(KTSG Online) - Các đợt sa thải hàng loạt của các hãng công nghệ đã kéo dài trong ba tháng qua với hàng chục ngàn người bị nghỉ việc cùng lúc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thị trường chỉ đang điều chỉnh, không đổ vỡ như đợt nổ bong bóng dot.com đầu thập niên 2000 khi có đến 25% nhân sự bị sa thải.
Trong các đợt sa thải hàng loạt này, thế hệ lớn tuổi hơn lại trầm tĩnh và có kinh nghiệm ứng biến hơn so với thế hệ trẻ. Khác biệt nữa là phần lớn số nhân viên trẻ nhanh chóng tìm được việc mới ở các hãng công nghệ khác.
- Việt Nam nằm ngoài ‘cơn địa chấn’ sa thải nhân sự công nghệ thế giới?
- Ứng phó kinh tế bất ổn, Amazon sa thải hơn 18.000 nhân viên
Khoảng cách thế hệ
Khi hãng gọi xe công nghệ Lyft sa thải 13% công nhân hồi tháng 11 năm ngoái, Kelly Chang đã bị sốc khi biết mình nằm trong số 700 người mất việc tại công ty ở San Francisco.
“Dường như các hãng công nghệ đã mang lại nhiều cơ hội. Nếu bạn làm việc ở một hãng công nghệ, có nghĩa là bạn đã thành công. Đó từng được xem là con đường sự nghiệp bền vững”, cô gái 26 tuổi nói.
Trong khi đó, Brian Pulliam, 48 tuổi đã nhún vai khi nghe tin sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase sa thải ông. Vị kỹ sư này đã từng có kinh nghiệm như vậy khi bị mất công việc đầu tiên tại hãng trò chơi điện tử Atari cách đây 20 năm. Bao giờ cũng vậy, hàng ngày Pulliam luôn tự hỏi: “Nếu bị sa thải, mình sẽ làm công việc gì?".
Sự tương phản giữa phản ứng khi bị sa thải của cô Chang và ông Pulliam đã nói rõ khoảng cách thế hệ đã trở nên rõ ràng hơn trong lĩnh vực công nghệ.
Thế hệ thiên niên kỷ (sinh từ 1981 - 1996) và Gen Z (1997 – 2012) bắt đầu sự nghiệp tại các hãng công nghệ trong hơn một thâp niên qua khi số lượng công việc tăng nhanh theo doanh số của iPhone. Các công ty mà những người này làm việc mở rộng khắp thế giới và tăng trưởng bất chấp các quy luật kinh tế.
Thế hệ trên làm việc trong các văn phòng hiện đại và tiện nghi, các tiện ích như ăn uống và giặt giũ đều miễn phí. Người lao động không chỉ có một công việc mà đang dẫn dắt một lối sống. Rất ít người có trải nghiệm của làn sóng sa thải hàng loạt hiện nay.
Trong khi đó, thế hệ Boomer (sinh sau Chiến tranh Thế giới 2 giai đoạn 1946 – 1960) và thế hệ X (từ 1961 – 1980) đã trải qua nhiều thời kỳ gập ghềnh và khủng hoảng. Hàng loạt các hãng dot.com phá sản đầu thập niên 2000, hàng triệu người đồng loạt mất việc, xa lộ 101 dẫn đến Silicon Valley vắng lặng bởi nhiều hãng xưởng phải đóng cửa chỉ sau một đêm.
“Đó là cuộc thảm sát và nó đã diễn ra trong nhiều năm liền”, theo hồi tưởng của Jason DeMorrow, kỹ sư phần mềm đã bị sa thải hai lần trong vòng 18 tháng và đã nghỉ việc hơn sáu tháng trong giai đoạn đó.
“Liên quan đến suy thoái kinh tế hiện nay, tôi rất thấu cảm với những người bị mất việc nhưng tôi không có bất cứ so sánh nào”, kỹ sư này nói.
Khoảng cách thế hệ trong lĩnh vực công nghệ là một hiện tượng rộng lớn hơn. Năm sinh hay tuổi tác có thể ảnh hưởng đến quan điểm về công việc và tiền bạc. Theo một nghiên cứu năm 2011 của hai nhà kinh tế học là Giáo sư Ulrike Malmendier tại Đại học California, Berkeley và Giáo sư Stefan Nagel tại Đại học Chicago, những trải nghiệm cá nhân ban đầu của một người quyết định mạnh mẽ thái độ của người đó với các rủi ro tài chính.
Nghiên cứu phân tích hành vi tài chính tiêu dùng của Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) từ năm 1960 đến năm 2007 cho thấy, những người trưởng thành vào thập niên 1970 – thời điểm thị trường chứng khoán đình trệ đã miễn cưỡng đầu tư vào đầu thập niên 1980 khi thị trường bùng nổ. Tức những người này có thái độ thận trọng, ăn chắc mặc bền hơn. Xu hướng đó đảo ngược vào những năm 1990.
“Khi bạn gặp sự cố đầu tiên, mọi thứ sẽ thay đổi. Bạn sẽ nhận ra những rủi ro, nguy cơ có thể xảy ra và trở nên thận trọng hơn một chút”, giáo sư Nagel nói.
Đối với Gen X (sinh từ 1960 – 1980), sự đổ vỡ của mảng dot.com xảy ra trong giai đoạn đầu của sự nghiệp họ. Phân tích dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ của tổ chức nghiên cứu và giáo dục công nghệ CompTIA chỉ ra rằng, các hãng công nghệ đã sa thải một phần tư nhân viên trong giai đoạn 2001 - 2005.
Tình hình này còn tồi tệ hơn cả cuộc suy thoái đầu đầu thập niên 1990 khi chỉ có 5% nhân viên công nghệ bị sa thải và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến 6% lao động mất việc.
Điều chỉnh chứ chưa là sụp đổ
Năm 2011, lĩnh vực công nghệ bắt đầu bùng nổ tuyển dụng và sự hưng phấn đó kéo dài suốt một thập niên, trung bình mỗi năm có thêm hơn 100.000 việc làm. Đến năm 2021, sự hứng khởi này đã lấy lại tất cả những gì đã mất trong đợt đổ vỡ dot.com.
Số công việc làm chủ yếu ở lĩnh vực phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ và các công ty viễn thông, bao gồm Apple, Meta, Nvidia và Salesforce. Ngoại trừ một số hãng công nghệ như Airbnb, Lyft và Uber được chính phủ xếp vào loại dịch vụ khách hàng, Giám đốc nghiên cứu Tim Herbert của CompTIA cho biết.
Đợt tuyển dụng lớn nhất của các hãng công nghệ diễn ra ngay khi Covid vừa bùng phát, các hãng phải gấp rút thêm người để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Theo CompTIA, lĩnh vực này đã tạo thêm gần 260.000 việc làm trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2000.
Việc làm trong lĩnh vực công nghệ tiếp tục tăng vào năm 2022 ngay cả khi bắt đầu có các đợt sa thải lớn, dù không rõ liệu xu hướng đó có kéo dài sang năm 2023 hay không. Khảo sát của ZipRecruiter cho biết, cơ hội việc làm mới là một yếu tố vì gần 80% nhân viên công nghệ bị sa thải cho biết đã tìm được việc làm mới trong vòng ba tháng.
“Chúng ta đang chứng kiến cơn sốt tuyển dụng trong đại dịch đang được điều chỉnh chứ không phải như bong bóng nổ”, Phó Chủ tịch cấp cao Andy Challenger của hãng dịch vụ chuyển đổi nghề nghiệp Challenger, Grey & Christmas nói.
Khi thời thế thay đổi
Mùa thu năm ngoái, tiến sĩ David Hayden, một nhà quản lý lập trình có bằng tiến sĩ vật lý, thông tin từ sếp mình rằng hãng bán dẫn nLight sẽ cho ông nghỉ việc. Lo lắng về khoản học phí đại học của con gái, Hayden ngay lập tức liên hệ với các nhà tuyển dụng. Tháng 12, một tháng sau khi bị sa thải, Hayden bắt đầu làm việc tại Lattice Semiconductor.
Trong mỗi cuộc phỏng vấn, tiến sĩ Hayden, 56 tuổi, đều chủ động nói trước rằng bản thân bị cho nghỉ việc. Kinh nghiệm thời dot.com sụp đổ và thời gian khi còn trụ trong ngành khi các đồng nghiệp tài năng khác bị sa thải đã cho vị tiến sĩ này biết rằng cắt giảm nhân sự không phải lúc nào cũng hợp lý.
“Nỗi xấu hổ vì bị sa thải đã biến mất. Các công ty biết rằng rất nhiều người giỏi đang bị sa thải ngay lúc này”, Hayden nói.
Bà Erin Sumner, 32 tuổi, nhà tuyển dụng kỹ sư phần mềm tại Meta, từng khoe khoang với các nhà tuyển dụng tiềm năng rằng Meta là công ty đạt mốc giá trị 1.000 tỉ đô la Mỹ nhanh nhất trong lịch sử.
Khi những tin tức về Meta sa thải rò rỉ đầu năm 2022, nhà tuyển dụng này đã mạnh miệng nói với đồng nghiệp rằng, công việc của họ vẫn an toàn và dẫn ra rằng Meta có 40 tỉ đô la tiền mặt trong ngân hàng. Tuy nhiên, hồi tháng 11, Sumner nằm trong số 11.000 nhân viên bị nghỉ việc.
Sumner hiện đã tìm được công việc mới với vị trí trưởng bộ phận tuyển dụng tại DeleteMe, một startup chuyên xóa thông tin của khách hàng trên các công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, Sumner cho biết, thường "giật thót tim" mỗi khi đọc về các đợt sa thải trong mảng công nghệ.
“Tôi e rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn, rồi mới tốt trở lại, không có gì đảm bảo. Tôi đã bị một công ty an toàn nhất trên thế giới sa thải”, bà nói.
Thời thế thay đổi, vận may biến mất. Các doanh nghiệp phần mềm đang đối đầu thách thức. Vốn dẫn đầu trong ngành, năm ngoái cổ phiếu của hãng Salesforce đã giảm gần 50% do tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại. Công ty cũng phung phí trong đại dịch, chi 28 tỉ đô la Mỹ mua Slack Technologies. Số nhân viên đã tăng lên 80.000 từ con số 49.000 chỉ trong hai năm.
Trong cuộc họp toàn thể thảo luận về quyết định sa thải 8.000 người (tức 10% nhân sự), CEO Marc Benioff đã cố gắng đưa ra mức cắt giảm phù hợp.
“Tôi đã trải qua rất nhiều thời điểm khó khăn ở công ty này. Mỗi mất mát lại gợi nhớ đến mất mát khác. Rõ ràng là chúng ta đang đề cập đến chuyện sa thải. Tôi nghĩ về những nhân viên đã qua đời. Tôi nghĩ về những nhân tài mà lẽ ra chúng ta không nên đánh mất họ”.
Câu trả lời của Benioff đầy hàm ý. Bởi chỉ tài năng thật sự mới sống sót qua những biến động như lúc này.
Theo New York Times