(KTSG) - Sau khi Nghị định 38/2003 hết hiệu lực, vấn đề doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán không còn được nhắc đến trong các quy định pháp luật tiếp nối.
- Vốn FDI tăng hơn 40% trong tháng đầu năm 2024
- Dòng FDI kiểu mới từ Trung Quốc và cơ hội kép cho Việt Nam
Trạng thái chờ nửa thập niên
Doanh nghiệp FDI niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) không phải là một câu chuyện mới. Cách đây 20 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2003/NĐ-CP cho phép một số doanh nghiệp FDI niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán sau khi chuyển đổi hình thức hoạt động từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần (CTCP).
Theo đó, đã có 10 doanh nghiệp FDI tiên phong lên sàn trong giai đoạn 2003-2008. Tuy vậy, quá trình này đã diễn tiến không như kỳ vọng. Mãi đến năm 2017 mới có thêm một doanh nghiệp FDI niêm yết là CTCP Siam Brothers Việt Nam. Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp FDI đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chỉ dừng ở con số 11. Trong số này, hiện chỉ còn tám doanh nghiệp niêm yết, ba doanh nghiệp bị hủy niêm yết do thua lỗ (hai doanh nghiệp chuyển sang đăng ký giao dịch tại sàn UpCom, một doanh nghiệp rút khỏi thị trường).
Từ năm 2017 đến nay, không có bất kỳ doanh nghiệp FDI nào niêm yết mới trên sàn chứng khoán nữa. Tình trạng này đến từ nhiều nguyên nhân nhưng trọng tâm vẫn là do thiếu vắng cơ chế pháp lý để thực hiện. Bởi lẽ, sau khi Nghị định 38/2003 hết hiệu lực, vấn đề doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chứng khoán không còn được nhắc đến trong các quy định pháp luật tiếp nối.
Thay vì lo ngại về các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra thì cần thiết kế bộ lọc phù hợp cùng với các biện pháp giám sát về mặt pháp lý, tài chính khi các doanh nghiệp FDI niêm yết cổ phiếu lên sàn.
Điều này không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp FDI không có nhu cầu. Ngược lại, một số doanh nghiệp FDI đã bày tỏ nhu cầu, kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ mới nhận được công văn phúc đáp yêu cầu chờ đợi quy định hướng dẫn.
Đơn cử, vào tháng 6-2019, CTCP Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kiến nghị về việc hướng dẫn thủ tục niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sau đó, UBCKNN đã có Công văn phúc đáp số 6094/UBCK-GSĐC ban hành ngày 9-10-2019 với ba nội dung: (i) pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế việc niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu của doanh nghiệp FDI; (ii) Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật hiện thời chưa có hướng dẫn cụ thể; (iii) UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan hữu quan để ban hành văn bản hướng dẫn trong thời gian sắp tới.
Theo sau đó, một số doanh nghiệp FDI lớn cũng đã bày tỏ ý định/kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tại Việt Nam như Công ty C.P Việt Nam, Công ty AEON... Tuy nhiên, tất cả đều đang ở trong trạng thái chờ... cơ chế!
Gần nửa thập niên đã trôi qua kể từ giai đoạn rộ lên thông tin Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn như thông tin đã nêu trong công văn phúc đáp CTCP Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam. Thế nhưng, vấn đề này vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Câu chuyện một lần nữa được xới lên tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 vào ngày 28-2-2024. Trong các đề xuất tại tham luận của mình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu phải khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán. Đồng quan điểm, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cũng cho rằng cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI để cải thiện sự đa dạng của TTCK.
Trong bối cảnh phấn đấu để phát triển và nâng hạng TTCK cũng như kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị vừa qua, việc tháo gỡ các rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có các doanh nghiệp FDI) tiếp cận thị trường là việc cần phải làm ngay và không thể trì hoãn.
Cơ hội và những lo ngại
Theo UBCKNN, vốn hóa của doanh nghiệp FDI niêm yết, đăng ký giao dịch chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn hóa thị trường, chỉ dừng ở con số khoảng 0,3%.
Do đó, nếu rào cản được tháo gỡ, con đường niêm yết được khơi thông trở lại, doanh nghiệp FDI được kỳ vọng sẽ tạo thêm những giá trị gia tăng cho TTCK và mang lại lợi ích cho nhiều bên liên quan.
Trước mắt, vốn hóa của thị trường sẽ được tăng lên và hàng hóa trở nên đa dạng hơn. Cổ phiếu của doanh nghiệp FDI (đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, uy tín) sẽ trở thành “một gia vị mới” trên thị trường, cung cấp thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư.
Quá trình đại chúng hóa cũng như hoạt động với tư cách một công ty niêm yết buộc hoạt động của doanh nghiệp FDI phải công khai và minh bạch với sự giám sát không chỉ của Nhà nước mà còn của các thành viên thị trường và hàng triệu nhà đầu tư. Hơn hết, điều này sẽ đảm bảo được sự công bằng giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, góp phần cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Những cơ hội, lợi ích kể trên là dễ dàng thấy và liệt kê, tuy nhiên bên cạnh đó cũng đi kèm không ít thách thức. Có thể điểm qua một số thách thức, lo ngại đã được nêu tên như: (i) nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và rút vốn khỏi Việt Nam thông qua việc bán cổ phần trên TTCK; (ii) nghi vấn về hoạt động chuyển giá, sự không minh bạch trong hoạt động tài chính diễn ra tại doanh nghiệp FDI có thể dẫn đến định giá cổ phiếu cao hơn giá trị thực; (iii) tình trạng nhiều doanh nghiệp FDI thường xuyên báo lỗ, tình hình tài chính không ổn định có thể tác động không tốt đến thị trường và quyền lợi của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng của các doanh nghiệp FDI đã niêm yết có thể thấy chưa xuất hiện tình trạng thoái vốn của cổ đông sáng lập và nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp này tạo ra hiện tượng tiêu cực. Thậm chí, theo ghi nhận của UBCKNN, tỷ lệ sở hữu nước ngoài có xu hướng tăng tại 8/10 doanh nghiệp, hai doanh nghiệp FDI còn lại có sự suy giảm về tỷ lệ.
Đáng chú ý nhất là trường hợp Tập đoàn Bourbon đã bán toàn bộ 68,41% vốn điều lệ tại CTCP Bourbon Tây Ninh (mã SBT) cho các đối tác khác bằng phương thức thỏa thuận vào năm 2010 nhưng lượng cổ phiếu này chưa được niêm yết tại HOSE. Dù tin tức thoái vốn này được công bố rộng rãi nhưng không hề tạo nên phản ứng tiêu cực nào từ phía nhà đầu tư và thị trường. Qua đó cho thấy, lo ngại về việc nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và rút vốn là không có cơ sở thực tiễn.
Mặt khác, nếu thực sự mục đích của nhà đầu tư nước ngoài là muốn rút vốn khỏi Việt Nam, thì dù có đưa cổ phiếu lên niêm yết hay không vẫn có rất nhiều cách để thực hiện. Đầu tư hay rút vốn là quyền cần được tôn trọng. Vấn đề quan trọng là thiết kế cơ chế pháp lý để hoạt động này diễn ra minh bạch và hợp pháp. Điều này có thể diễn ra trên TTCK. Bởi lẽ các giao dịch mua bán cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp, các cổ đông lớn, cổ đông sáng lập phải tuân theo một quy trình và yêu cầu chặt chẽ về công bố thông tin, vừa công khai vừa minh bạch.
Thêm vào đó, tham gia vào TTCK với tư cách là một công ty niêm yết, các doanh nghiệp FDI đã phải trong tâm thế sẵn sàng công khai thông tin, minh bạch trong hoạt động và được đặt dưới một sự giám sát đa tầng của nhiều bên liên quan. Điều này có thể làm giảm các hành vi chuyển giá, chuyển dịch lợi nhuận, trốn/tránh thuế của các doanh nghiệp FDI.
Do đó, thay vì lo ngại về các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra thì cần thiết kế bộ lọc phù hợp cùng với các biện pháp giám sát về mặt pháp lý, tài chính khi các doanh nghiệp này niêm yết cổ phiếu lên sàn.
Xu hướng tiếp cận của nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ (có thể kể đến như Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc) là mở rộng thị trường chào đón nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK. Điều kiện niêm yết cổ phiếu lên sàn được thiết kế và áp dụng chung cho tất cả doanh nghiệp, không có sự phân biệt đối với doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước. Thay vào đó, các biện pháp giám sát được thực hiện nghiêm ngặt. Không chỉ dừng ở đó, những quốc gia này mạnh dạn mở cửa thị trường để chào đón và kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài niêm yết tại TTCK của nước họ.
Người viết cho rằng cơ quan quản lý thị trường tại Việt Nam cũng có cái lý của họ cho sự thận trọng trước những thách thức khi doanh nghiệp FDI đặt chân vào TTCK. Mặc dù vậy, không thể vì lo ngại mà chần chừ.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM