khoảng 5.000-6.000 đồng/kg, dẫn đến nông dân thua lỗ, khiến diện tích sản xuất loại sản phẩm này giảm rất mạnh. “Trước đây, diện tích sản xuất khoai lang của tỉnh lên đến 13.000-14.000 héc ta, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 750 héc ta”, ông dẫn chứng.

Theo ông Liêm, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chưa “thông” chính là lý do dẫn đến tình trạng nêu trên. “Chúng tôi hy vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm làm việc với phía Trung Quốc để đưa khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này”, ông Liêm cho biết.

Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt gần 2,2 tỉ đô la Mỹ, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 967 triệu đô la Mỹ, giảm 32,4% so với cùng kỳ.

Riêng đối với mặt hàng khoai lang, 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu loại sản phẩm này đạt trên 20,6 triệu đô la Mỹ, giảm 21,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lá khoai lang cũng mang về cho Việt Nam 515.000 đô la Mỹ, giảm 9,9% so với cùng kỳ.

2 BÌNH LUẬN

  1. Ta chỉ thực sự tạo ra chuyển biến lớn về cung cách làm ăn một khi có áp lực lớn đến từ bên ngoài. Từ TQ cho đến Nhật. Mỹ, Úc, Châu âu… với những yêu cầu gắt gao đòi hỏi phải thay đổi cả về chất và lượng sản phẩm hàng hóa. Như vậy năng lực thích nghi là có thật, nhưng lại không được đánh thức đến nơi đến chốn. Trong khi đó áp lực để tạo ra sự thay đổi ở trong nước thì gần như rất hạn chế, mặc dù lúc nào cũng hô hào thị trường nội địa là quan trọng nhất ? Phải chăng do người sản xuất quá coi thường người tiêu dùng. Hoặc là do người tiêu dùng quá dễ dãi ? Không phải vậy, tất cả là do môi trường kinh doanh bị xem thường. Một khi không hội đủ các tiêu chí/ tiêu chuẩn, vừa hiệu quả/ hiệu lực thì không thể có môi trường kinh doanh chuẩn mực được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới