Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Không thể không thấy sân Mỹ Đình

Quỳnh Đan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Bạn có biết một sân bóng đá dùng thi đấu trong các giải quốc gia rộng cỡ nào không? Theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), một sân như vậy phải có chiều dài từ 90-120 mét và chiều rộng từ 45-90 mét, với chiều dài lớn hơn chiều rộng(1).

Từ năm 2007, một sân có kích thước chuẩn quốc tế phải dài 105 mét và rộng 68 mét (7.140 mét vuông). Sân Mỹ Đình ở Hà Nội có kích thước đúng với chuẩn này.

Đây chỉ là kích thước của sân bóng đá trong chu vi đó các cầu thủ vờn nhau với quả bóng tròn. Diện tích của cả một sân vận động lớn hơn nhiều, tùy thuộc vào sức chứa khán giả. Ví dụ, sân Mỹ Đình, một trong những sân vận động liên hợp lớn nhất Việt Nam với hơn 40.000 chỗ ngồi, có diện tích lên đến 17,5 héc ta (175.000 mét vuông).

Chỉ riêng diện tích mặt sân đã rất rộng. Nếu trước mắt một người bình thường là một sân bóng, người ấy ắt phải thấy nó. Còn nếu trước mắt là cả một sân vận động tầm cỡ Mỹ Đình, người ấy càng không thể không thấy nó.

Ấy vậy mà người ta đã không “thấy” kịp thời để ngăn chặn các vụ phá rừng nghiêm trọng diễn ra gần đây ở tỉnh Quảng Trị cho đến khi nó lan rộng đến diện tích gấp 26 lần diện tích một sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế và rộng hơn cả sân vận động quốc gia Mỹ Đình!

Báo chí đưa tin ngày 27-4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký công văn hỏa tốc gửi các cơ quan liên quan, gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND Huyện Đakrông, yêu cầu xử lý nghiêm hành vi phá rừng tự nhiên trên diện rộng trong tháng ba và tháng tư năm nay tại các tiểu khu ở xã Đakrông, huyện Đakrông, thuộc tỉnh nhà.

Trước đó, Hạt kiểm lâm huyện Đakrông cho biết họ phát hiện nhiều điểm rừng bị xâm hại với tổng diện tích lên đến khoảng 18,6 héc ta (186.000 mét vuông, xin nhắc lại gấp 26 lần diện tích sân bóng đá và lớn hơn sân Mỹ Đình chỉ rộng 175.000 mét vuông).

Công văn của chủ tịch tỉnh yêu cầu sở nông nghiệp báo cáo trách nhiệm của ngành nông nghiệp, của lực lượng kiểm lâm. Đối với chính quyền sở tại, UBND huyện Đakrông phải khẩn trương làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phá rừng để xử lý nghiêm.

Báo chí dẫn lời ông Hồ Thanh, Chủ tịch UBND xã Đakrông, cho rằng vụ vi phạm do đồng bào dân tộc Vân Kiều sống bằng nghề nông phá rừng làm rẫy(2). Điều này có thể đúng, nhưng không có gì mới, và vụ phá rừng không phải chỉ trên diện tích nhỏ hẹp. Vì thế, các cơ quan chức năng khó có thể thoái thác trách nhiệm trong việc “kiểm tra, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân… buông lỏng, lơ là trong công tác quan lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là các trường hợp bao che, tiếp tay cho lâm tặc nếu có”(3).

Đáng chú ý, Chủ tịch tỉnh cũng đã yêu cầu sở nông nghiệp tỉnh và UBND huyện Đakrông phải cho biết nguyên nhân vì sao vụ xâm hại rừng nghiêm trọng đã bị phát hiện từ đầu tháng Tư mà không báo cáo kịp thời cho cấp trên.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Trị, tỉnh này có diện tích đất rừng sản xuất là 119.541 héc ta trong tổng diện tích đất tự nhiên 473,744 héc ta, với sản lượng gỗ khai thác năm 2018 là 850.000 mét khối(4). Trang mạng của tỉnh cũng nêu rõ điều kiện khí hậu thời tiết của Quảng Trị khắc nghiệt, thường hạn hán vào mùa khô và lũ lụt mùa mưa. Vì vậy, “trồng rừng đầu nguồn để giữ nước chống lũ lụt nhằm ổn định sản xuất và đời sống có ý nghĩa to lớn cần được quan tâm”, trang mạng này viết.

Đã từ lâu, trong nhiều trường hợp, nạn phá rừng giống như hiện tượng “bắt cóc bỏ đĩa”: đã phát hiện, đã xử lý, nhưng lại tiếp tục không biết khi nào mới chấm dứt. Cho nên, việc Quảng Trị – và cả Việt Nam – vừa mất thêm một diện tích rừng lớn hơn cả sân vận động quốc gia Mỹ Đình không nên chỉ xử lý qua loa, rồi cho qua.

Như đã nói ở trên, báo chí nhấn mạnh lần này Chủ tịch tỉnh Quảng Trị đã truy vấn cấp dưới lý do vì sao không báo cáo kịp thời cho ông. Hy vọng, sự chất vấn này sẽ có kết quả để đáp ứng được sự quan tâm của dư luận muốn biết điều gì đã làm tê liệt tầm nhìn của các cơ quan chức năng khiến họ không thể thấy cả một sân Mỹ Đình ngay trước mắt.

———-

(1) https://thethaovn365.com/kich-thuoc-dien-tich-san-bong-da/

(2) https://nld.com.vn/thoi-su/rung-tu-nhien-o-quang-tri-bi-tan-pha-quy-mo-lon-20220419221932757.htm

(3) https://nld.com.vn/thoi-su/chu-tich-tinh-quang-tri-truy-ly-do-biet-rung-bi-pha-nhung-khong-bao-cao-20220427104115109.htm

(4) https://www.quangtri.gov.vn/xem-chi-tiet-gioi-thieu-tong-quan/-/view-article/1/3500113539863336577/1573630224087

1 BÌNH LUẬN

  1. Đây không phải là sai sót của vài cá nhân hoặc tổ chức, mà là sai phạm của cả một hệ thống tổ chức quản lý của địa phương. Mặc dù có sự phản ứng muộn màng của người lãnh đạo cao nhất cấp tỉnh, nhưng sự việc đã không thể nào cứu vãn được nữa. Lý do bào chữa sẽ là gì, không ai biết được. Nhưng rất tiếc, đây không phải là hiện tượng cá biệt mà đã và đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương khác. Hết biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới