(KTSG Online) - Cầu thị trường thế giới còn thấp đẩy cạnh tranh tăng cao buộc doanh nghiệp cung cấp, nhà sản xuất phải xoay xở nhiều cách và chắt chiu từng cơ hội dù là nhỏ nhất để tồn tại.
- Doanh nghiệp sản xuất khởi đầu lạc quan nhưng khó khăn vẫn còn phía trước
- Ngành dệt may có dễ chặn đà suy giảm xuất khẩu?
Gia tăng "đi chợ" tìm khách hàng
Ông Võ Xuân Thuyên, Giám đốc điều hành Trần Đức Homes, doanh nghiệp hơn 20 năm trong ngành sản xuất và chế biến gỗ cho biết, những tháng qua công ty chuẩn bị để sẵn sàng cho Hội chợ quốc tế đồ gỗ và nội thất (HawaExpo 2024) tại TPHCM sẽ khai mạc vào tuần tới.
Đặt nhiều kỳ vọng các nhà mua hàng quốc tế đến hội chợ chuyên ngành đồ gỗ lớn này, Trần Đức Homes dự chi khoảng 60 tỉ đồng đầu tư cho gian hàng với 300 m3 gỗ nhằm trang trí khang trang và thân thiện nhằm thu hút khách tham quan.
“Ngành chế biết đồ gỗ Việt Nam đang thu hút nhiều nhà mua hàng quốc tế. Đầu tư lớn cho gian hàng tại HawaExpo 2024, chúng tôi mong có thể tiếp cận được các nhà mua hàng đến từ Mỹ, Canada, New Zealand, Úc... và cả các nước trong khu vực Đông Nam Á", ông Thuyên chia sẻ với KTSG Online và cho biết Trần Đức Homes cũng đang dự hội chợ chuyên ngành ở Las Vegas (Mỹ) nhằm tìm cơ hội mở rộng tệp khách hàng.
Ngoài tiếp cận được nhà mua hàng, việc tham gia hội chợ còn là cơ hội lớn để khẳng định được thương hiệu và quảng bá được những sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp...
Ông Đặng Ráng, Giám đốc kinh doanh Công ty ASAHI furniture, cho biết khi tham gia hội chợ HawaExpo 2023, lần đầu tiên doanh nghiệp đã giới thiệu các sản phẩm do nhà thiết người Việt Nam thiết kế và những sản phẩm này nhận được phản hồi tích cực từ các khách hàng. Sau hội chợ, doanh nghiệp đã ký kết được đơn hàng từ một khách hàng lớn Nhật Bản và hàng loạt nhà mua hàng khác đến công ty tìm hiểu hợp tác kinh doanh.
Do đó, trong bối cảnh thị trường đồ gỗ còn khó khăn, đến với hội chợ HawaExpo 2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đem đến những sản phẩm thiết kế riêng để giới thiệu đến những khách hàng ở thị trường Mỹ và EU.
Không riêng ngành đồ gỗ, hầu hết các doanh nghiệp dệt may, da giày, thực phẩm... xem việc đi hội chợ, tự quảng bá mình là một trong những cách thức để tìm kiếm khách hàng hiệu quả trong bối cảnh triển vọng thị trường còn nhiều thách thức và cạnh tranh quyết liệt hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM, cho biết sau khi đơn hàng bị sụt giảm mạnh vào năm ngoái, từ đầu năm đến nay dù đã có tín hiệu tốt, nhưng doanh nghiệp ngành da giày hiện vẫn rất mong manh.
"Chỉ 30-40% số doanh nghiệp trong hội có đơn hàng nhưng đơn hàng cũng chỉ ở mức yếu. Trước tình hình này, các doanh nghiệp đang rất tích cực tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách để "giải vây" cho sụt giảm ở thị trường EU và Mỹ, nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều khả quan".
Theo ông Khánh, tham gia hội chợ, triển lãm là một trong những cách mà doanh nghiệp kỳ vọng tiếp cận được khách hàng mới, mở rộng thị trường. Vì thế, doanh nghiệp rất mong Chính phủ và lãnh đạo TPHCM có những chương trình hỗ trợ mạnh hơn nữa, nhất là chi phí gian hàng, để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại.
Tương tự, với ngành dệt may, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), dự báo ngành may mặc vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do xu hướng giảm đơn hàng, rủi ro trong chuỗi cung ứng, "xanh hóa" của ngành.
"Sức mua từ các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu đang và sẽ còn ở mức thấp. Do đó, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng mới, thị trường ngách để có đơn hàng vừa phải nhằm duy trì trong giai đoạn này, trước khi chờ nền kinh tế thế giới phục hồi và đơn hàng lớn trở lại", ông Tài nhận định.
Đại diện các doanh nghiệp nhiều ngành hàng xuất khẩu cho rằng dù có những dấu hiệu tích cực hơn khi nhiều người mua đã rục rịch quay lại Việt Nam, nhưng thực tế đơn hàng vẫn đang còn giảm sâu so với trước dịch Covid-19.
Do đó, công tác xúc tiến thương mại thông qua tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước cũng như quốc tế là rất cần thiết. “Việc tham gia hội chợ là cách để tìm kiếm khách hàng nên dù chi phí có thể tăng nhưng doanh nghiệp vẫn tham gia”, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2, chia sẻ.
Chắt chiu từng cơ hội nhỏ
Việc thường xuyên tham gia các hội chợ quốc tế không chỉ giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm được khách hàng và thị trường mới mà còn có thể học hỏi được những kinh nghiệm thực tế từ các nhà sản xuất, nhà thương mại khắp nơi trên thế giới…
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế về việc siêng "đi chợ" quốc tế đã giúp Tập đoàn Phúc Sinh có thêm những khách hàng mới và vượt qua khó khăn để tăng trưởng 2 con số trong năm vừa qua. Chủ tịch Tập đoàn Phan Minh Thông cho rằng, phải chịu khó đi và cứ đi để nhìn thấy các điều khác lạ trên toàn thế giới. Từ đó sẽ thay đổi và khắc phục những cái đã cũ tìm ra hướng đi mới cho doanh nghiệp mình.
"Mỗi lần đi tham dự hội chợ, gặp gỡ khách hàng, tôi thuyết phục đối tác mua một ít các sản phẩm chế biến của Phúc Sinh bên cạnh những tấn hồ tiêu hay cà phê thô, trà, quế… Và cứ thế, sản phẩm chế biến của Phúc Sinh dần dần được khách hàng chọn lựa", ông Thông nói, và cho biết những chuyến đi nối tiếp nhau đã mang lại nhiều hợp đồng, khách hàng mới. Nhờ vậy, các thị trường mới đã chiếm 15% trong tổng hơn 300 triệu đô la Mỹ doanh số xuất khẩu của Phúc Sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cũng cho rằng trong năm nay, những thị trường truyền thống xuất khẩu vẫn còn yếu. Do đó, doanh nghiệp cần chắt chiu từng cơ hội kinh doanh cũng như mở rộng thêm ở các thị trường khác như ở khu vực Nam Mỹ, Trung Đông hay thị trường tỉ dân như Ấn Độ... để bù đắp.
"Để xâm nhập được những thị trường này đòi hỏi doanh nghiệp cần tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để có thể hiểu phần nào thị hiếu tiêu dùng, tập quán kinh doanh, nhu cầu của khách hàng, nhà mua hàng...", ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng ban tổ chức HawaExpo 2024 cũng cho biết, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, HawaExpo 2024 có sự quan tâm đáng kể ở nhóm khách từ khu vực Trung Đông, Úc, Canada và Ấn Độ. Trên thực tế, những thị trường mới như Ấn Độ xuất khẩu tăng 288%, Peru tăng 111%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 90%, Na Uy tăng 52%…
Đối với các doanh nghiệp, 2024 là năm thứ 3 của giai đoạn khó khăn. Lúc này doanh nghiệp không thể nói “đứng trước khó khăn” mà phải “thích nghi” với khó khăn; đồng thời chắt chiu từng cơ hội dù là nhỏ nhất. Vì vậy, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, vấn đề hiện nay của họ là làm sao nhà máy tiếp tục tồn tại, phát triển được.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM, cho biết các doanh nghiệp đang phải gom những đơn hàng nhỏ để lấp vào khoảng trống.
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sadaco, cũng cho rằng doanh nghiệp không còn xuất khẩu ồ ạt với những đơn hàng lên tới hàng chục hoặc hàng trăm container như trước kia. Thay vào đó, các doanh nghiệp phải tập trung làm hàng mẫu cho khách hàng.
"Tại Sadaco, có thời điểm lượng hàng mẫu chiếm tới 40-50% tổng lượng hàng xuất khẩu. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do việc làm hàng mẫu đòi hỏi công sức, sự tỉ mỉ rất lớn trong khi giá cả lại không tăng tương xứng", ông Mạnh chia sẻ.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cũng cho rằng, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng như dệt may, giày dép... còn thấp, nên các doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội dù rất nhỏ để thúc đẩy xuất khẩu.
Để hỗ trợ các đơn vị thành viên có thể định hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh, theo ông Hiếu, Vinatex bám sát, cập nhật tình hình thị trường và các nguyên liệu đầu vào mỗi tháng một lần.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản sẽ vẫn khó khăn trong nửa đầu năm nay bởi lượng hàng tồn kho thế giới cao, cung lớn hơn cầu. Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) đã nộp đơn đề nghị điều tra chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, căng thẳng ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển Mỹ tăng cũng là một chướng ngại với doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, EU trong năm nay.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cũng lưu ý, năm 2024, hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, Mỹ… vẫn phải đối mặt với áp lực điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ.
Trước bối cảnh khó khăn được dự báo sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm nay, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp phải có chiến lược linh hoạt để ứng phó kịp với những khó khăn đó.
Đơn cử, trong những đơn hàng đặt mới, lượng hàng mẫu chiếm tỷ lệ cao, song các doanh nghiệp phải nỗ lực kiên trì. Bởi lẽ hiện nhiều nhà mua hàng đang tìm kiếm các nhà cung ứng mới, nếu làm tốt các sản phẩm hàng mẫu có thể sẽ mở ra những cơ hội lớn hơn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, bên cạnh những khó khăn khách quan, Chính phủ các nước như Mỹ và châu Âu còn siết chặt yêu cầu về môi trường đối với các sản phẩm. Nếu các doanh nghiệp không nhanh chóng chuyển đổi ngay từ xưởng sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu, cho tới khâu tiếp thị ra nước ngoài thì sẽ rất khó có thể trụ vững.