(KTSG Online) – Dù khối ngoại không còn gây ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán như trước kia, nhưng sự sụt giảm mạnh của dòng tiền khối ngoại trong tháng 9 là điều đáng chú ý. Điều này phần nào phản ánh việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút sức hấp dẫn.
Theo báo cáo của Mirae Assests, khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 348 triệu đô la Mỹ trong tháng 9 và khoảng 416 triệu đô trong quí 3, là mức bán ròng mạnh nhất trong 4 tháng vừa qua.
Như vậy, xu hướng bán ròng của khối ngoại tiếp tục kéo dài kể từ tháng 8-2019. Nếu tính lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 1,95 tỉ đô la (tương ứng khoảng 44.500 tỉ đồng), gấp 2,2 lần so với mức bán ròng trong năm 2020.
Còn theo báo cáo tháng 9 của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 66.229 tỉ đồng, chiếm 7,92% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Đáng chú ý là trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 7.910 tỉ đồng, và 44.680 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Đáng kể trong số này là cổ phiếu VIC (bán ròng khoảng 108,6 triệu đô), HPG (khoảng 42,3 triệu đô) hay VHM (85,3 triệu đô la).
Trong diễn biến tương tự, dòng vốn ETF (quỹ đầu tư chỉ số) theo tháng cũng có lượng rút ròng mạnh nhất trong vòng 2 năm qua, với giá trị khoảng 2.300 tỉ đồng, theo Công ty chứng khoán SSI. Đáng chú ý là trong tháng 9, tất cả 5 quỹ ETF lớn nhất thị trường đều rơi vào trạng thái bị rút ròng, trong đó, lực rút mạnh diễn ra ở cả nhóm quỹ ngoại.
Còn tính chung trong quí 3, dòng vốn ETF vẫn duy trì lượng mua ròng khoảng 300 tỉ đồng, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với hai quí trong nửa đầu năm (lần lượt 2.700 và 8.200 tỉ đồng).
Theo SSI, tương tự như diễn biến từ các quỹ ETF, các quỹ đầu tư chủ đồng cũng tiếp tục rút ròng trong tháng 9 với giá trị khoảng 700 tỉ đồng, nâng lũy kế lượng rút ròng lên 6.300 tỉ đồng, lớn thứ 3 trong khu vực (chỉ sau thị trường Ấn Độ và Thái Lan).
Theo đánh giá của SSI, dòng tiền đầu tư của khối ngoại có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút đến từ nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Theo đó, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong suốt hai tháng qua (xuất khẩu tháng 8 giảm 1,7%, trong khi xuất khẩu tháng 8 của các quốc gia trong khu vực đều tăng trưởng 2 chữ số).
Mặt khác, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá,… “Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong giai đoạn này”, báo cáo SSI nhận định.
Trong tháng 9, chỉ số VN-Index dao động trong biên độ hẹp, đóng cửa ở mức 1.342 điểm, chỉ tăng 0,8%. Bối cảnh rủi ro cũng được nhắc đến nhiều hơn với hàng loạt các biến động vĩ mô toàn cầu. Chẳng hạn như lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, chính sách mới của Trung Quốc tác động đến giá cả các loại hàng hóa cơ bản và chuỗi cung ứng toàn cầu, quả “bom nợ” Evergrande, cũng như các rủi ro liên quan đến đợt bùng phát dịch do biến chủng Delta chưa được kiểm soát ở khu vực châu Á.