Thứ ba, 5/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Không phải Trung Quốc, ASEAN mới là nơi ngân hàng kiếm được lợi nhuận

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nếu những năm trước, doanh thu từ phí tư vấn về cổ phiếu và trái phiếu của các ngân hàng phương Tây là Trung Quốc thì năm 2023, nguồn doanh thu này đến từ các nước Đông Nam Á (ASEAN).

J.P Morgan đứng đầu về doanh số tại ASEAN trong các ngân hàng đầu tư quốc tế. Ảnh: Nikkei Asia

Ngân hàng J.P. Morgan, Mỹ đã thu về 89 triệu đô la Mỹ từ khu vực ASEAN trong năm 2023 bằng việc tư vấn về phát hành cổ phiếu và trái phiếu, cao gần 2 lần (so với 47 triệu đô la) từ công việc tương tự tại thị trường Trung Quốc. Đây là năm thứ hai liên tiếp ngân hàng này thu phí giao dịch từ Đông Nam Á nhiều hơn từ Trung Quốc.

Đứng thứ hai sau J.P. Morgan trong tư vấn các giao dịch chứng khoán và trái phiếu cho thị trường Đông Nam Á là ngân hàng UBS của Thụy Sĩ với 66 triệu đô la, trong khi đó, phí tư vấn cho khách hàng Trung Quốc đạt 49 triệu đô la. Ngân hàng Credit Suisse, cũng lập lại “thành tích” tương tự như J.P. Morgan và UBS.

Bank of America Securities của Mỹ thu về 55 triệu đô la, trong khi chỉ kiếm được 28 triệu đô la tiền phí từ thị trường Trung Quốc. Năm 2023 cũng là năm thứ hai liên tiếp tập đoàn Citi đạt được doanh thu lớn hơn tại ASEAN so với Trung Quốc.

Trong thập niên qua, các ngân hàng toàn cầu đã đóng vai trò quan trọng trong việc bán cổ phiếu và trái phiếu của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là cho các nhà đầu tư nước ngoài. Goldmans Sachs, UBS và Morgan Stanley là ba ngân hàng được các doanh nghiệp Trung Quốc “chọn mặt gửi vàng”.

Tuy nhiên, trong vài năm qua, một số ngân hàng lớn trên toàn cầu đã chuyển một phần hoạt động sang Singapore, một sự tái định vị nhằm thu hút dòng vốn đang chảy mạnh vào Đông Nam Á, dù rằng thị trường này vốn “kém trưởng thành hơn” so với thị trường Trung Quốc. Theo Kenneth Kan, người sáng lập công ty cổ phần tư nhân Advan Capital và cựu giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu của CITIC Capital, việc tái cơ cấu hoạt động kinh doanh trong khu vực là điều hợp lý.

Xu hướng này cũng được các ngân hàng Trung Quốc nhận ra, vì thế, họ muốn cạnh tranh "phân chia" miếng bánh tư vấn cho các doanh nghiệp ASEAN với các ngân hàng phương tây.

Theo Xu Jia, Phó giám đốc dịch vụ đầu tư của ngân hàng China International Capital (CICC), ngân hàng này đang triển khai đội ngũ nhân sự ở Đông Nam Á, trong đó, thị trường Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN đang là đích nhắm của ngân hàng này.

“Chúng tôi sẽ tập trung vào hoạt động tư vấn và các giao dịch xuyên biên giới trong 1-2 năm tới. Riêng mảng IPO thì chúng tôi thấy rằng cần phải đủ hiểu biết thị trường và các quy định của thị trường địa phương”, Xu nói với Nikkei Asia. Còn Chen Yongren, người phụ trách bộ phận đầu tư của chi nhánh CICC tại Hồng Kông, lại hy vọng rằng “có thể giúp các công ty con của các công ty Trung Quốc ở Indonesia niêm yết tại Hồng Kông”.

Năm 2023, CICC đã thu 91 triệu đô la Mỹ phí dịch vụ phát hành trái phiếu và cổ phiếu trên toàn cầu từ các công ty Trung Quốc, xếp thứ hai sau ngân hàng đầu tư Goldman Sachs với 92 triệu đô la.

Báo cáo của hãng dữ liệu Dealogic hôm 3-1 cho thấy, năm 2023 đánh dốc cột mốc quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa nguồn thu của các ngân hàng quốc tế ở châu Á, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đại lục chậm hồi phục, các quy định nghiêm ngặt về niêm yết ở Mỹ mà cả Mỹ và Trung Quốc áp dụng với các công ty đại lục đã thúc đẩy các ngân hàng đầu tư lớn của phương Tây tìm kiếm tăng trưởng ở các thị trường khác. Bên cạnh đó, các công ty bất động sản Trung Quốc cũng ngừng phát hành trái phiếu lợi suất cao.

Một lý do khác để các ngân hàng quốc tế chuyển hướng sang ASEAN là do các đợt phát hành cổ phiếu mới của Trung Quốc có quy mô giao dịch trung bình nhỏ hơn (nên số tiền trả cho bên tư vấn ít hơn). Bên cạnh đó, các ngân hàng phương Tây cũng đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các ngân hàng Trung Quốc cho các giao dịch tương tự.

Theo dữ liệu của hãng kiểm toán Deloitte, trong năm 2023 số lượng các công ty Trung Quốc niêm yết (IPO) tại Mỹ tăng lên 37 công ty, so với 16 công ty vào năm 2022. Tuy vậy, số vốn gọi được giảm 35%.

Theo Nikkei Asia, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới