Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Không đánh đổi môi trường: đừng chỉ hô khẩu hiệu

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với biệt danh đảo ngọc là điểm du lịch hấp dẫn, được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế. Thế nhưng, trái ngược với định hướng phát triển này, hiện nay tình trạng ô nhiễm và rác thải trên hòn đảo này đã lên đến mức báo động.

Tình trạng buông lỏng quản lý, xây dựng tràn lan đã góp phần chính giết chết môi trường của hòn đảo được quy hoạch làm du lịch xanh này.

Thông tin ghi nhận tại cuộc hội thảo khoa học “Đánh giá hiện trạng ô nhiễm và đề xuất giải pháp cải thiện môi trường sông Dương Đông” được tổ chức gần đây cho thấy, sông Dương Đông - con sông chính của Phú Quốc - đã bị ô nhiễm nặng. Các nhà khoa học đã đưa ra kết quả quan trắc từ năm 2018-2021 cho thấy, có nhiều thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép trên dòng sông này. Có những thời điểm nước sông Dương Đông bị ô nhiễm nặng đến mức làm cá chết hàng loạt.

Kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cũng cho thấy hiện nay chất lượng nước sông Dương Đông chỉ còn “tương đối sạch ở gần thượng nguồn”. Càng về phía biển, nước sông càng ô nhiễm, nhiều đoạn chỉ có thể dùng để tưới cây. Dòng sông bị nhiễm nhiều loại chất thải độc hại, trong đó có dầu nhớt và chất thải nhựa(*).

Sông Dương Đông có tổng chiều dài gần 22 ki lô mét và hợp lưu vào sông Dương Đông còn có hàng chục nhánh phụ có tổng chiều dài hơn 63 ki lô mét. Dòng sông này không những cung cấp nước chính cho sinh hoạt mà còn cho cả hoạt động sản xuất.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện ven sông Dương Đông có khoảng 10.000 gia đình sinh sống, hơn 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đó có một số vẫn xả thải trực tiếp xuống sông, chợ phường Dương Đông và khu chợ đêm ẩm thực Dương Đông cũng nằm dọc hai bên bờ sông, đây là tác nhân gây ô nhiễm.

Tuy nhiên nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng xây dựng khách sạn, nhà cao tầng, nhà hàng, resort lấn chiếm chặn đường thoát nước tự nhiên tại nhiều nơi trên đảo. Nhiều dòng suối bị buộc phải “chui” vào đường cống ngầm khiến dòng chảy tự nhiên bị cản trở, từ đó dẫn tới tình trạng ô nhiễm cho toàn bộ hệ sinh thái sông suối trên đảo ngày càng tăng nhanh.

Ngoài ô nhiễm sông suối, Phú Quốc còn bị ô nhiễm rác thải. Mỗi ngày, thành phố Phú Quốc có khoảng 180 tấn chất thải rắn sinh hoạt và 17.500 mét khối nước thải. Và nhu cầu xử lý rác ở Phú Quốc đến năm 2025 là từ 400-650 tấn/ngày. Hiện tại, rác thải của Phú Quốc được đổ tập trung tại bãi rác tạm ở xã Cửa Dương. Núi rác này ngày càng lớn nhanh và kéo theo đó là mùi hôi, nước rác tràn ra chung quanh(**).

Để hồi sinh chỉ riêng sông Dương Đông, theo chương trình của UBND tỉnh Kiên Giang phải cần ít nhất là 10 năm với nguồn kinh phí hàng ngàn tỉ đồng. Nếu các bước chuẩn bị diễn ra theo đúng dự định, thì dự án cải thiện môi trường sông Dương Đông có thể bắt đầu triển khai từ năm 2023.

Tuy nhiên, chương trình giải cứu sông Dương Đông này lại đang bế tắc vì tại hội thảo nói trên, theo đại diện chính quyền thành phố Phú Quốc tuy tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp lưu vực sông Dương Đông đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, nhưng hiện nay… chưa có kinh phí để làm.

Cái vòng luẩn quẩn của câu chuyện quản lý đang hiện ra rõ nét tại Phú Quốc: do buông lỏng quản lý nên các công trình xây dựng tràn ra hai bên bờ sông, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm khắp nơi. Giờ đây, đến lúc muốn cải tạo dòng sông thì chính quyền lại nói không đủ kinh phí để giải tỏa các công trình xây dựng!

Tại Hội nghị môi trường toàn quốc diễn ra vào đầu tháng này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục nhấn mạnh thông điệp “không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy tăng trưởng kinh tế”. Mong là việc cứu đảo ngọc Phú Quốc cần được đưa ra như một trường hợp điển hình cần Chính phủ làm mạnh tay trước khi quá muộn vì mọi việc có vẻ đã vượt khả năng kiểm soát của chính quyền địa phương.

----------

(*) https://kiengiang.gov.vn/trang/TinTuc/1/29095/Can-it-nhat-10-nam-de-cai-thien-moi-truong-song-Duong-dong-o-Phu-Quoc.html

(**) https://tuoitre.vn/nhuc-nhoi-xu-ly-rac-o-phu-quoc-20220815083000244.htm

2 BÌNH LUẬN

  1. Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Nói cho hay thôi. Vì “tư duy điều hành” phá núi/ chặt rừng/ lấn biển… vẫn nặng nề, vẫn tiếp tục tái diễn nghiêm trọng, ngấm ngầm và công khai, với nhiều kiểu cách khác nhau. Thay vì tùy tiện tiến hành như trước đây, hiện nay nhiều địa phương vẫn cứ gởi văn bản về Trung ương đề xuất “phá hủy môi trường” bởi vô vàn những “lý do hợp lý” ? Chưa kể rất nhiều sai phạm vẫn được xử lý “phạt cho tồn tại”. Mới đây, một tỉnh đã đề xuất “phá rừng để … phát triển rừng”, với hàng chục hecta, kể cả vùng nguyên sinh, nhưng không được Bộ phê duyệt, vì có thể tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng sâm Ngọc Linh.

  2. Sâm ngọc linh đang bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Nông dân đang đau đầu vì mất tiền mất của. Lời cảnh báo rõ ràng. Trước đây chưa từng có hiện tượng này. Sau khi mở rộng, phát triển ào ạt, cho sử dung thuốc hóa học các loại… Trước sau gì thiên nhiên sẽ cho thấy phản ứng mạnh mẽ, sẽ phải thấm đòn “trả giá” vì cách làm “đổi môi trường lấy kinh tế”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới