Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khu dự trữ sinh quyển không thể là cứ điểm cuối cùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khu dự trữ sinh quyển không thể là cứ điểm cuối cùng

Ricky Hồ

(KTSG Online) – Khu dự trữ sinh quyển ngoài chức năng bảo tồn thiên nhiên, còn thực hiện chức năng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch sinh thái và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học và giáo dục. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại đồng tình cho rằng bảo vệ sự đa dạng sinh học không thể quy về một mối. Tức là các khu dự trữ sinh quyển không thể là cứ điểm cuối cùng của chiến tuyến chống lại sự hủy diệt thiên nhiên.

Bảo vệ sự đa dạng sinh học phải thực hiện rộng khắp, có chính sách khoa học và hợp lý ngay từ đầu. Trong quá trình bảo vệ sự đa dạng đó, con người đã phải trả giá cho những sai lầm và cũng gặt hái những thành quả khiêm nhường bước đầu.

Khu dự trữ sinh quyển không thể là cứ điểm cuối cùng
Học sinh Thái Lan đi tham quan khu dự trữ sinh quyển rừng đước ở Ranong. Ảnh: UNESCO

Phá rừng, thủy điện và khai khoáng 

Đông Nam Á còn có ít nhất 6 trong 25 “điểm nóng đa dạng sinh học toàn cầu”, là khu vực đa dạng động thực vật, nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là nơi sinh sống của 20% loại động thực vật trên thế giới và là khu rừng nhiệt đới lớn thứ ba trên thế giới.

Bên cạnh sự đa dạng sinh học này, Đông Nam Á còn có tỷ lệ cao về sự phát hiện các giống loài mới, với 2.216 giống loài mới được phát hiện trong giai đoạn 1997-2014.

Đa dạng sinh học ở Đông Nam Á đang bị đe dọa, một số nơi được dự báo sẽ mất đến 98% diện tích rừng hiện tại trong vòng 10 năm tới. Chính vì thế, Đông Nam Á cũng được xem là khu vực có các loài động vật đang bị đe dọa nhiều nhất thế giới.

Một tài liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chỉ ra rằng: “Sự mong manh về đa dạng sinh học trong khu vực, đáng tiếc, lại bị truyền thông thế giới bỏ qua. Tỷ lệ xuất bản các ấn phẩm về nghiên cứu đa dạng sinh học thấp hơn bất cứ khu vực nhiệt đới nào. Vì thế, không phải ngạc nhiên khi biết rằng Đông Nam Á có tỷ lệ phá rừng lớn nhất hành tinh, 14,5% diện tích rừng đã mất trong 15 năm qua. Chẳng hạn, Philippines đã mất 89% diện tích rừng nguyên thủy khi các khu rừng này bị chuyển thành đất nông nghiệp”.

Tuy nhiên, phá rừng không phải là nguyên nhân hủy diệt thiên nhiên duy nhất. Việc xây dựng các đập nước, khai phá các vùng đầm lầy và khai mỏ cũng góp phần thu hẹp môi trường tự nhiên, nguồn sống của con người. 
Đông Nam Á có nhiều con đập đang trong kế hoạch xây dựng nhiều nhất thế giới. 78 con đập trên sông Mekong nếu được xây dựng sẽ làm luồng cá di cư giảm 20-70%, bên cạnh đó là các vấn đề ngập lụt và khô hạn cục bộ. Nguồn cá suy giảm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của 65 triệu dân trong khu vực.

Sự khô cạn các đầm lầy tạo ra các nguy cơ mới khi xét đến tầm quan trọng của chúng đối với 50 triệu chim di cư sinh sống ở đầm lầy. Khoảng 80% đầm lầy ở Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi các kế hoạch chuyển sang đất nông nghiệp hay các dự án phát triển khác.

Hoạt động khai khoáng cũng bị xem nhẹ trong các nguy cơ gây tổn hại đa dạng sinh học, đặc biệt là các núi đá vôi vốn bao phủ diện tích 800.000km2 ở Đông Nam Á. Đến nay, mỗi hệ sinh thái được khám phá là nơi cư trú của hơn 10 loài chưa tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Hệ sinh thái các núi hay hang động đá vôi đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hoạt động khai thác và chế tạo xi măng. Nhưng trên thực tế, sự quan tâm và bảo vệ hệ sinh thái ở khu vực này chưa được xem trọng. Cho đến giờ, các nhà khoa học vẫn chưa thể thống kê chính xác số loài bị tuyệt chủng do khai thác núi đá vôi hàng năm.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là một hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên có giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa, lịch sử và là một phần của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, được UNESCO công nhận vào tháng 5-2009. Ảnh: TTXVN

Những sai lầm đắt giá trong tái tạo rừng

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản kêu gọi người dân trồng lại rừng để lấy gỗ phục vụ công cuộc tái thiết và chống lở đất mùa mưa. Vì không chú trọng đến đa dạng sinh học, nước Nhật phải trả giá đắt về sinh thái và tài chính nhiều năm sau đó.

Thay vì trồng các loài cây lá rộng như dẻ gai, Nhật Bản lại chọn hai loài cây phát triển nhanh là cây thường xanh hinoki và cây thường xanh sugi. Tại một số địa phương, rừng bản địa bị đốn hạ để trồng cây thường xanh. Cuối cùng 44% diện tích rừng ở Nhật được chuyển đổi thành rừng trồng một hoặc hai loài cây nêu trên.

Nguồn gỗ giá rẻ nhập từ Đông Nam Á đã khiến việc đốn hạ cây thường xanh bị lãng quên. Vấn đề đã xảy ra: Lượng phấn hoa loại cây này giải thoát ra không khí vào mùa xuân rất lớn, khiến bệnh viêm mũi dị ứng vì sốt hoa cỏ (hay fever) bùng phát, gây thiệt hại ước tính khoảng 2 tỉ đô la mỗi năm, phần lớn do năng suất lao động giảm và số ngày nghỉ bệnh nhiều hơn.

Trung Quốc, Pakistan, Brazil và Úc đều có những bài học tương tự Nhật Bản. Chuyện độc canh chỉ một loại cây do tốc độ phát triển nhanh của loại cây này khiến mất cân bằng sinh thái khi cây hút nước quá nhiều và là “sinh vật chủ” hấp dẫn một loại côn trùng nào đó.

Nhiều tỉnh ở Trung Quốc do muốn đẩy mạnh chỉ tiêu trồng rừng trong những thập niên 1970-1980 đều chọn cây dương vì phát triển nhanh và chịu được mùa đông khô lạnh. Trong những năm 1990, hầu hết các cây dương đã chết do bọ cánh cứng rất thích gỗ mềm. Các tỉnh chỉ thị đốn hạ hàng triệu cây dương. Gỗ cây được chế biến thành thùng hàng xuất khẩu. Từ đây, ấu trùng bọ cánh cứng có cơ hội phát tán sang châu Âu và Bắc Mỹ.

"Trồng cây độc canh trên vùng đất suy thoái tốt hơn là không trồng gì cả. Giải pháp tốt nhất là trồng nhiều loài cây hỗn hợp. Càng nhiều loài, các chức năng của hệ sinh thái sẽ càng gia tăng". Giáo sư Bernhard Schmid tại Đại học Zurich nhận xét.

Khu dự trữ sinh quyển Belambangan của Indonesia. Ảnh: UNESCO

Giao rừng cho cộng đồng

Indonesia có đến 13 khu dự trữ sinh quyển, đứng đầu trong nhóm nước Đông Nam Á. Tại đây, nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu đối với đất lâm nghiệp nhưng luật sửa đổi năm 1999 đã tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện nhiều mô hình quản lý lâm nghiệp cộng đồng. Tại Sumber Jaya (tỉnh Lampung), các hợp đồng đầu tiên được ký kết với cộng đồng vào năm 2000 với thời gian thử thách ban đầu 5 năm, sau đó gia hạn đến 25 năm.

Hiện hai mô hình lâm nghiệp cộng đồng phổ biến và gần đây nhất tại Indonesia là rừng cộng đồng và rừng thôn bản.

Tính đến tháng 6-2020, Indonesia đã giao khoảng 4,2 triệu ha trong chỉ tiêu 12,7 triệu ha. Lampung là câu chuyện điển hình về thành công của mô hình. Tỉnh này đã có 83.000 hộ tham gia quản lý khoảng 198.000ha đất rừng.
Tại một số làng, thu nhập hằng năm của mỗi hộ đã tăng từ 170 đô la/năm lên 2.730 đô la/năm. Các gia đình đã đa dạng hóa nguồn thu nhập như nuôi cua, chế biến mật ong, làm than gáo dừa, làm hàng mây tre lá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới