Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khu công nghiệp trong cuộc chuyển đổi xanh để tăng tính cạnh tranh và bền vững

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp phát triển bền vững.

Để chuyển đổi KCN theo hướng xanh, bền vững thành công thì cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật và ưu đãi thực sự từ các đối tác phát triển.

Thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện” diễn ra ngày 15-9 tại TPHCM.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu chủ trì tại hội thảo

Chuyển đổi để phát triển bền vững

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, bên cạnh những đóng góp quan trọng, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) cùng nền kinh tế cũng đối diện với không ít thách thức.

Việc phát triển KCN, KKT theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần…

Vì vậy, Thứ trưởng Ngọc cho rằng, việc phát triển KCN, KKT cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, khuyến khích phát triển KCN, KKT sinh thái.

Với 403 KCN đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, bà Ngọc nói.

Tổng lãnh sự Thụy Sỹ tại TPHCM Werner Bardill cho biết, ở cấp độ KCN và doanh nghiệp, hiện nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư và thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn. Ông hy vọng ngày càng có nhiều KCN tại Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi này để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Cần sự cam kết hỗ trợ từ các đối tác phát triển

Tại hội thảo, đại diện các KCN, KKT tại các địa phương đã trao đổi nhiều vấn đề vướng mắc trong phát triển KCN sinh thái như vấn đề xử lý rác thải, môi trường trong KCN, KKT; chính sách ưu đãi thuế; vấn đề sử dụng đất đai;…

Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn tại các KCN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Ảnh minh họa: TL

Đơn cử với những mô hình KCN, KKT có sẵn và thực hiện chuyển đổi sang phát triển KCN sinh thái thì liệu có đạt được tiêu chí như KCN, KKT được thực hiện xây dựng mới hay không? Do đó, cần phải có bộ tiêu chí riêng cho những KCN, KKT chuyển đổi.

Đại diện Ban quản lý KKT Hải Phòng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần có văn bản chỉ đạo, định hướng về nhu cầu phát triển, chuyển đổi KCN sinh thái, để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai, tạo ra trào lưu mới hưởng ứng phát triển KCN sinh thái.

Là địa phương đang thí điểm triển khai KCN sinh thái tại KCN Hòa Khánh và đã bước sang giai đoạn 2, đại diện quản lý KCN thành phố Đã Nẵng cho biết trong quá trình triển khai, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuần hoàn chất thải trong các doanh nghiệp; nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ còn nhiều hạn chế, các thủ tục, giấy tờ còn nhiều khó khăn…

Thứ trưởng Ngọc cũng cho rằng để phát huy hiệu quả mô hình KCN sinh thái, thời gian tới cần có thêm các hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của các Bộ ngành và hướng dẫn về kỹ thuật từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, đặc biệt đối với các mạng lưới cộng sinh công nghiệp và giải pháp kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, việc bổ sung chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái.

Tại Việt Nam, từ 2015-2019, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với UNIDO, SECO và các nhà tài trợ khác triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ.Cụ thể, đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỉ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỉ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 kilo tấn khí CO2 hằng năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm nhân rộng mô hình KCN sinh thái.Bộ KH&ĐT đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới KCN sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyễn đổi KCN.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới