Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khơi thông dòng vốn ‘tắc nghẽn’ không chỉ trông chờ giảm lãi suất

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giảm lãi suất cho vay đang là yêu cầu cấp thiết, nhưng không phải là biện pháp duy nhất để hỗ trợ sức cầu, từ đó thúc đẩy nền kinh tế hồi phục. Bài toán hiện nay là tăng cường sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong môi trường lãi suất vẫn ở mức cao.

Khơi thông dòng vốn 'tắc nghẽn' không chỉ chờ lãi suất. Ảnh minh họa: L.Vũ.

Thanh khoản dư thừa, chờ đợi mặt bằng lãi suất giảm

Nhà điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục làm đậm thêm thông điệp cắt giảm chi phí vốn trong nền kinh tế sau động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ ba mới đây. Dù vậy, cho đến nay lãi suất cho vay đầu ra lại chưa giảm nhanh như lãi suất huy động, khiến việc giảm lãi suất cứ mãi loay hoay trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy yếu, doanh nghiệp thiếu đơn hàng và cả những ảnh hưởng từ việc thiếu điện ở miền Bắc mới đây.

Thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect cho biết kể từ đầu tháng 5, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của nhóm ngân hàng tư nhân giảm mạnh lần lượt là 57 điểm cơ bản và 29 điểm cơ bản, còn nhóm ngân hàng quốc doanh giảm lần lượt 80 điểm cơ bản và 40 điểm cơ bản. Còn theo ước tính của Công ty chứng khoán SSI, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm, tức giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 nhưng vẫn cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm 2019.

“Về phía các tổ chức tín dụng thì dư địa tín dụng thoải mái, thanh khoản hệ thống được Ngân hàng Nhà nước duy trì dư thừa. Không có lý do gì để TCTD huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay”, bài phát biểu của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại phiên họp Quốc hội hồi đầu tháng có đoạn.

Cần thêm thời gian để bình quân chi phí vốn huy động là điều mà lãnh đạo ngân hàng và các chuyên gia chia sẻ trong thời gian qua. Một phó tổng giám đốc của ngân hàng quốc doanh kỳ vọng nhanh nhất cũng phải đến quí 3 mới có cơ sở giảm lãi suất ổn định, khi đó lượng vốn huy động kỳ hạn 1 năm với lãi suất cao sẽ đáo hạn.

Đây cũng là lý do vì sao mà lãi suất huy động giảm nhanh còn lãi suất cho vay không giảm tương ứng. “Chi phí vốn đầu vào mà 9% thì lãi suất đầu ra khó có thể dưới mức này. Do đó lãi suất chưa thể giảm mạnh được, mà cần thời gian để tiêu hóa hết lượng vốn chi phí cao trước đó, ít nhất đến quí 3”, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, đánh giá.

Trong khi đó, phó tổng giám đốc của ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn với trụ sở ở Hà Nội, đánh giá rằng mặt bằng lãi suất của ngành ngân hàng trong thời gian tới sẽ cố gắng về mức 8-9%/năm, và đây là mức mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tình hình trong nước sẽ phụ thuộc nhiều vào sự tăng, giảm lãi suất của đồng đô la Mỹ. “Nếu Cục dự trữ liên bang Mỹ giảm lãi suất thì sẽ dễ thở hơn”, vị này chia sẻ.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố, nhóm phân tích của VNDirect cũng đánh giá rằng thị trường đang kỳ vọng Fed ngừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 6, nhưng cũng hoài nghi về kịch bản hạ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, hiện nay lãi suất huy động đã và đang tiệm cận dần mức lãi suất huy động thời điểm trước đại dịch. Trong thời gian qua, các TCTD, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần có vốn nhà nước, đã chủ động giảm lãi suất cho vay đối với tất cả các khách hàng của ngân hàng, với mức giảm từ 0,5- 1,5%.

“Đây là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, các chính sách đều cần có thời gian để phát huy tác dụng cũng như tính chất thị trường của yếu tố lãi suất. Vấn đề là các TCTD và doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt chủ trương chính sách của Nhà nước, của ngành là thực hiện đúng quy định và trách nhiệm để hiệu quả chính sách sẽ phát huy nhanh hơn”, ông Lệnh bình luận.

Tìm giải pháp tăng sức hấp thụ vốn

Theo báo cáo Kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp khảo sát tháng 5-2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), hầu hết các doanh nghiệp bi quan về khả năng tiếp cận vốn trong năm nay.

Theo đó, có khoảng 79,1% doanh nghiệp đánh giá triển vọng tiếp cận vốn là tiêu cực, trong đó 37,2% đánh giá rất tiêu cực. “Đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế và từng doanh nghiệp, trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức cao, niềm tin từ thị trường trái phiếu, chứng khoán thì đều chưa thể phục hồi”, báo cáo có đoạn.

Ở thời điểm hiện tại, ba yếu tố mà doanh nghiệp đánh giá là khó khăn nhất hiện nay này là khó khăn về đơn hàng (59,2%), khả năng tiếp cận vốn vay (51%), và thủ tục hành chính và đáp ứng quy định pháp luật (45,3%).

Do đó, các vấn đề mà doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý sớm tập trung giải quyết không chỉ có câu chuyện của việc tiếp cận vốn vay, mà quan trọng hơn và đáng chú ý hơn là giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

“Về tiếp cận tín dụng, cần phải được mổ xẻ, phân tích nguyên nhân mới có giải pháp đúng. Năm 2022, tăng trưởng tín dụng 14,16%, còn 5 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng khoảng 3%, nhưng không thể nói là do chính sách vì chính sách cho vay không có gì thay đổi”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu.

Theo lãnh đạo NHNN, có thể chia làm nhiều nhóm doanh nghiệp hiện nay để tìm giải pháp. Chẳng hạn như có một số nhóm doanh nghiệp không có đơn hàng thì phải tháo gỡ khó khăn đầu ra, hay nếu cầu quốc tế suy giảm thì hướng đến khai thác ở thị trường nội địa.

Với lĩnh vực bất động sản, 70% hiện nay là khó khăn về pháp lý. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần phải rà soát để điều chỉnh giá bán, có như vậy mới kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, cũng như người mua nhà.

Riêng đối với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thì rất khó khăn sau đại dịch Covid-19, nhưng không đủ điều kiện vay vốn thì cần giải pháp cải thiện khả năng vay vốn, hoặc tìm kiếm nguồn vốn qua các chính sách hỗ trợ như bảo lãnh vay vốn.

Nhóm phân tích của SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023, đặc biệt là đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu và lĩnh vực bất động sản. “Chúng tôi đang theo dõi việc hạ lãi suất có giúp nhu cầu tín dụng phục hồi hay không đặc biệt là trong thời điểm mà tổng cầu quốc tế và nội địa đều đang rất yếu do tình hình kinh tế không thuận lợi”, báo cáo SSI bình luận.

Một giải pháp khác được nhắc đến nhiều trong lúc này là chính sách tài khóa, vì chính sách tiền tệ sẽ không hiệu quả nếu thiếu đi chính sách này. “Tiền có đi ra nhưng không kích cầu thì cũng không tiêu thụ được lượng tiền đó. Hiện giờ cầu tư nhân yếu thì cầu chính phủ phải mạnh, bao gồm chi tiêu, đầu tư công thì mới kích tổng cầu nền kinh tế được”, TS. Huân đánh giá.

Lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM chia sẻ trong thời gian qua, đơn vị này đã và đang phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, hiệp hội doanh nghiệp địa phương để xử lý và tháo gỡ trực tiếp từng khó khăn vướng mắc và nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, thông qua danh sách doanh nghiệp phản ánh được tổng hợp từ các sở ngành, quận huyện gửi đến.

Ngành ngân hàng cũng nhiều lần khuyến nghị các doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay chủ động phản ánh thông tin, để các bên nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, tháo gỡ và có giải pháp thực hiện, nếu từ chối thì cũng phải có lý do. “Có như vậy, ngành ngân hàng mới nắm được thông tin, đánh giá và nhận diện nguyên nhân để có biện pháp hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân”, ông Lệnh nhìn nhận.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới