(KTSG Online) - Hiện nay, Trung Quốc phê duyệt khoảng 3.000 mã sản phẩm nông sản làm thực phẩm, tương đương gần 3.000 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này.
- Cảnh báo giả mạo quy định nộp phí, giấy chứng nhận đăng ký khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
- Cải thiện chuỗi giá trị nông sản cần hướng đến thị trường
Trong hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch công tác năm 2024 diễn ra sáng 9-1, đại diện của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã phê duyệt khoảng 3.000 mã sản phẩm nông sản làm thực phẩm để xuất khẩu sang thị trường này, tương đương gần 3.000 doanh nghiệp Việt Nam, theo TTXVN.
Trong số đó, có khoảng 1.570 mã thuộc nhóm sản phẩm có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, do cơ quan thẩm quyền quản lý. Số cơ sở còn lại do doanh nghiệp tự đăng ký theo quy định số 248 (quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu) của Trung Quốc.
Những mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Thông tin tại hội nghị, bên cạnh việc tận dụng được các ưu điểm về khai báo thông tin mặt hàng của hệ thống quản lý doanh nghiệp, ngành nông nghiệp vẫn còn gặp một số vướng mắc. Chẳng hạn một số lãnh đạo doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc đăng ký và quản lý mã số, dẫn đến việc xảy ra lỗi kỹ thuật trong quá trình xuất khẩu như sai tên doanh nghiệp, sai mã số, thiếu thông tin trên nhãn mác, mất mật khẩu tài khoản.
Cũng theo bản tin trên, trong năm nay, Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục cập nhật, tổng hợp các thông báo dự thảo những biện pháp về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh đối với động, thực vật (SPS); phối hợp với các đơn vị liên quan phản hồi các góp ý đối với dự thảo các biện pháp SPS của Việt Nam...