(KTSG Online) - Đại diện các cơ quan báo chí kiến nghị lãnh đạo các sở ngành, chính quyền các địa phương trong việc phối hợp cung cấp thông tin để truyền thông chính sách, các nghị quyết về phát triển TPHCM đạt hiệu quả.
Ngày 2-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và Hội Nhà báo TPHCM tổ chức buổi tọa đàm với nội dung phát huy vai trò báo chí, xuất bản thực hiện các nghị quyết về phát triển TPHCM.
Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết rất quan trọng đối với TPHCM. Đáng chú ý, gần đây nhất, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 "về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM".
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết cuộc tọa đàm nhằm tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết về phát triển TPHCM. Đây là diễn đàn thảo luận nhằm tìm giải pháp tuyên truyền để các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân có được thông tin đầy đủ, sinh động nội dung của các nghị quyết về phát triển TPHCM; các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố.
Tham luận tại buổi tọa đàm, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng các nghị quyết số 24, 31 của Bộ Chính trị và gần đây là Nghị quyết 98 của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý và có những cơ sở thực tiễn góp phần thúc đẩy sự phát triển của TPHCM.
Theo bà, truyền thông thu hút sự quan tâm của xã hội từ lúc chuẩn bị đến thông qua các nghị quyết, nhất là Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội có chứa những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội.
Báo chí sẽ góp phần tuyên truyền trước và trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, giúp người dân hiểu được sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết.
Truyền thông bám sát thực tiễn, phản ánh những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, bởi trong thực tế còn nhiều thách thức khi chính sách, pháp luật còn những bất cập, chồng chéo, xung đột.
Ngoài ra, bà cho rằng báo chí cần lăn lộn với thực tiễn của thành phố và tiếp tục đề xuất, tháo gỡ và bảo vệ những cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Các cơ quan truyền thông còn chủ động, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, tổ chức các cuộc thi hiến kế ý tưởng, đề xuất những giải pháp hay nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết.
Mặc dù vậy, bà Thảo cũng lưu ý trong quá trình tuyên truyền về nghị quyết, báo chí cần tránh nói chung chung, tránh nói một chiều hay chỉ nói sự kiện na ná như nhau hoặc là nói quá lên...
Theo bà Phạm Phương Thảo, các cơ quan truyền thông còn chủ động, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, tổ chức các cuộc thi hiến kế ý tưởng, đề xuất những giải pháp hay nhằm thực hiện có hiệu quả các nghị quyết.
Ở phía cơ quan báo chí, ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp luật TPHCM, cho rằng hiện nay cơ quan báo chí gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin để triển khai các nội dung của Nghị quyết 98. Các sở, ngành và các địa phương cung cấp chưa đầy đủ, chậm cung cấp. "Việc tạo điều kiện thuận lợi để báo chí tiếp cận thông tin là cách tuyên truyền tốt nhất về các nghị quyết phát triển thành phố", ông Phước nêu.
Ông cũng đề xuất lãnh đạo TPHCM, các sở ngành, địa phương cần xuất hiện trước các nguồn thông tin khi tuyên truyền về các nghị quyết thay vì các chuyên gia xuất hiện trên báo chí nhiều hơn. Vì theo ông, nếu lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố xuất hiện thì người dân sẽ tin tưởng hơn.
Ông lấy ví dụ, Chương trình Dân hỏi-Chính quyền trả lời với chủ đề về Nghị quyết 98 có sự xuất hiện của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã nhận được hơn 1 triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Nhà báo Viễn Sự, Trưởng ban Chính trị-Xã hội (Báo Tuổi trẻ) cho rằng trên địa bàn hiện còn một số sở - ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí như yêu cầu của Chủ tịch UBND TPHCM. Đáng chú ý, Chủ tịch UBND thành phố có chỉ đạo các đơn vị phải trả lời báo chí, nếu không sẽ xử lý nghiêm, nhưng thực tế vẫn có một số sở ngành không thực hiện theo chỉ đạo.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho rằng cơ chế, chính sách thì luôn có điểm nghẽn, vì vậy muốn phát huy lợi thế của báo chí thì phải chủ động cung cấp nguồn tin cho báo chí. Thông tin cung cấp phải rõ ràng và có chiều sâu.
Theo ông, không thể đòi hỏi truyền thông chính sách chất lượng mà không cung cấp thông tin hoặc không thực sự tin tưởng báo chí.
Ngoài ra, thành phố cần xác định và củng cố tâm thế đồng hành cùng báo chí; đồng thời đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng báo chí theo Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách. Các đơn vị, địa phương cần bố trí cán bộ phụ trách truyền thông chính sách.
Ban Tổ chức tọa đàm đã nhận được 65 bài tham luận của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố; các chuyên gia từ các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy; các sở ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức; các lãnh đạo cơ quan báo chí, xuất bản Trung ương và TPHCM.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê nhận định, các tham luận đã nêu bật được vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông chính sách, đồng thời đề ra các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy mạnh mẽ truyền thông chính sách.
Ông Khuê cho biết Ban tổ chức ghi nhận toàn bộ các ý kiến góp ý và sẽ tổng hợp, báo cáo Thường trực Thành ủy những vấn đề trọng tâm, đồng thời đề xuất nội dung định hướng báo chí-xuất bản tuyên truyền thời gian tới.
Tọa đàm tập trung chia sẻ, thảo luận các mô hình, giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm phát triển thành phố ở tất cả lĩnh vực của chính quyền thành phố, hướng đến mục tiêu xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Đồng thời, qua tọa đàm, tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản thành phố và cơ quan báo chí, xuất bản trung ương đóng trên địa bàn trong việc đồng hành tuyên truyền, đóng góp, hiến kế thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về phát triển TPHCM.