Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Không thể quản lý thuế kiểu ‘dễ mình, khó người’

Lê Triết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Với quyền lực và công cụ trong tay, thiết nghĩ rằng cơ quan thuế có thể thiết kế được những cơ chế giám sát, phát hiện kịp thời những doanh nghiệp lập ra chỉ để mua bán hóa đơn trục lợi. Còn lỡ để xảy ra trường hợp các doanh nghiệp xuất hóa đơn bán hàng rồi sau đó trốn biệt, thì cũng thiết nghĩ, việc khắc phục hậu quả phải hoàn toàn là trách nhiệm của các cơ quan này.

Nhưng thời sự mấy hôm nay trên báo chí cho thấy, việc để xuất hiện những “hóa đơn ma” lại như có vẻ là lỗi của những người mua hàng lấy hóa đơn.

Chuyện là, mới đây có thể đến hàng ngàn doanh nghiệp đang được cơ quan thuế yêu cầu giải trình lý do “mua hàng của công ty không có thực”, “mua phải hóa đơn của doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn điện tử”(*).

Theo như Tuổi Trẻ Online ngày 30-6-2023 ghi nhận, có nhân viên doanh nghiệp cho biết trước khi mua, doanh nghiệp cũng đã tra trang "masothue.com" trên cổng thông tin, công ty bên bán vẫn hoạt động bình thường, hóa đơn điện tử được Tổng cục Thuế cấp mã hợp lệ… Doanh nghiệp mua thật, có hóa đơn chứng từ đúng theo quy định của pháp luật và được Tổng cục Thuế cấp mã xác nhận nhưng giờ lại nói hóa đơn "ma"(**).

Cũng theo bài báo trên, ở một doanh nghiệp khác, người đại diện doanh nghiệp cho biết đã bị "dính" hai hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, gồm hóa đơn mua hàng làm quà tặng và hóa đơn tiếp khách. "Chúng tôi phải chứng minh việc mua bán là có thật. Nhưng quà đã tặng rồi, còn hóa đơn ăn uống, tiếp khách thì chứng minh làm sao?...”, người này nói.

Hai “ca” vừa nêu chỉ là đơn cử, chắc rằng số trường hợp có hoàn cảnh “tình ngay, lý… khó chứng minh” giống như vậy sẽ rất nhiều. Và sẽ còn nhiều hoài hoài trong tương lai nếu cứ theo cách làm hiện nay, rằng doanh nghiệp bán hàng trốn được cứ trốn, chỉ cần kêu người mua hàng lên giải trình. Bởi, tính sơ sơ như hiện nay, “theo Tổng cục Thuế, đã có hơn 4 tỉ hóa đơn điện tử được phát hành. Và thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân gian lận trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm chiếm đoạt tiền thuế”(***).

Tất nhiên là, cơ quan thuế chỉ kêu lên giải trình. Chừng nào mà giải trình không suôn thì tính tiếp. Đoán chừng là không đơn giản, bởi cũng có thể bị truy cứu hình sự về… tội gian lận. Cái dễ đang nằm ở người nghe giải trình, còn cái khó chuyển sang cho người giải trình, phải chứng minh cho được mình không gian lận. Không rõ rằng những người mua hàng trung thực trong mọi trường hợp đều luôn chứng minh được dễ dàng là mình không hề gian lận hay không. Chứ như trường hợp nêu ở trên rằng có những hóa đơn không biết làm sao chứng minh, thế là “gay go” rồi! Thông cảm lắm của cơ quan thuế là cho doanh nghiệp được loại khoản mua hàng này ra khỏi chi phí hợp lệ, kê khai thuế lại và bị tính tiền chậm nộp. Nhưng như có doanh nghiệp than, nếu có nhiều khoản mua hàng và với số tiền lớn mà không được đưa vào chi phí hợp lệ thì quá là thiệt thòi!

Nhà nước giao nhiệm vụ cho cơ quan thuế đồng thời cũng trao quyền lực và công cụ thực thi vai trò quản lý. Các cơ quan này bằng cơ chế nào đó phải kiểm soát cho được, hạn chế đến mức tối đa những doanh nghiệp lập ra để mua bán hóa đơn, phải phát hiện kịp thời doanh nghiệp bỏ trốn. Pháp luật về thuế hoàn toàn cũng có thể được điều chỉnh theo hướng xử lý thật nặng để không cá nhân, tổ chức nào dám nghĩ đến chuyện thành lập doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn.

Còn việc ứng xử của cơ quan thuế với người mua hàng lấy hóa đơn mà sau đó phát hiện người bán hàng bỏ trốn, thay vì bắt người mua hàng giải trình chứng minh, thì chính cơ quan thuế mới phải là người có trách nhiệm chứng minh rằng hóa đơn đó có được công nhận hợp lệ hay không, mua trước hay mua sau khi doanh nghiệp đó bỏ trốn. Trường hợp cần thiết mới liên hệ với người mua hàng với tư cách là người có liên quan. Với công nghệ, kỹ thuật quản lý hiện đại như ngày nay, điều này chắc không khó.

Cũng qua sự việc này, bản thân những người mua hàng cần đặt ra những nguyên tắc trong việc yêu cầu xuất hóa đơn điện tử; thông qua các dữ liệu do ngành thuế cung cấp cùng với việc tìm hiểu cặn kẽ của chính mình để không phải rơi vào hoàn cảnh lấy nhầm hóa đơn “ma”.

----------

(*), (**), (***) Hàng ngàn doanh nghiệp phải giải trình, sao 'tiên tri' nổi người bán có bỏ trốn không? - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

6 BÌNH LUẬN

  1. Khi phát hành hóa đơn có mã của CQT thì đương nhiên dữ liệu của CQT có ghi nhận hóa đơn và website hoadondientu.gdt.gov.vn cũng thể hiện cả bên bán hàng lẫn bên mua. Vậy nếu bên bán hàng chậm nộp hay bỏ trốn thì trách nhiệm quản lý, thu và truy thu là của CQT, sao lại quy ngược cho bên mua hàng. Cách làm này chứng tỏ CQT bất lực và đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp.

    • Trả lời tới Quyen Pham: Vậy mới đau! Giờ phải loại ra nốt! Hàng mua xong trả tiền! chuyển khoản ok hết, giờ nói công ty mua hàng nằm trong danh sách đen, hóa đơn ma. Nỗi đau này ai hiểu?

  2. Luật pháp về thuế bây giờ như đám rừng u minh, sửa đổi bổ sung không biêt bao nhiêu lần mà chẳng thể quản lý được việc mua bán hóa đơn. Nếu có sự bình đẳng và tôn trọng người nộp thuế thì không phải là việc yêu cầu người nộp thuế lên giải trình theo kiểu ép buộc loại trừ hóa đơn này ra khỏi chi phí, mà việc chứng minh có gian lận hay không thuộc cơ quan thuế. Hàng ngàn doanh nghiệp phải xếp lịch làm việc với cơ quan thuế là sự thất bại của chính sách, của những người làm luật mà không hiểu luật hoặc thể hiện mình ở chiếu trên (kèo trên). Nếu có vụ ra tòa tôi không hiểu cơ quan thuế và cán bộ thuế mình dùng luật nào để đối chất đây. Trong số người nộp thuế đó tôi luôn chắc rằng có người mua thât và giả, nhưng cá nhân đại diện nhà nước có cách làm việc như thế thì không còn gì để bàn.

  3. Phương châm “nuôi dưỡng nguồn thu/ chu đáo nguồn chi” đã từ lâu không còn được vận dụng đúng đắn trong thực tiễn quản lý kinh tế xã hội một cách hợp lý.

    • Trả lời tới Nguyễn Quý: Đúng ạ, cqt làm việc như vậy thì sao đại diện nhà nước được, không quản lý được lại quy cho người mua. Cần xem lại.

  4. Không biết các cô, các chú có thẩm quyền trong vấn đề này có đọc được bài viết này không? Hy vọng là đọc được và có trách nhiệm để từ đó tìm ra biện pháp quản lý phù hợp, tránh đá trái banh sang DN.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới