Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Không đủ sức cầm cự, nhà kinh doanh từ bỏ mùa cao điểm bán hàng

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau thời gian cầm cự với thua lỗ nhưng kết quả kinh doanh không được cải thiện, nhiều chủ cửa hàng đã quyết định trả mặt bằng, rời khỏi thương trường ngay trong bối cảnh mùa cao điểm bán hàng Tết Nguyên đán cận kề.

TPHCM ngày càng xuất hiện thêm các mặt bằng rao cho thuê. Ảnh: Hùng Lê

Gian nan cắt lỗ

Các cổ đông của một nhà hàng món ăn Nhật Bản (không tiện nêu tên) ở quận Phú Nhuận, TPHCM, mới đây đã cùng ngồi lại để đánh giá tình hình kinh doanh trong năm 2023 và đưa ra kế hoạch cho năm 2024. Điều tất cả cổ đông lo lắng đó là hoạt động kinh doanh của nhà hàng trong suốt 6 tháng cuối năm đều bị thua lỗ trung bình hơn 100 triệu đồng mỗi tháng.

Hoạt động vận hành của nhà hàng ổn định, từ khâu quản lý nguyên liệu đầu vào đến khâu ra sản phẩm, tiếp thị và bán hàng... "So với 6 tháng cuối năm, doanh thu 6 tháng đầu năm dù tốt nhưng cũng chỉ vừa đủ trang trải chi phí, trong khi những tháng cuối năm tình hình kinh doanh khó khăn dẫn đến bị lỗ", anh Văn Tài, một trong ba cổ đông của nhà hàng, nhìn nhận.

Vị doanh nhân này cho biết các thực khách quen của nhà hàng là nhân viên văn phòng, ghi nhận từ hóa đơn của nhóm khách này trong vài tháng qua cho thấy họ tiết giảm hơn so với trước đó, điều này cũng phản ánh phần nào khó khăn chung của nền kinh tế, và đặt các nhà sản xuất, nhà kinh doanh trước thách thức khi sức mua suy giảm.

Tại cuộc họp, anh Văn Tài xin thoái lui vì không còn khả năng tiếp tục rót thêm vốn bù lỗ mỗi tháng để nhà hàng tồn tại, trong đó riêng tiền thuê mặt bằng là 55 triệu đồng. Hai cổ đông còn lại thì phân vân, một phần vì tiếc do mất nhiều công sức gầy dựng, chỉ riêng phần thiết kế và lắp đặt nội thất đã hơn 2 tỉ đồng và còn 2 năm nữa mới hết thời hạn thuê mặt bằng.

Tuy nhiên, chỉ sau một đêm suy nghĩ, hai cổ đông này cũng có quyết định giống anh Tài. Cuối cùng, họ ấn định đóng cửa nhà hàng vào thời điểm trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán.

"Tìm cổ đông khác vào thay thế trong thời điểm này thì rất khó mà rót thêm vốn thì chúng tôi không còn khả năng trong khi dự báo thị trường sau Tết Nguyên đán sẽ càng khó hơn", chị Minh Tuyết, một trong hai cổ đông còn lại chia sẻ về quyết định đóng cửa nhà hàng, và cho biết sau 3 năm hoạt động, mỗi cổ đông đã lỗ hơn 2 tỉ đồng.

Câu chuyện rút lui khỏi thương trường của chị Minh Tuyết không còn là cá biệt đối với các nhà kinh doanh quy mô nhỏ đang gồng sức chống đỡ với chi phí mặt bằng hiện nay. Chị Thu Thủy, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3, đã trả mặt bằng vào giữa tháng 11 vừa qua, thời điểm được cho là khoảng thời gian chuẩn bị cho mùa bán hàng sôi động nhất trong năm với mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách...

Năm 2023, cả nước có hơn 172.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thương trường, tăng 29.380 so với năm trước đó, và vượt cả lượng doanh nghiệp thành lập của năm ngoái (gần 159.300 doanh nghiệp.

(Nguồn: Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh)

"Đúng là thông thường những sự kiện như lễ Giáng sinh, chào đón năm mới hoặc trước những ngày Tết cổ truyền... sẽ giúp đẩy doanh số hàng thời trang. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh rất lớn và nếu không giảm giá sâu hoặc không có chương trình khuyến mãi lớn thì sẽ ế ẩm, đặc biệt khó thu hút khách hàng như các kênh bán hàng online", chị Thu Thủy chia sẻ.

Do đó, ngay khi vừa hết hợp đồng thuê mặt bằng, chị liền bàn giao lại cho chủ nhà. "Nếu tiếp tục duy trì cửa hàng tại đây thì sẽ dẫn đến đổ nợ", chị Thủy nói, và cho biết ngoài tiền mặt bằng 30 triệu đồng/tháng còn chi phí tiền lương nhân viên bán hàng, điện, nước, sản phẩm tồn kho...

"Tháo chạy" trả mặt bằng dịp cuối năm

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kênh bán hàng online khiến nhiều chủ cửa hàng trên các tuyến phố khó cạnh tranh. Tình hình thị thường trầm lắng, kinh doanh thua lỗ dẫn đến chủ cửa hàng, doanh nghiệp trả mặt bằng, rút khỏi thương trường đang cho thấy tiếp tục diễn ra ở diện rộng.

Ngay cả nằm ở những vị trí đắc địa, dân cư đông đúc và từng có hoạt động mua bán sầm uất, thế nhưng dịp cuối năm, hàng loạt mặt bằng tại các tuyến phố kinh doanh của TPHCM vẫn treo biển cho thuê, thậm chí là chào mời khách mua nhà.

Các mặt bằng đẹp thuộc khu vực trung tâm TPHCM, như đường Lê Lợi vẫn bị để trống. Ảnh: Hùng Lê

Trên thực tế tình trạng "tháo chạy" của các chủ cửa hàng đã diễn ra hơn 2 năm qua. Nhưng tình hình hàng loạt căn nhà nối liền nhau cửa đóng then cài ở thành phố chìm trong các bảng quảng cáo, rao vặt cho thuê mặt bằng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Với việc bồi thêm mặt bằng của chủ cửa hàng mới trả lại khiến cho hình ảnh nhà phố đóng cửa, tối đèn ở các tuyến phố cho thấy khoản "xám" về thị trường kinh doanh thêm đậm màu.

Có thể thấy các nhà kinh doanh bán lẻ tiếp tục trải qua những ngày tháng khó khăn do người tiêu dùng thắt chặt hầu bao chi tiêu. Do đó, dù cận Tết, niềm vui không thể trở lại với thị trường nhà phố cho thuê mà tình trạng trả mặt bằng lại còn tiếp diễn ở nhiều tuyến đường.

Nếu những năm trước, vào mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt là từ Noel đến Tết Nguyên đán, hàng quán ở TPHCM thường chạy đua mở rộng các mặt hàng, tung chính sách khuyến mại để hút khách. Tình hình năm nay cho thấy ngược lại, hàng loạt mặt bằng “đất vàng” trung tâm đắt đỏ vẫn rơi vào cảnh “cửa đóng then cài”.

Góc ngã tư Lý Tự Trọng - Trương Định (quận 1) từng là một nhà hàng về món ăn Nhật Bản nhưng mấy năm vẫn chưa có khách thuê. Ảnh: H.L

Chủ một nhà phố trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), tuyến đường mà giới kinh doanh, chủ doanh nghiệp thường "săn lùng" mặt bằng, cho biết ông nhận lại nhà khoảng 1 năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa có khách mới thuê.

“Thời điểm trước, nhà tôi chưa bao giờ thiếu người thuê. Chúng tôi cho thuê cả nhà 3 tầng với mức giá 90 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, thời điểm kinh tế khó khăn, hiện giờ nhiều chủ chỉ đến hỏi giá rồi lặng lẽ ra đi", ông chủ nhà này chia sẻ.

Không chỉ nhà của ông, mà hiện tuyến đường này chỉ với 1 km nhưng có đến gần 20 căn nhà phố rao chờ khách thuê. Còn trên đường Lê Lợi (quận 1), tuyến đường khu vực trung tâm cũng có hơn 10 mặt bằng đang treo biển cho thuê.

Khảo sát cho thấy hàng loạt mặt bằng trên “đất vàng” cũng đang trong tình trạng ế ẩm, bỏ trống thời gian dài ở dọc hai bên các trục đường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sỹ, Huỳnh Văn Bánh, Nguyễn Trãi...

“Đói” khách thuê song giá mặt bằng tại các khu vực trung tâm vẫn neo rất cao, bình quân trên 200 triệu đồng/tháng, thậm chí lên tới 500 - 600 triệu đồng/tháng. Như tại đường Lê Lợi, bên cạnh những mặt bằng giá 120 - 250 triệu đồng/tháng, nhiều mặt bằng vẫn đang rao 350 - 600 triệu đồng/tháng.

Báo cáo đại lộ bán lẻ thế giới được công ty nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield công bố vào tháng 11 vừa qua, ghi nhận đường Đồng Khởi (TPHCM) là đường phố có giá thuê mặt bằng thuộc nhóm đắt đỏ hàng đầu thế giới. Giá thuê tại đây tương đương 350 đô la Mỹ/m²/tháng. Con số này tăng 17% so với cùng kỳ và tăng 40% so với trước dịch Covid-19.

Theo chị Thu Thủy, chủ cửa hàng thời trang đường Lê Văn Sỹ, khi chị trả lại mặt bằng, chủ mặt bằng vẫn giữ giá thuê như thời điểm chị ký hợp đồng của 2 năm trước. Đây cũng là lý do để chị chuyển sang bán hàng online nhằm giảm chi phí vận hành.

Không riêng chị Thu Thủy mà hàng loạt nhà kinh doanh nhỏ lẻ lẫn doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng đóng bớt lượng cửa hàng phố, chuyển sang bán hàng online.

Năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỉ đô la, tăng khoảng 4 tỉ đô la (tương đương 25%) so với năm 2022. (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số).

Nguyên nhân nhà phố ế ẩm xuất phát từ hiệu quả kinh doanh nhà phố giảm do thay đổi trong hành vi người dùng và cạnh tranh từ trung tâm thương mại (TTTM). Hơn nữa, những năm gần đây thói quen mua sắm trực tuyến tăng nhanh. Trong khi đó, giá cho thuê nhà phố vẫn neo ở mức cao, đặc biệt là khu vực trung tâm và không có xu hướng điều chỉnh giảm giá.

Có thể nhìn thấy một thực tế rằng sức mua sụt giảm kéo dài dẫn đến thị trường bán lẻ đang chứng kiến hàng loạt cửa hàng nối đuôi nhau đóng cửa, mặt bằng tại các tuyến phố kinh doanh sầm uất liên tục treo biển cho thuê nhưng không có khách.

Được biết, tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ..., tình trạng ế ẩm kéo dài cũng đang bao trùm thị trường mặt bằng bán lẻ tại nhiều tuyến phố trung tâm.

Trao đổi với KTSG Online về thị trường bán lẻ gần đây, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, cũng đồng ý là hiện nhu cầu mặt bằng phố đang có xu hướng sụt giảm, tuy nhiên việc thuê gian hàng tại các TTTM của các nhà bán lẻ, nhãn hàng vẫn còn cao.

Theo ông Nguyên, xu hướng mua sắm của người tiêu dùng là họ muốn trải nghiệm nhiều tiện ích, trong khi các cửa hàng phố chỉ kinh doanh chuyên một mặt hàng hay các dòng sản phẩm mà không có các dịch vụ đi kèm cho khách hàng thì rất khó.

Trước diễn biến thị trường ế ẩm, và hành vi của người tiêu dùng thay đổi nhiều, các chuyên gia bán lẻ cho rằng các chủ nhà phố cần chia sẻ khó khăn với nhà kinh doanh và thay đổi để thích nghi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới