(KTSG Online) - Chi phí xây dựng cùng lãi suất vay thế chấp tăng cao đè nặng lên người dân và các công ty xây dựng ở châu Âu, khiến hoạt động xây nhà mới suy sụp ở nhiều nước từ Đức cho đến Anh. Thực trạng này càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhà ở , một vấn đề mà các chính phủ trong khu vực vẫn bế tắc trong nhiều năm qua.
- Làn sóng người nhập cư gây căng thẳng chi phí nhà ở phương Tây
- Nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các quỹ bất động sản ở châu Âu
Giấc mơ mái ấm mới sụp đổ khi chi phí tăng
Ở một khu phố rợp bóng cây ở thành phố Dusseldorf (Đức), đôi vợ chồng Milena David và Manuel David đã lên kế hoạch động thổ vào mùa hè này để xây dựng một ngôi nhà mới. Đó sẽ là cột mốc quan trọng giúp họ thoát khỏi tình cảnh sống trong một căn hộ chật chội, nơi họ ngủ chung phòng với hai đứa con.
Nhưng trong 16 tháng chờ đợi giấy phép, lãi suất vay thế chấp đã tăng gấp ba lần và chi phí xây dựng của họ tăng tới 85.000 euro. Cặp đôi đã tính toán các con số một lần nữa trước khi nhận ra sự thật rằng, giấc mơ xây dựng mái ấm riêng đã sụp đổ do cuộc khủng hoảng xây dựng tồi tệ nhất ở châu Âu trong nhiều thập niên.
Những giấc mơ vụn vỡ tương tự đang diễn ra trên khắp lục địa châu Âu. Hoạt động xây dựng các công trình dân cư sụt giảm khi chi phí tăng cao, trong khi bộ máy hành chính trì trệ và các quy định ngày càng nghiêm ngặt về hiệu quả năng lượng càng làm tăng những trở ngại. Với tình trạng nhà ở vốn đã khan hiếm, tình hình này có nguy cơ gây áp lực lên tăng trưởng và gây thêm căng thẳng chính trị vì cuộc khủng hoảng nhà ở là mối quan tâm hàng đầu của nhiều cử tri.
“Tôi đã thức trắng nhiều đêm. Điều khiến tôi bực bội là chúng tôi vụi mất kế hoạch xây nhà trong gang tấc”, Milena David, một nữ giáo viên 37 tuổi, nói.
Gia đình David có những điều kiện thuận lợi để xây dựng nhà mới. Đôi vợ chồng có nguồn thu nhập từ công việc ổn định trong khu vực công. Điều quan trọng nhất là họ không phải trả tiền cho lô đất dự định xây nhà vì đây là món quà từ cha mẹ của Manuel David,
“Nếu chúng tôi có điều kiện thuận lợi như vậy, nhưng vẫn gặp khó khăn với ý định xây nhà, làm sao những người khác có thể vượt qua được”, Manuel David, giám đốc dự án 35 tuổi của một tổ chức phi lợi nhuận, bày tỏ.
Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khoảng nhà ở là những nước giàu có nhất. Giấy phép xây dựng mới ở Đức đã giảm hơn 27% trong nửa đầu năm. Giấy phép xây dựng ở Pháp giảm 28% tính đến tháng 7. Và tại Anh, hoạt xây dựng nhà ở dự kiến giảm hơn 25% trong năm nay. Thụy Điển đang trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng bất động sản vào thập niên năm 1990, với tỷ lệ xây dựng chưa bằng 1/3 mức cần thiết để theo kịp nhu cầu.
Cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng những ngôi nhà đơn lập dành một gia đình, giống như ngôi nhà mà vợ chồng David dự định xây, cũng như các dự án nhà ở lớn. Năm nay, Vonovia, chủ đầu tư nhà ở lớn nhất nước Đức, tạm dừng vô thời hạn mọi công trình xây dựng mới. Và ở Thụy Điển, một dự án sản xuất pin xe điện để giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung từ Trung Quốc có nguy cơ gặp khó khăn trong việc thu hút đủ lao động vì thiếu nhà ở dành cho họ.
Thất hứa với cử tri
Các chính phủ ở châu Âu đang không thực hiện được những lời hứa với cử tri. Hiện pháp của Thụy Điển cam kết cung cấp nhà ở giá phải chăng cho người dân, nhưng nguồn cung căn hộ cho thuê không đáp ứng đủ nhu cầu trong nhiều thập niên, khiến giá nhà tăng cao và buộc người dân phải sống trong những căn hộ cho thuê lại trên thị trường thứ cấp. Ở Anh, hoạt động xây dựng nhà liên tục không đạt được mục tiêu 300.000 ngôi nhà mỗi năm do chính phủ của đảng Bảo thủ cầm quyền đặt ra vào năm 2019.
Ở Đức, nhà ở giá rẻ là một trong những cam kết quan trọng được liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đưa ra khi lên nắm quyền vào năm 2021. Tuy nhiên, các nhà kinh tế ước, chính phủ Đức không đạt được mục tiêu bổ sung 400.000 ngôi nhà mới hàng năm sớm nhất cho đến năm 2026.
“Đảm bảo công dân có nơi ở là một trong những nhiệm vụ thiết yếu nhất của nhà nước. Nhưng rõ ràng, chúng tôi đang thất bại”, Kolja Muller, đồng chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz ở Frankfurt, nói.
Cuộc khủng hoảng nhà ở có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng xã hội khi nhiều người phải bỏ ra nhiều thu nhập hơn để mua chỗ ở.
Muller cảnh báo, nếu chính phủ Đức không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nhà, “đó sẽ là mối đe dọa thực sự cho nền dân chủ của chúng ta”. Ông cho rằng sự trỗi dậy của đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) một phần là do căng thẳng nhà ở.
Những khó khăn cản trở nỗ lực xây dựng nhà giá phải chăng bắt nguồn từ chính sách yếu kém của chính phủ. Nhà ở là dạng tài sản nằm ở vị thế lấp lửng vì vừa do thị trường định hướng vừa chịu sự quản lý của nhà nước. Sự kết hợp đó làm cản trở đầu tư trong bối cảnh chi phí tài chính và xây dựng tăng cao.
Các chính phủ ở châu Âu từng đóng vai trò tích cực trong vấn đề nhà ở. Một phần đáng kể số nhà hiện có ở Thụy Điển được xây dựng như một phần của sáng kiến do nhà nước chỉ đạo nhằm bổ sung thêm một triệu ngôi nhà trong giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1974. Ở Đức, các thành phố như Berlin đã xây dựng các khu dân cư khổng lồ để đáp ứng nhu cầu chổ ở cho người lao động di cư đến các trung tâm đô thị sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Nhưng hiện nay, điều đó đã thay đổi. Ở Đức, nền kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ sang khu vực tư nhân sau khi đất nước thống nhất, khiến kho bạc nhà nước bị thắt chặt và nhiều thành phố phải bán bất động sản. Vào cuối thập niên 1980, Đức vẫn có khoảng 4 triệu đơn vị nhà ở xã hội, nhưng con số đó đã giảm xuống chỉ còn hơn 1 triệu đơn vị vào năm 2020. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Anh, nơi các căn hộ của các hội đồng thành phố đã được bán cho người thuê vào thập niên 1980.
Ở khu vực Đông Đức, nơi đảng cực hữu AfD cực hữu nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ nhất, nỗi lo về nhà ở đặc biệt gay gắt. Sau khi nước Đức thống nhất, nhiều người mất quyền sống trong những ngôi nhà mà chế độ cộng sản từng cung cấp. Ngày nay, người dân ở Đông Đức vẫn ít có khả năng sở hữu bất động sản hơn những người cùng lứa tuổi ở Tây Đức.
Hàng loạt công ty xây dựng đóng cửa, phá sản
Cuộc khủng hoảng nhà ở dẫn đến những lời kêu gọi khuyến khích và hỗ trợ ngành xây dựng. Tuy nhiên, các chính phủ ở châu Âu đang hạn chế nhu cầu chi tiêu bổ sung sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh họ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát. Kết quả là một làn sóng phá sản của các công ty xây dựng và sa thải lao động có nguy cơ làm giảm năng lực xây dựng trong dài hạn
Tại Anh, khoảng 45.000 công ty xây dựng nhà ở đã đóng cửa trong 5 năm qua. Tại Thụy Điển, 1.145 công ty trong ngành xây dựng nộp đơn xin phá sản trong 10 tháng đầu năm nay, tăng 35% so với năm 2022, theo dữ liệu từ Creditsafe.
Đảng Lao động của Anh đã cam kết thực hiện một gói cải cách nhằm đẩy nhanh hệ thống quy hoạch trì trệ của đất nước và xây dựng 1,5 triệu ngôi nhà trong nhiệm kỳ quốc hội tiếp theo. Chính phủ Bồ Đào Nha đặt mục tiêu tăng số lượng nhà ở và đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng. Đức cam kết đơn giản hóa các quy định xây dựng và tăng cường đầu tư công.
“Đối với các doanh nghiệp xây dựng, những thay đổi nhỏ giọt này tạo ra sự không chắc chắn”, Wolfgang Schubert-Raab, chủ tịch ZDB, nhóm vận động hành lang của ngành xây dựng ở Đức, nói.
Ông cho rằng, thay vì khởi công các dự án, các công ty xây dựng sẽ chờ đợi những khoản trợ cấp tốt hơn vào năm tới khi cuộc khủng hoảng nhà thậm chí còn gay gắt hơn.
Theo Bloomberg