Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không nên khép lại ở việc trả xe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Không nên khép lại ở việc trả xe

Nguyên Lê

Không nên khép lại ở việc trả xe
Chiếc xe mà Đà Nẵng trả lại cho doanh nghiệp. Ảnh: Tuổi Trẻ

(TBKTSG Online) – Tuần rồi, sau nhiều bài báo phản ánh chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rằng “từ nay các địa phương không được nhận ô tô doanh nghiệp tặng”, chính quyền tỉnh Cà Mau, rồi Thành ủy Đà Nẵng đã tuyên bố trả lại những chiếc ô tô do doanh nghiệp tặng, một động thái mà báo điện tử Dân trí bình luận là “miễn cưỡng”.

Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đưa tin Thủ tướng Chính phủ đã hoan nghênh và đánh giá cao việc tỉnh Cà Mau trả lại hai xe ô tô doanh nghiệp tặng. Đồng thời yêu cầu các địa phương, bộ, ngành rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm việc này.

Đà Nẵng vẫn cho rằng quyết định nhận xe của mình “phù hợp với các quy định hiện hành và trước thời gian chỉ đạo của Thủ tướng” song “thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”, Đà Nẵng cũng chuyển trả chiếc xe do doanh nghiệp tặng.

Theo lập luận của Đà Nẵng, phải chăng việc nhận xe là không sai quy định nhưng do Thủ tướng chỉ đạo trả nên mới trả? Thế nhưng, nếu không sai quy định thì sao Thủ tướng lại kêu trả? Hay là do quy định có vấn đề?

Có thể hình dung, kết luận của Thủ tướng trong cuộc họp Chính phủ vừa qua là một giải pháp xử lý tình huống cụ thể, và cũng chỉ khoanh vùng ở một món quà tặng cụ thể là ô tô.

Các yếu tố nền tảng được xới lên từ câu chuyện này, ngay cả khi các địa phương khác không bị báo chí phát hiện cũng tình nguyện báo cáo và trả lại quà tặng ô tô cho doanh nghiệp, vẫn còn nguyên ở đó.

Qua tìm hiểu của  báo chí, hiện có tới ba văn bản quy phạm pháp luật (một nghị định của Chính phủ, hai quyết định của Thủ tướng Chính phủ) quy định về việc cho và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức Nhà nước, của cán bộ, công chức, cụ thể là ô tô, mà các địa phương có thể vận dụng để cho rằng mình không sai khi nhận từ doanh nghiệp.

Có lẽ vì vậy mà trước khi có ý kiến chỉ đạo nói trên của Thủ tướng, trao đổi với báo chí về việc nhận quà của Cà Mau, Đà Nẵng, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt nói rằng: “Nếu có doanh nghiệp tặng xe cho cục, tôi sẽ nhận và báo cáo xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng”. Ông Đạt giải thích thêm là “hiện Cục vẫn dùng chung xe với Thanh tra Chính phủ nên nhiều khi ảnh hưởng tới tính kịp thời và bí mật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng”.

Những lời nói này của người đứng đầu đơn vị chống tham nhũng, phản ánh những mối nguy hệ thống.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập dùng từ “quá ngạc nhiên” khi bình luận về điều này. Theo ông, thứ nhất, về lý thuyết, cơ quan chính phủ sống bằng tiền thuế của dân để phục vụ dân, không phải bằng quà tặng. Nếu một khi đã sử dụng quà tặng như một nguồn lợi vật chất, cơ quan chính phủ có khả năng không còn là công bộc của dân nữa (Civil Servants), bởi nó không còn vô tư, khách quan, công bằng và tận tụy phục vụ nhân dân mà sẽ phải hàm ơn người tặng. Thứ hai, cơ quan chính phủ chỉ được làm những gì mà luật cho phép (tức là văn bản do cơ quan được nhân dân ủy nhiệm ban hành là Quốc hội, chứ không phải văn bản do Chính phủ, tức của chính nó ban hành).

Theo ông, luật các nước chỉ cho cơ quan hoặc quan chức chính phủ nhận một số quà nhất định bị giới hạn giá trị, tức chỉ là những món quà có ý nghĩa tinh thần, không có giá trị vật chất, như là quà kỷ niệm, tuy nhiên cũng phải báo cáo và giải trình.

Nếu mở rộng danh sách quà tặng có thể nhận, từ ô tô đến nhà cửa, tiền bạc thì nói theo ngôn ngữ phòng chống tham nhũng của cộng đồng quốc tế, đó chính là hối lộ tập thể, nguy hiểm vạn lần so với hối lộ cá nhân bởi nó sẽ dẫn tới nguy cơ làm méo mó thể chế, chính sách và pháp luật, đồng thời làm suy giảm niềm tin của người dân vào bộ máy chính quyền.

Cho nên, nhân chuyện vỡ ra lần này, quy định cần được sửa lại. Có thể thực tế sẽ đặt ra thêm một bài toán nữa cần giải, như nếu quả thật doanh nghiệp ngay tình khi tặng quà cho chính quyền thì sao. Còn phải bàn luận về chuyện này, nhưng khó tin và khó chấp nhận có chuyện ngay tình khi bên tặng là đối tượng đang chịu sự quản lý của bên được tặng. Đồng tiền đi trước, ông bà xưa nói, là… đồng tiền khôn, là thế!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới