(KTSG Online) - Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản đề nghị các địa phương chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh và báo cáo số liệu dịch bệnh của tôm nuôi ở môi trường nước lợ. Trong đó, có việc đơn vị liên quan cần có hướng dẫn cụ thể cho người nuôi về con giống thủy sản, mùa vụ, quy trình nuôi phù hợp và hạn chế tình trạng người nuôi không khai báo dịch hoặc tự xử lý dịch bệnh theo kinh nghiệm cá nhân.
- Xuất khẩu tôm giảm gần 40% trong quí 1
- Nhiều địa phương thả hàng triệu con giống cá, tôm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Theo TTXVN, công tác phòng chống dịch và báo cáo dịch bệnh trên tôm nuôi còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là thống kê về thiệt hại, dịch bệnh trên tôm nuôi. Ví dụ như nhân lực cho công tác thú y thủy sản ở nhiều địa phương không đủ dẫn đến tình trạng người nuôi tôm không khai báo dịch và tự xử lý dịch bệnh theo kinh nghiệm hoặc theo tư vấn của các công ty, địa lý.
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị các địa phương chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh, rà soát và báo cáo số liệu dịch bệnh của tôm nuôi ở môi trường nước lợ.
Trong đó, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y sẽ phối hợp với cơ quan chuyên ngành thủy sản và khuyến nông theo dõi tình hình thiệt hại, dịch bệnh trên tôm nuôi; tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp tôm chết hàng loạt; đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân gây thiệt hại; đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, hạn chế thấp nhất nguy cơ phát tán dịch bệnh.
Đơn vị liên quan chủ động trong giám sát dịch bệnh; áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn cụ thể cho người nuôi về con giống thủy sản, mùa vụ thả nuôi, quy trình nuôi, hình thức nuôi phù hợp.
Địa phương cũng cần chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sử dụng ứng dụng về hệ thống thông tin dịch bệnh (VAHIS - Dịch bệnh thủy sản), chia sẻ thông tin dịch bệnh động vật thủy sản theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Đồng thời, cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật trong phòng chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh, kiểm dịch giống thủy sản, buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản trên địa bàn; xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật; xem xét và bố trí kinh phí, nguồn lực, nhân lực có chuyên môn để phục vụ thú y thủy sản của địa phương.
TTXVN dẫn báo cáo của các địa phương cho biết, năm qua, tổng diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại là hơn 23.400 héc-ta, tăng 15,5% so với năm 2021. Trong đó, diện tích thiệt hại do chủ nuôi tôm, cơ quan thú ý địa phương không lấy mẫu xét nghiệm bệnh là hơn 9.900 héc-ta, chiếm 42,3% tổng diện tích tôm thiệt hại.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước có hơn 4.000 héc-ta diện tích nuôi tôm ở 7 tỉnh thành bị thiệt hại. Tỷ lệ tôm thiệt hại do dịch bệnh chiếm 55,6%, còn lại là do môi trường, thời tiết và nguyên nhân khác.