(KTSG) - Việc tận dụng hiệu quả các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ cà phê, bã mía... để sản xuất các sản phẩm thời trang mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng cho Việt Nam khi giúp giảm lượng chất thải nông nghiệp, đồng thời tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng một ngành công nghiệp thời trang bền vững.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc tận dụng này cũng tồn tại một số thách thức cần được giải quyết để phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.
- Hái ra tiền từ nguồn tài nguyên phụ phẩm nông nghiệp
- Phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử dụng hiệu quả
Về những thách thức trong việc phát triển thời trang từ phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam, chúng ta có thể thấy chưa có những tên tuổi được người tiêu dùng nhớ đến do độ phủ thị trường còn thấp bởi sản lượng và giá thành của những loại hàng này ở mức khá cao so với mức giá thị trường.
Nguyên nhân làm cho sản lượng thấp và giá thành cao bắt nguồn từ việc thu gom và chế biến các mặt hàng này có sự khác biệt và gặp nhiều khó khăn do nhiều loại phụ phẩm có tính thời vụ, sự không đồng đều về chất lượng, kỹ thuật chế biến và lưu trữ cũng khác biệt với những nguyên liệu dệt may thông thường.Việc phải đầu tư vào các thiết bị máy móc phục vụ việc sàng lọc, phân loại, chế biến ban đầu để tạo sự đồng nhất về kích cỡ, chất lượng nguyên liệu đầu vào làm phát sinh nhiều chi phí.
Quy mô khiêm tốn của việc sản xuất những mặt hàng này cũng là trở ngại cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất trong dài hạn. Giá thành cao của nhiều sản phẩm cũng là yếu tố mà người tiêu dùng cân nhắc trước khi quyết định mua hàng dù thật sự luôn ủng hộ những sản phẩm nội địa được làm từ tre, lá dứa (thơm), tơ sen, thân cây chuối và rất nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp khác.
Những nguyên nhân nói trên đã phần nào làm giới hạn việc nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa những sản phẩm mới từ phụ phẩm nông nghiệp nên rất cần đến chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức tài chính như việc nới lỏng điều khoản vay, áp dụng những chính sách khác biệt và ưu đãi hơn vay vốn thông thường như lãi suất thấp hơn, thời hạn kéo dài.
Thiết nghĩ các cơ quan, tổ chức tín dụng cần ưu tiên cung cấp vốn cho những dự án được xếp loại “xanh” dựa trên những tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại được thiết kế dành riêng cho những lĩnh vực nghiên cứu phát triển liên quan đến xử lý, tuần hoàn phụ phẩm từ nông nghiệp nói riêng và nhiều ngành khác nói chung. Ngân sách từ nghiên cứu và phát triển cũng cần bổ sung thêm khoản nghiên cứu dành cho những dự án tuần hoàn phụ phẩm từ các nguồn để tạo nguồn nguyên liệu mới thay thế nguyên liệu truyền thống. Có như vậy mới giúp các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực vốn rất khó khăn và nhiều rủi ro như ngành sản xuất thời trang.
Ngành thời trang từ phụ phẩm nông nghiệp mang lại nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư tiềm năng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Việt Nam. Với sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm thời trang bền vững, các nhà sáng tạo và nhà đầu tư có thể tập trung vào phát triển các sản phẩm thời trang độc đáo và chất lượng từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp phong phú ở Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tìm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực hỗ trợ như nghiên cứu và phát triển công nghệ, huấn luyện lao động, xây dựng cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả. Với những chính sách ưu đãi đầu tư từ Chính phủ và nhu cầu thị trường ngày càng cao, đây hứa hẹn là một lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng trong tương lai.