(KTSG) - Từ những lon sữa non nhập ngoại, đến sữa bột chứa yến sào, đông trùng hạ thảo, thậm chí chữa bách bệnh, được những người có ảnh hưởng hết lời ca tụng, hóa ra tất cả chỉ là cú lừa ngọt ngào cho người tiêu dùng. Người ta đã bàn luận quá nhiều về vấn đề pháp luật, thực thi, kiểm soát hàng hóa trên thị trường, nhưng liệu có còn nguyên nhân nào khác liên quan đến căn tính của con người.
- Phản biện quảng cáo sức khỏe: Làm sao để biết sản phẩm có thực sự hiệu quả?
- Sức khỏe tâm thần tuổi teen: Cần hiểu đúng để hành động đúng

Khi Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất sữa giả lên đến gần 600 nhãn hàng, người tiêu dùng hoang mang bởi không ít trong số đó được chính bác sĩ kê đơn. Giữa lùm xùm dư luận, người ta tìm đến phỏng vấn một vị bác sĩ nhi khoa đầu ngành ở thành phố lớn - người được cho là thường xuyên kê loại sữa nằm trong danh sách hàng giả vừa bị phanh phui.
Lý giải của bác sĩ này, dưới góc độ là một người công tác trong lĩnh vực pháp luật, tôi không khỏi gật gù là rất có lý. Ông cho rằng chính bác sĩ cũng là nạn nhân của bê bối sữa giả, bởi họ không thể nào kiểm chứng, mà hoàn toàn phụ thuộc vào việc cấp phép lưu hành của Bộ Y tế. Hơn nữa, sữa giả không phải là chứa độc tố, mà thực chất là không đạt tiêu chuẩn so với thành phần công bố.
Có thật rằng, ai cũng là nạn nhân?
Giải thích nói trên quả thật là phù hợp với pháp luật hiện hành. Do chưa có quy định cụ thể, cơ quan chức năng thường dựa vào căn cứ hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hay ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa khi truy cứu trách nhiệm đối với hàng giả.
Nhưng để nói rằng bác sĩ “cũng là xui thôi, vì đâu biết chất lượng sản phẩm” thì e rằng thấu lý mà khó đạt tình. Làm sao người tiêu dùng chấp nhận được họ phải trả nhiều tiền đến phòng khám tư, để vị chuyên gia đó lại bảo không biết sữa kê trong đơn là gì? Thà rằng bác sĩ chỉ kê tên thành phần, chứ đằng này ghi rõ tên sản phẩm thì khó lòng thuyết phục.
Tôi chợt nhớ lại mẩu chuyện nhỏ chính mình trải qua để vớt vát rằng, bất kỳ ai mà chẳng có sai lầm. Trong thời gian đi học ở nước ngoài, tôi được cô bác sĩ thân tín lâu năm của gia đình nhắn tên một loại sữa non để mua về cho mẹ dùng. Tôi xới tung các siêu thị chính hãng ở bên đó mà chẳng thể nào tìm thấy. Mày mò một hồi, tôi mới nhận ra là rất nhiều bạn bè bên này đều được người nhà gửi gắm cùng một loại sữa đó.
Chúng tôi sớm phát hiện sự thật phũ phàng, thứ sữa non “thần thánh” mà người Việt rất ưa chuộng, hoàn toàn không được phân phối chính ngạch ở đây. Đó chỉ là một loại thức uống dạng bột được sản xuất bởi một công ty nhỏ có đăng ký tại nước này, nhưng hầu như chỉ nhằm xuất khẩu cho thị trường châu Á, nhất là Việt Nam.
Một lon sữa đó có giá không hề rẻ, thậm chí cao hơn sản phẩm sữa non khác của các hãng lớn đang được phân phối chính ngạch ở siêu thị, quầy thuốc. Rõ ràng, có cái gì đó mập mờ trong mô hình kinh doanh khiến tôi không khỏi hoài nghi về chất lượng thực sự. Dẫu vậy, tôi chưa một giây mảy may ngờ vực trình độ và lương tâm của người bác sĩ vốn rất thân quen với gia đình. Chúng tôi đã biết nhau trong một thời gian đủ dài, và hoàn cảnh đủ khăng khít để tự tin về điều đó. Lời giới thiệu hoàn toàn xuất phát từ lòng tốt. Chỉ e là, chính bác sĩ cũng thực sự không biết thành phần chất lượng của sản phẩm. Kể cả đã tự mình trải nghiệm, họ cũng chẳng thể so sánh nó với sản phẩm khác cùng loại để đánh giá mức độ tương xứng với chi phí bỏ ra.
Người giàu cũng khóc
Thông thường, các sản phẩm giả đánh vào đối tượng khách hàng có thu nhập thấp bằng sự hấp dẫn về giá. Nhưng đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chiến thuật thâm nhập dường như đã có sự thay đổi. Nhất là khi lần này, hàng hóa làm giả lại phục vụ một đối tượng đặc biệt như trẻ em và bà bầu. Hàng giả, nhưng giá thật, thậm chí cao hơn hàng thật, bởi những kẻ này biết rằng, giá cả là thứ đầu tiên quyết định phân khúc thị trường. Người tiêu dùng ngày nay đủ khôn ngoan để hiểu rằng thứ gì ngon, bổ thì khó lòng rẻ.
Người Việt ngày càng quan tâm đến sức khỏe là một thực tế. Hơn thế, phụ huynh thường có xu hướng tiết kiệm tiêu dùng cho bản thân, nhưng không ngại chi tiền để đáp ứng nhu cầu cho con cái. Dễ hiểu tại sao họ sẵn sàng trả tiền mà không cần so sánh giá thị trường cho sản phẩm sữa được bác sĩ kê trong đơn thuốc.
Nói thế lại quy chụp rằng bác sĩ là tội đồ duy nhất. Không, thực ra chỉ vài người, và cũng chiếm vai trò rất nhỏ trong cuộc khủng hoảng niềm tin này. Đấy còn chưa kể đến một bộ phận không nhỏ bác sĩ bị chiếm dụng tên tuổi, hình ảnh một cách ngang nhiên. Nó là “thành quả” của một chuỗi kỹ nghệ quảng cáo mang tính chiến lược. (i) Hiệu ứng hào quang từ người nổi tiếng: Khi một gương mặt quen thuộc xuất hiện, hồ hởi giới thiệu “tôi đã cho con mình dùng mấy năm qua, tốt lắm”, người tiêu dùng khó lòng không bị thu hút. (ii) Tạo vỏ bọc cao cấp với những danh xưng mỹ miều “100% thiên nhiên”, “organic”: chúng đánh thẳng vào nỗi sợ nội tâm của người tiêu dùng hiện đại về tồn dư chất hóa học nhân tạo trong mọi sản phẩm. (iii) Cụ thể hóa sự kỳ vọng: Chúng cũng đánh thẳng vào nguyện vọng của khách hàng, bởi thay vì các giới thiệu tăng cường sức khỏe chung chung, sữa được quảng cáo luôn là “chữa” tiểu đường chẳng hạn. (iv) Tận dụng triệt để mạng xã hội: Trong kỷ nguyên mới, phương tiện thông tin chính thống như truyền hình, báo chí từng bước nhường chỗ cho mạng xã hội. Chẳng cần tốn nhiều chi phí, hàng giả vẫn có thể đánh chính diện vào nhóm khách hàng mà họ hướng đến.
Nhưng cao hơn tất cả yếu tố đó, vũ khí lợi hại nhất đến từ “truyền miệng”. Đừng bao giờ xem thường sức mạnh của truyền miệng, chẳng thế mà “huyền thoại” như nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ sơ sinh vẫn còn lan đến tận ngày nay. Còn nhớ mấy năm về trước, khi tôi đón bé đầu lòng, người cô ruột lập tức truyền đạt kinh nghiệm ngàn xưa đó cho tôi bằng tất cả lòng chân thành.
Truyền miệng cấp độ… TikTok
Truyền miệng ngày nay đã tiến hóa đến một cấp độ cao hơn, lan tỏa rộng rãi hơn nhờ mạng xã hội. Khi một người nổi tiếng xuất hiện trên ti vi hay báo chí theo cách truyền thống, người tiêu dùng biết ngay họ đang diễn. Cũng chính người đó, nhưng khi xuất hiện với tư cách cá nhân, trên trang mạng xã hội “có tích xanh” mang tên mình, nó đại diện cho sức mạnh truyền miệng.
Trăm ngàn lời khuyên của bác sĩ, chuyên gia, cũng không đọ nổi kinh nghiệm rỉ tai bởi một người nào đó đã khỏi bệnh nhờ phương thức bí truyền. Cái căn tính này có lẽ đã tồn tại song hành với xã hội loài người từ hàng ngàn đời nay. Và đến kỷ nguyên số, nó dường như đạt đến cấp độ lây lan không gì có thể ngăn cản được, dưới chất xúc tác là xu hướng tin nhanh trong mấy chục giây do TikTok khởi xướng.
Người ta có thể thắc mắc rằng, nếu quảng cáo mà dễ dàng thế sao các hãng lớn không áp dụng? Vậy thì đừng quên, một người càng có nhiều thứ để mất, càng trở nên cẩn trọng. Bởi vì là hàng giả nên chi phí vốn của nó rất thấp, từ đó họ có ngân sách để chiết khấu cho bên trung gian, hay mời người nổi tiếng quảng cáo, thậm chí len lỏi vào bệnh viện công qua đường đấu thầu. Bởi vì là hàng giả nên họ không cần phải duy trì hình ảnh chính thống, có thể nhảy ngang bằng một quảng cáo “oang oang” chèn trên YouTube, TikTok mà chẳng lo ngại bị đánh giá. Cũng bởi vốn đã là hàng giả, thì sợ gì mà chẳng… giả thêm chút nữa, thần thánh hóa công dụng một cách vô tội vạ. Tất cả những điều trên, một hãng lớn, dù với ngân sách khổng lồ chẳng đời nào dám dại dột áp dụng vào.
Vụ 600 loại sữa giả mới đây thật ra cũng chẳng phải là cá biệt. Cứ thi thoảng, báo chí lại đưa tin về hàng giả, gồm cả sữa. Có chăng, nó là vụ việc gây rúng động nhất từng bị phanh phui ở Việt Nam. Nếu may mắn, sữa giả có thể chỉ là khuếch trương lên một chút, nhưng chẳng làm hại ai ngoài vơi hụt chút niềm tin và túi tiền. Nếu kém may, hệ quả của nó là vô cùng nghiêm trọng như ở Trung Quốc, vụ “sữa đầu to”, hoặc bê bối sữa trộn melamine, ước tính để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe hàng trăm ngàn trẻ em suốt nhiều năm sau đó.
Thường thì một bài viết như này sẽ được kết lại bằng đôi ba lời khuyến nghị. Nhưng thật tình, lần này người viết cũng loay hoay, mãi chẳng biết nên đưa ra những gì. Luật đã có, người thực thi cũng ngày ngày nỗ lực hoàn thiện. Đề xuất hướng vào nội tâm của người quảng cáo, hay sự tỉnh táo của người tiêu dùng, suy cho cùng cũng toàn sáo rỗng. Sữa giả, hàng giả, ngoài những hệ lụy tự thân của riêng nó, còn để lại một cuộc khủng hoảng niềm tin mà có lẽ phải mất rất lâu mới có thể phục hồi.