Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khoảng trống nhân lực khiến đà phục hồi của doanh nghiệp sản xuất gặp khó

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đơn hàng xuất khẩu dần phục hồi nhưng khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam lúc này là tuyển được lao động cho sản xuất. Dù các doanh nghiệp đưa ra những chính sách đãi ngộ để thu hút lao động như lương thưởng, hỗ trợ xe đưa đón và tiền thuê trọ... nhưng cũng không dễ tuyển dụng.

Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Ảnh minh họa: TL

Nhu cầu tuyển lao động tăng cao

Sau khi đã tuyển dụng thêm 20% lao động để kịp hoàn tất sản phẩm xuất khẩu tăng 50% trong nửa đầu năm, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty sản xuất may mặc Dony (TPHCM), chia sẻ công ty đang cần tuyển thêm 20% lao động.

Bởi lẽ đơn hàng xuất đi các thị trường Mỹ, Trung Đông và Campuchia, Dony đã có đến hết tháng 10-2024, trong khi thị trường trong nước đang vào việc may đồng phục học sinh nên cần tuyển thêm để kịp sản xuất. “Hiện anh em công nhân bận rộn sản xuất ngày, đêm để kịp đơn hàng cho các đối tác, nhất là thị trường Trung Đông tăng đến 50%”, ông Anh chia sẻ.

Công nhân Bùi Thị Kiều của May mặc Dony cho hay, hơn 3 tháng qua chị liên tục tăng ca vì đơn hàng về nhiều. Có đơn hàng sản xuất và tăng ca nên chị và nhiều công nhấn khác tăng được thu nhập đáng kể. "Nhờ thêm giờ làm việc nên thu nhập của công nhân tăng bình quân 3 triệu đồng/tháng", chị Kiều nói.

Ở lĩnh vực da giày được cho là hồi phục chậm hơn so với những lĩnh vực khác, nhưng một số công ty hoạt động trong ngành này cho biết đơn hàng dần tốt lên nên cũng cần tuyển thêm người lao động cho kịp sản xuất.

Còn ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho biết các nhà máy liên tục đẩy mạnh sản xuất để kịp tiến độ các đơn hàng xuất khẩu tăng hơn 20% trong những tháng qua.

Bên cạnh đơn hàng ở các thị trường truyền thống như Mỹ và EU tăng trở lại, Tập đoàn Gia Định còn mở rộng ở những thị trường mới như Nam Mỹ, Nam Phi, Nhật Bản... nên đơn hàng nhận sản xuất hiện đã đến hết tháng 10 tới.

Với diễn biến thị trường hiện nay, ông Trung tin rằng, đơn hàng cho sản xuất năm nay của Tập đoàn sẽ được "phủ kín" trong thời gian ngắn tới. Do vậy, tập đoàn cần tuyển thêm khoảng 15% lượng lao động để phục vụ sản xuất.

Cũng nhờ thị trường dần phục hồi, các doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai có đơn hàng tăng trở lại nên cần tuyển thêm nhiều lao động. Đơn cử như công ty sản xuất gậy đánh golf Vision International cần tuyển 1.000 công nhân, Elite Long Thành tuyển 1.500 công nhân;...

Theo đại diện Fashion Garments 2, thời gian qua công ty liên tục tham gia các sàn giao dịch việc làm để trực tiếp phỏng vấn người lao động đến tìm việc. Công ty cũng thông báo tuyển dụng qua nhiều kênh nhưng người lao động nộp hồ sơ xin việc rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cần tuyển thêm 500 người lao động như kế hoạch.

Nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai treo bảng tuyển dụng lao động tại các KCN. Ảnh: Báo Đồng Nai Online

Tại các khu công nghiệp (KCN) ở tỉnh Bình Dương, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất cũng đăng thông báo cần tuyển một lượng lớn lao động phục vụ sản xuất sau khi đã sa thải ở thời điểm Covid và đơn hàng sụt giảm do khó khăn thị trường toàn cầu trong hơn 2 năm qua. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như may mặc, da giày, điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm…

Ngay cả Long An và Tiền Giang, hai địa phương không phải là "thủ phủ" sản xuất công nghiệp của khu vực phía Nam, nhưng các doanh nghiệp ở hai địa phương này chia sẻ cũng gặp khó khăn khi tuyển được lao động phổ thông.

Khó để lấp đầy khoảng trống

Trao đổi với KTSG Online, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Đồng Nai, tình hình đơn hàng sản xuất ở các thị trường lớn dần phục hồi nên nhiều doanh nghiệp cần tuyển với tổng người lao động lên đến hàng chục ngàn.

Theo thống kê của cơ quan này, khoảng 2.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang cần tuyển hơn 62.000 lao động. Bên cạnh các ngành như may mặc, da giày, các doanh nghiệp điện tử, cơ khí, vận tải,... cũng có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn.

Tuy nhiên, theo bà Hiền, việc tuyển dụng lượng lớn lao động hiện nay đang khó khăn với nhiều doanh nghiệp bởi nguồn lao động thiếu hụt.

Hàng loạt doanh nghiệp tại Đồng Nai, nhất là các doanh nghiệp dệt may và giày da, cũng cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông.

Tại Hội nghị Giao ban Công đoàn các ngành nghề của tỉnh Đồng Nai gần đây, đại diện các doanh nghiệp chia sẻ, đến nay các đơn hàng đã ký đến tháng 10-2024, thời gian giao hàng ngắn nhưng do thiếu lao động hoặc số lượng lao động nghỉ việc nhiều dẫn đến khó đáp ứng các đơn hàng theo kế hoạch.

Để thu hút lao động, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như: thưởng cho công nhân mới, hỗ trợ tiền thuê trọ, hỗ trợ xe đưa đón, tiền nuôi con nhỏ, thưởng hiệu suất, tiền chuyên cần, lễ tết và các khoản phụ cấp khác...

Các địa phương khác như Long An cần hơn 19.000 lao động; TPHCM cần hơn 160.000 lao động; Bình Dương cần hơn 10.000 lao động… Tuy nhiên, các doanh nghiệp chia sẻ rất khó tuyển dụng lao động.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, vấn đề doanh nghiệp đồ gỗ lo ngại không phải là đơn hàng mà là tình trạng thiếu hụt công nhân. "Việc tuyển thêm nhân công của ngành gỗ đang bị cạnh tranh dữ dội vì các ngành xuất khẩu chủ lực khác cũng có đơn hàng tăng, kéo theo nhu cầu tuyển dụng tăng", ông Phương nói.

May mặc Dony cần tuyển thêm 20% lao động. Ảnh: Đ. Hòa

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Trưởng phòng quản lý lao động của Ban Quản lý các Khu chế xuất (KCX) và KCN TPHCM (Hepza) cũng chia sẻ khó khăn này với các doanh nghiệp. Kể về việc đi lại bằng dịch vụ xe công nghệ chỉ 2 lần trong tháng vừa qua, thì cả 2 tài xế chở bà từng là công nhân trong các KCX. Điều đáng nói cả hai "bác tài" này từng làm Chủ tịch công đoàn của doanh nghiệp.

"Hai bạn này còn khá trẻ, nhưng họ chia sẻ không còn muốn làm việc gò bó suốt cả ngày trong nhà máy sau khi rời công ty do thu nhập không đủ trang trải ở thời điểm thị trường khó khăn", bà Liên thuật lại để chỉ ra một trong những nguyên nhân lượng lao động phổ thông ở TPHCM ngày càng thiếu.

Một số công nhân khác buộc nghỉ việc do doanh nghiệp không có đơn hàng, và khi bà tiếp xúc những công nhân này nhằm giới thiệu nơi làm việc mới thì họ không muốn làm việc lại ngay. "Họ chỉ muốn làm những công việc thời vụ để được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp", bà Liên nói.

Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may-Thêu-Đan TPHCM (Agtek), hiện hầu hết các địa phương trên cả nước đều lập các KCN, nên thu hút nhiều lao động về quê làm việc. Đáng chú ý, đại dịch Covid và khó khăn kinh tế những năm vừa qua, nhiều người mất việc đã trở về quê sinh sống, làm việc... dẫn đến lực lượng lao động càng thiếu.

"Sau thời gian khó khăn, giờ các doanh nghiệp đã dần phục hồi, cần tuyển thêm một lượng lao động để đảm bảo đơn hàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn lao động khan hiếm lại càng khan hiếm hơn", ông Hồng nói.

Đó là chưa kể các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, đồ gỗ... vốn sử dụng lượng lớn lao động phổ thông đang bị cạnh tranh với các nhà máy sản phẩm công nghệ, điện tử... Những lĩnh vực này thường do doanh nghiệp FDI đầu tư với mức lương trả cao hơn và công việc được đánh giá nhẹ và "sang" hơn. Do đó, không ít người lao động ở doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ... chuyển sang.

Các cán bộ công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp cũng cho rằng, người lao động ở các tỉnh, thành hiện có nhiều lựa chọn làm việc hơn. Bên cạnh đó, thu nhập không đáp ứng được mức sống tối thiểu khiến nhiều công nhân chọn về quê làm việc, hoặc làm các ngành nghề tự do khác.

Mặt khác, hiện nhiều người đã dịch chuyển công việc từ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức như phục vụ ăn uống tại nhà hàng, chạy xe công nghệ, bán hàng online... chủ động hơn rất nhiều, lại được gần nhà.

Theo các chuyên gia tư vấn nhân sự, mức tăng lương tại một số doanh nghiệp không đủ để bù đắp các chi phí gia tăng. Vì thế, sẽ rất khó để doanh nghiệp tuyển dụng lao động nếu không có mức tiền lương và chế độ làm việc hấp dẫn. Do đó, với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách đãi ngộ, cơ hội phát triển, môi trường làm việc an toàn; đồng thời, đảm bảo lương ổn định để giữ chân lao động.

Đồng tình ý kiến cần có chính sách tốt thu hút lao động cũng như tăng ca sản xuất, ông Hồng khuyên các doanh nghiệp cần cải tiến năng suất, trong đó đầu tư dây chuyền tự động, giảm sử dụng nhiều lao động phổ thông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới