Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Không để tăng giá bất hợp lý khi tăng lương

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá, đề nghị kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024. Ảnh: Baochinhphu.vn

Ngày 12-6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, theo Baochinhphu.vn.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu, Phó thủ tướng nêu rõ, lạm phát vẫn đang được kiểm soát trong giới hạn Quốc hội cho phép (4,5%), phục vụ cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo cung cầu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu.

Trong bối cảnh tâm lý kỳ vọng lớn khi thực hiện tăng lương vào thời điểm 1-7 tới, Phó thủ tướng đề nghị tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, thành thói quen, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.

Phó thủ tướng đề nghị các đơn vị thực hiện kịch bản điều hành giá. Trong đề xuất tăng giá hàng hóa, dịch vụ, đơn vị phải nêu rõ thời điểm, lộ trình tăng giá và mức độ, báo cáo Ban Chỉ đạo. Người đứng đầu Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng nhấn mạnh, các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng cần phải được đảm bảo, thực hiện nghiêm.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ như đảm bảo thông suốt cung ứng lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao. Bên cạnh đó, các mặt hàng chiến lược được đáp ứng tốt, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, trong đó có mặt hàng xăng dầu, điện.

Nhấn mạnh còn hơn 6 tháng là kết thúc năm 2024, Phó thủ tướng cho biết, áp lực lạm phát vẫn thường trực do tình hình biến động của thế giới, đặc biệt là việc đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải biển làm chi phí vận tải tăng, một số mặt hàng dịch vụ theo yêu cầu cơ cấu giá thành đòi hỏi phải điều chỉnh… Tuy nhiên, nếu không có những biến động lớn, đột xuất làm ảnh hưởng đến việc điều hành thì cả nước sẽ kiểm soát tốt lạm phát.

Ông yêu cầu các bộ, ngành theo dõi thường xuyên diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới và trong nước để đề ra những giải pháp và kịch bản phù hợp, kịp thời, hướng đến kiểm soát được lạm phát trong mức giới hạn Quốc hội cho phép là 4,5%.

1 BÌNH LUẬN

  1. Lương tăng/ giá leo? Điệp khúc kéo dài. Lý do là cách vận hành cơ chế tiền lương ở ta quá rắc rối, phức tạp. Chỉ riêng sàn lương tối thiểu mà mỗi năm phải tổ chức rất nhiều phiên họp để các bộ ngành bàn cãi, thống nhất? Mỗi khi có chủ trương tăng lương, đâu đó chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng, là phát sinh thông tin nhiều chiều, nhiễu loạn. Chừng đó thôi, đủ gây ra hiệu ứng tát nước theo mưa, nước lên thuyền lên… Nên chuẩn hóa tiền lương/ thu nhập/ phúc lợi theo một hệ tiêu chí thống nhất, ổn định, tạo ra hành lang pháp lý, rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm. Nhà nước không cần ôm đồm những gì thuộc về thị trường lao động. Thị trường luôn có cách ứng xử tốt và hiệu quả hơn những gì ta thường cả nghĩ và lo lắng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới