Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khởi công Cầu Mỹ Thuận 2 chậm nhất vào năm 2018

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khởi công Cầu Mỹ Thuận 2 chậm nhất vào năm 2018

Trung Chánh

Khởi công Cầu Mỹ Thuận 2 chậm nhất vào năm 2018
Nếu được Chính phủ thông qua phương án sử dụng vốn ODA của Nhật, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công chậm nhất vào năm 2018. Trong ảnh là cầu Mỹ Thuận hiện tại bắt qua sông Tiền nối liền Tiền Giang với Vĩnh Long. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được khởi công xây dựng chậm nhất là vào năm 2018, còn nếu thuận lợi hơn sẽ khởi công vào năm 2017, nếu được Chính phủ thông qua phương án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản để thực hiện.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Quốc Dũng, Trưởng phòng điều hành dự án 2 thuộc Ban quản lý dự án 7 của Bộ Giao thông-Vận tải, cho biết Bộ Giao thông Vận tải đã có kiến nghị với Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa dự án cầu Mỹ Thuận 2 vào danh mục sử dụng vốn ODA của Nhật Bản giai đoạn năm 2016-2018.

Theo ông Dũng, sau khi Bộ Giao thông-Vận tải có đề xuất trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp lại và trình Chính phủ thông qua. “Đối với dự án này, theo tôi rất là khả thi bởi vì hiện nay hai đoạn cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ đã được đầu tư rồi và cầu Mỹ Thuận 2 lại nằm giữa hai đoạn này nên phải triển khai thôi”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, nếu sử dụng vốn ODA năm 2016-2018, thì nhanh là năm 2017 sẽ khởi công, còn trường hợp chậm nhất là năm 2018, ông nói 

Cũng theo ông Dũng, thông qua Bộ Giao thông-Vận tải, Ban quản lý dự án 7 đã có đề xuất vay vốn ODA của Nhật khoảng 25 tỉ yen Nhật để thực hiện dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Về quy mô thực hiện dự án, theo ban quản lý dự án 7, cầu Mỹ Thuận 2 được xây dựng nằm về phía thượng lưu và cách cầu Mỹ Thuận hiện tại hơn 1km; tổng chiều dài dự án 4,05 km, có điểm đầu giao giữa Quốc lộ 1A và đường dẫn cầu Mỹ Thuận hiện tại thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang (tại km103 + 700), và điểm cuối thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long tại km 107+750.

Theo ban quản lý dự án 7, cầu Mỹ Thuận 2 được xây dựng có bề rộng mặt cầu là 32 m (tổng cộng 6 làn xe lưu thông); nhịp chính của cầu được xây dựng kết cấu dây văng với sơ đồ nhịp là 240 m + 550 m + 240 m. Phần đường dẫn được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, rộng 33 m (6 làn xe lưu thông) với vận tốc thiết kế 120 km/h.

Tuy nhiên, quy mô xây dựng ở trên chỉ mới là phương án đề xuất của Ban quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông Vận tải và vẫn chờ Chính phủ thông qua mới triển khai.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, trước đó Ban quản lý dự án 7 cũng đã có đề xuất bốn phương án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 với quy mô sử dụng vốn khác nhau, từ 7.119 tỉ đồng đến 9.760 tỉ đồng.

Cụ thể, phương án 1, cầu nhịp chính treo dây võng với tổng chiều dài 2.240 m, có tổng mức đầu tư 9.760 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn là 29 năm 5 tháng; phương án 2, cầu nhịp chính treo dây văng, tổng chiều dài 2.270 m với mức đầu tư 9.575 tỉ đồng, hoàn vốn trong vòng 29 năm 1 tháng.

Còn phương án 3 là sử dụng nhịp treo dây văng giống cầu Mỹ Thuận hiện tại, tổng chiều dài 2.250 m, có vốn đầu tư là 7.824 tỉ đồng, hoàn vốn trong 26 năm 5 tháng. Cuối cùng là phương án 4, cầu chính sử dụng nhịp đúc hẫng cân bằng, có chiều dài 2.310 m, vốn đầu tư xây dựng là 7.119 tỉ đồng, hoàn vốn trong 25 năm 2 tháng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới