Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Khủng hoảng bất động sản có thể khiến các ngân hàng Trung Quốc mất 356 tỉ đô la

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các ngân hàng của Trung Quốc có thể đối mặt với khoản lỗ ở mảng cho vay thế chấp lên đến 356 tỉ đô la Mỹ trong kịch bản xấu nhất của cơn khủng hoảng bất động sản hiện nay sau khi người mua nhà đồng loạt tẩy chay thanh toán vay thế chấp ở các dự án bị đình trệ.

Một dự án căn hộ của Tập đoàn China Evergrande Group ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Gần 7% tổng dư nợ cho vay thế chấp mua nhà đối mặt rủi ro

Một loạt các dự án bất động sản dừng thi công do chủ đầu tư cạn vốn đã làm giảm sút niềm tin của hàng trăm ngàn người mua nhà, dẫn đến một cuộc tẩy chay thanh toán vay thế chấp ở hơn 90 thành phố trên khắp Trung Quốc. Theo Financial Times, cho đến nay, người mua nhà đang từ chối thanh toán vay thế chấp ở hơn 300 dự án bất động sản, tăng so với con số 200 dự án vào đầu tháng. Biến cố này gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro cho hệ thống tài chính rộng lớn hơn. Câu hỏi lớn bây giờ là liệu làn sóng tẩy chay này sẽ phá hủy hệ thống ngân hàng trị giá 56 ngàn tỉ đô la của Trung Quốc đến mức nào.

Trong kịch bản xấu nhất, S&P Global Ratings ước tính khoảng 2,4 ngàn tỉ nhân dân tệ (356 tỉ đô la), tương đương 6,4% tổng dư nợ cho vay thế chấp bất động sản, đang gặp rủi ro mất khả năng thanh toán. Trong khi đó, Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) cảnh báo ít nhất 7% tổng dư nợ cho vay thế chấp mua nhà ở Trung Quốc đang gặp nguy hiểm. Cho đến nay, các ngân hàng đại chúng của Trung Quốc báo cáo chỉ có 2,1 tỉ nhân dân tệ trong các khoản thế chấp quá hạn thanh toán bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc tẩy chay nói trên.

Zhiwu Chen, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Hồng Kông, nhận định: “Các ngân hàng Trung Quốc bị mắc kẹt trong tình thế bế tắc. Nếu họ không giúp các nhà phát triển bất động sản hoàn thành các dự án, họ sẽ mất nhiều hơn. Nếu hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản, chính phủ tất nhiên sẽ hài lòng, nhưng điều đó sẽ càng khiến họ tăng mức tiếp xúc rủi ro với các dự án bất động sản bị trì hoãn”.

Bắc Kinh đang xem nhiệm vụ ổn định tài chính và xã hội là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, đại dịch Covid làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, sản xuất và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng lên mức cao kỷ lục.

Những giải pháp mà giới chức trách đề xuất để xử lý làn sóng tẩy chay thanh toán vay thế chấp bao gồm đưa ra thời gian ân hạn thanh toán vay thế chấp và thành lập một quỹ được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hậu thuẫn để cung cấp vốn vay thêm cho các nhà phát triển bất động sản, giúp họ hoàn thành các dự án dang dở. Dù là giải pháp nào đi nữa, các ngân hàng Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đóng một vai trò tích cực trong một gói giải cứu được triển khai dưới sự điều phối của nhà nước.

Nợ xấu ở các ngân hàng tăng nhanh

Mức độ tiếp xúc của các ngân hàng Trung Quốc đối với lĩnh vực bất động sản cao hơn so với bất kỳ ngành nào khác. Theo dữ liệu của PBoC, tính đến cuối tháng 3, các ngân hàng Trung Quốc có dư nợ cho vay thế chấp 39 ngàn tỉ nhân dân tệ ở những người mua nhà và dư nợ 13 ngàn tỉ nhân dân tệ ở các công ty phát triển bất động sản.

Trong một báo cáo gần đây, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn quản lý Teneo Holdings, Gabriel Wildau nhận định thị trường bất động sản là “nền tảng quan trọng nhất” đối với sự ổn định tài chính của Trung Quốc.

Khi giới chức trách hành động để kiểm soát cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay, những ngân hàng có mức độ rủi ro cao có thể bị giám sát chặt chẽ hơn. Các khoản thế chấp chiếm khoảng 34% tổng dư nợ cho vay tại Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc vào cuối năm 2021 vượt mức giới hạn mà nhà nước đặt ra là 32,5% đối với các ngân hàng lớn nhất.

Theo nhà phân tích Lucia Kwong của Ngân hàng Deutsche Bank, khoảng 7% dư nợ cho vay thế chấp mua nhà ở các ngân hàng Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu tình trạng vỡ nợ lan rộng. Bà cho biết con số ước tính đó có thể vẫn còn thận trọng do khả năng tiếp cận thông tin về các dự án bất động sản ở Trung Quốc bị hạn chế.

Theo một báo cáo của hai nhà phân tích Francis Chan và Kristy Hung ở Bloomberg Intelligence, để hạn chế tác động của cơn khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc có thể sử dụng vốn dư thừa và các khoản dự phòng cho vay thặng dư với tổng trị giá tới 4,8 ngàn tỉ nhân dân tệ tại 10 ngân hàng lớn nhất của đất nước.

Các ngân hàng Trung Quốc đã huy động được một lượng vốn kỷ lục trong nửa đầu năm 2022 từ các đợt phát hành trái phiếu khi họ chuẩn bị ứng phó cho rủi ro nợ xấu tăng đột biến. Dữ liệu của Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc cho thấy nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng thêm gần 107 tỉ nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay, lên mức 2.950 tỉ nhân dân tệ. Đó là mức nợ xấu cao nhất trong sáu tháng kể từ cao trào của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc vào nửa đầu năm 2020.

Nợ xấu ở các ngân hàng Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên các mức cao kỷ lục và gây căng thẳng hơn nữa cho một nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Doanh số bán nhà giảm sâu

Trong khi tổng nợ trên GDP của Trung Quốc dự kiến tăng lên mức kỷ lục mới trong năm nay, người tiêu dùng nước này đang hạn chế vay nợ. Điều đó đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về nguy cơ Trung Quốc rơi vào tình trạng “suy thoái bảng cân đối kế toán”, một dạng suy thoái kinh tế xuất hiện khi các mức nợ cao ở khu vực tư nhân khiến người dân và giới doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu và đầu tư, dẫn đến tăng trưởng kinh tế suy giảm.

Tăng trưởng thu nhập khả dụng của người dân đang đang tăng chậm lại, càng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người mua nhà. Xu hướng giá nhà giảm đã lan rộng đến 48 trong số 70 thành phố lớn vào tháng 6, tăng so với 20 thành phố trong tháng 1. Theo dữ liệu sơ bộ của Công ty China Real Estate Information Corp, 100 nhà phát triển bất động sản chứng kiến doanh số bán nhà suy giảm sâu hơn trong tháng 7, với mức giảm 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 523,1 tỉ nhân dân tệ (77,5 tỉ đô la).

S&P Global dự báo doanh số bán nhà ở Trung Quốc có thể giảm tới 33% trong năm nay trong bối cảnh cuộc tẩy chay thanh toán vay thế chấp vẫn chưa hạ nhiệt, thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản bị siết chặt hơn nữa. Theo Teneo Holdings, khoảng 28 trong số 100 nhà phát triển hàng đầu của Trung Quốc đã không trả được nợ trái phiếu hoặc thương lượng gia hạn nợ với các chủ nợ trong năm qua.

Đầu tư bất động sản, động lực thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và dịch vụ ở Trung Quốc, giảm 9,4% trong tháng 6.

Sau khi ghi nhận mức tăng lợi nhuận mạnh nhất trong gần một thập niên vào năm ngoái, các ngân hàng Trung Quốc đang trải qua năm 2022 đầy thách thức khi chính phủ gây áp lực buộc họ phải hỗ trợ nền kinh tế bất chấp điều này có thể làm suy giảm lợi nhuận của họ.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup ước tính tăng trưởng đầu tư bất động sản chậm lại 10 điểm phần trăm sẽ dẫn đến tổng nợ xấu ở các ngân hàng Trung Quốc giảm 28 điểm cơ bản, nghĩa là lợi nhuận của họ trong năm 2022 sẽ giảm 12%.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới