Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Khởi công dự án Vành đai 4 – vùng thủ đô

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngày 25-6, tại điểm giao cắt giữa tuyến đường Vành đai 4 với đường gom đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương khởi công dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội.

Theo Baochinhphu.vn, tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số dấu mốc quan trọng về phát triển đường cao tốc, trong đó đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên 1.729 km. Còn từ đầu năm 2023 tới nay, tại một số địa phương đã khởi công các dự án đường cao tốc, có tổng chiều dài 1.406 km. Đến năm 2025, có thể phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km đường cao tốc.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội kết nối Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ tạo động lực phát triển đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Phối cảnh tuyến đường Vành đai 4 - vùng thủ đô

TTXVN đưa tin, dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô được áp dụng cơ chế đặc thù, được phân cấp, phân quyền, theo đó Chính phủ giao các địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Trung ương giao cho các tỉnh, thành; các tỉnh, thành giao cho các huyện, thị.

Cơ chế đặc thù cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, qua đó rút ngắn thời gian chuẩn bị để triển khai dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội có chiều dài hơn 112 km đi qua thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công kết hợp hình thức đối tác công – tư (PPP).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới