(KTSG Online) - Kể từ khi mất đi một phần ba lực lượng lao động vào đầu đại dịch, ngành dịch vụ trông giữ trẻ em của Mỹ phục hồi chậm và không đầy đủ. Các nhà kinh tế lo ngại cuộc hoảng thiếu bảo mẫu sẽ đe dọa đà phục hồi của thị trường lao động, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Mỹ. Nhiều tờ báo ở Mỹ đã gọi đây là “cuộc khủng hoảng quốc gia”.
Sau khi ghi nhận 4.500 việc làm bảo mẫu mất mát trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11, Cục Thống kê Bộ Lao động Mỹ ước tính ngành dịch vụ trông giữ trẻ mất thêm 3.700 việc làm trong tháng 12.
Đà suy giảm lực lượng lao động cùng với mức lương và phúc lợi thấp trong ngành trông giữ trẻ đã khiến các nhà kinh tế và chuyên gia chính sách lên tiếng cảnh báo: Nếu ngành này suy giảm hơn nữa, toàn bộ thị trường lao động sẽ gặp khó khăn, có thể kìm hãm tiềm năng tăng trưởng kinh tế khi nhiều bậc cha mẹ buộc phải nghỉ việc để chăm sóc con cái.
Caitlin McLean, Giám đốc các chương trình quốc tế và đa tiểu bang tại Trung tâm nghiên cứu về việc làm chăm sóc trẻ em thuộc Đại học California ở Berkeley, cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến tình trạng suy giảm việc làm chăm sóc trẻ em, điều đó đáng lo ngại đối với nhiều người đang dựa vào các dịch vụ này".
Bà giải thích thêm, mỗi khi một lớp học chuyển sang hình thức trực tuyến, một trung tâm chăm sóc trẻ em giới hạn lượng trẻ đăng ký hoặc một trung tâm trông giữ trẻ đóng cửa, các bậc cha mẹ , thường là các bà mẹ, không thể đi làm. Ngành dịch vụ trông giữ trẻ vốn hầu như không phát triển trước đại dịch. Và tình hình của ngành này càng nên bi đát hơn hơn do đại dịch.
Sarah House, nhà kinh tế cấp cao ở Ngân hàng Wells Fargo nói: “Đó là công việc khó khăn ngay cả trong những thời kỳ tốt nhất, nhưng giờ đây, chúng ta lại đang ở trong một đại dịch ”. Các rủi ro về sức khỏe gia tăng do dịch bệnh, các quy định luôn thay đổi và áp lực lạm phát đã làm gia tăng lo ngại cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Lisa Keller, người điều hành một trung tâm cung cấp dịch vụ trông giữ trẻ em tại nhà ở bang Bắc Dakota, cho biết: “Chắc chắn tình hình bây giờ khác so với 2,3 năm trước, từ góc độ của nhà cung cấp dịch vụ. Bây giờ, bạn nghe thấy một đứa trẻ ho và bạn tự hỏi liệu đứa trẻ này có phải cảm lạnh hay không, và nếu như vậy, điều đó không phải là vấn đề lớn. Nhưng chúng tôi có thể ngừng hoạt động trong 20 ngày nếu đứa trẻ đó được xác định nhiễm Covid-19”.
Một báo cáo nghiên cứu của Đại học bang Washington mới công bố vào đầu tháng này cho thấy rằng tình trạng gián đoạn ở các trường học và các dịch vụ chăm sóc trẻ em đã dẫn đến thời gian làm việc của các bậc phụ huynh suy giảm. Báo cáo cho rằng việc đóng cửa các cơ sở giữ trẻ ảnh hưởng đặc biệt lớn đến các gia đình có thu nhập thấp.
Theo nhà kinh tế Sarah House, tình trạng gián đoạn trong dịch vụ chăm sóc trẻ em có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với nguồn cung lao động và sự nghiệp của các bậc cha mẹ đang đi làm. Bà nói: "Tôi nghĩ nếu tình trạng này càng kéo dài và bạn không có lựa chọn để trở lại công việc thì bạn không chỉ đơn thuần nghỉ việc tạm thời để chăm sóc con cái”.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với Keller tồn tại từ trước đại dịch và vẫn đúng cho đến ngày nay: Khó tuyển dụng bảo mẫu. Bà vẫn không rõ việc mọi người từ chối trở lại công việc bảo mẫu có liên quan đến rủi ro lây nhiễm Covid-19 hay là mức lương thấp.
Theo một báo cáo hồi 11-2021 của Viện Chính sách Kinh tế (EPI) có trụ sở ở Washington, nghề bảo mẫu từ lâu đã bị trả lương thấp và ít được hưởng các phúc lợi hơn chẳng hạn, bảo hiểm y tế.
Trung bình, bảo mẫu ở Mỹ được trả 13,51 đô la cho mỗi giờ, làm việc, theo phân tích của EPI. Con số này chỉ gần bằng một nửa so với mức lương trung bình của lao động Mỹ nói chung , 27,31 đô la/giờ.
EPI cảnh báo mức lương thấp khiến các bảo mẫu không đủ khả năng để nuôi sống bản thân hoặc gia đình, dẫn đến tỷ lệ chuyển việc cao hơn, chất lượng chăm sóc giảm và nguy cơ lớn hơn nữa là nhiều thị trấn và thành phố trở thành “sa mạc chăm sóc trẻ em” (được định nghĩa là các khu vực nơi dịch vụ chăm sóc trẻ chỉ đáp ứng chưa đến 1/3 nhu cầu).
Theo phân tích của EPI, trả lương cao hơn sẽ cải thiện an ninh tài chính của người lao động, tăng khả năng giữ chân người lao động trong ngành dịch vụ chăm sóc trẻ và rốt cục sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn. EPI đề xuất tăng mức lương tối thiểu dành cho nghề bảo mẫu lên mức 21,11-25,95 đô la/giờ.
Tuy vậy, việc tăng lương có thể tạo ra một tình huống khó khăn khác: các bậc phụ huynh phải gánh chịu chi phí trông giữ trẻ cao hơn giữa lúc khoản chi phí này vốn đã một trong những khoản chi tiêu lớn nhất của các hộ gia đình ở Mỹ.
Theo Elise Gould, nhà kinh tế cấp cao của EPI, giải pháp cho vấn đề này là sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ, chẳng hạn xây dựng hệ thống cơ sở trông giữ trẻ công lập, hỗ trợ tài chính cho các nhà cung cấp dịch vụ trông giữ trẻ cũng như trợ cấp cho các gia đình đang nuôi con nhỏ.
Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận trong một báo cáo hồi tháng 9-2021 rằng chính phủ đóng góp "rất ít" cho hệ thống chăm sóc trẻ từ 3-5 tuổi so với các nước phát triển khác. Kết quả là, các bậc cha mẹ ở Mỹ đang phải gánh vác phần lớn khoản chi phí cho dịch vụ trông giữ trẻ.
Trong dự luật “Xây dựng lại tốt hơn” (Build back better), chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất tăng kinh phí chăm sóc trẻ em, đặc biệt là thông qua trợ cấp, để đảm bảo các gia đình có thu nhập thấp và trung bình không phải trả hơn 7% thu nhập của họ cho dịch vụ chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa chắc chắn, khi dự luật Build back better vẫn đang gặp bế tắc tại Quốc hội Mỹ.
Theo một báo cáo gần đây của nền tảng cho vay trực tuyến LendingTree (Mỹ), chi phí chăm sóc trẻ em ở Mỹ đã tăng 41% trong thời kỳ dịch bệnh với nhiều gia đình phải chi đến 20% tiền lương để chi trả cho các dịch vụ trông giũ trẻ.Cụ thể, các bậc cho mẹ có con nhỏ ở của Mỹ đang tốn trung bình 14.117 đô la mỗi năm cho các trung tâm trông giữ trẻ, tăng mạnh so với mức 9.977 đô la/năm trước đại dịch.Matt Schulz, Giám đốc phân tích tín dụng của LendingTree, cho biết trông giữ trẻ em an toàn trong thời kỳ đại dịch không hề rẻ vì các trung phải tăng cường chi tiêu để tuân thủ các hướng dẫn an toàn nghiêm ngặt. Nhiều trung tâm đã phải hạn chế số lượng trẻ ghi danh để đáp ứng các yêu cầu an toàn. Điều này có nghĩa là nhiều bậc cha mẹ không thể ghi danh cho con mình, trong khi đó, những bậc cha mẹ tiếp cận được các trung tâm này phải trả chi phí cao hơn.
Theo CNN, Fortune