Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kì lân rỉ máu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Kì lân rỉ máu

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ nhờ nguồn vốn dồi dào huy động được từ các nhà đầu tư, các startup ở Đông Nam giờ đây xoay sở đủ cách để sinh tồn trong cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.

Dịch bệnh ‘dội gạo nước lạnh’ vào các startup

Kì lân rỉ máu
Do tác động của dịch bệnh, startup cho thuê xe Smove  (Singapore) đã phải thanh lý tài sản, chấm dứt hoạt động Ảnh: Vulcan Post

Startup cho thuê xe Smove từng gây sức hút ở Singapore nhờ tính tiện dụng. Chỉ cần cà thẻ chiếc thẻ trả trước vào một đầu đọc thẻ gắn ở bên hông xe của Smove, bất kỳ ai cũng có thể mở cửa để lên lái xe đi với giá thuê 1 đô la Mỹ cho 25 phút.

Năm 2015, Tom Lokenvitz, người sáng lập Smove, đạt thỏa thuận cung cấp xe các tài xế Uber trong các hợp đồng thuê dài hạn. Sáu tháng sau đó, hoạt động kinh doanh của Smove Systems phất lên nhanh chóng. Đội xe của Smove Systems này tăng gấp 10 lần và tổng số nhân sự tăng gấp ba, giúp startup nghiễm nhiên trở thành công ty cho thuê xe lớn nhất ở châu Á.

Thế rồi tai họa bất ngờ ập đến khi Uber chuyển nhượng mảng kinh doanh ở Đông Nam Á cho đối thủ đang thắng thế Grab. Thỏa thuận hợp tác với Uber sụp đổ buộc Smove phải tái cấu trúc và tái thương lượng các điều khoản với các nhà cung cấp, đóng cửa các văn phòng ở Úc và sa thải nhân sự ở Singapore.

Đến đầu năm 2020, Lokenvitz cảm thấy tình hình tạm ổn sau khi hủy bỏ hầu hết các hợp đồng thuê xe tốn kém nhất. Ông bắt đầu xem xét kế hoạch mở rộng đội xe và tiến vào các thị trường mới.

Nhưng đến tháng 5, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 bắt đầu tăng mạnh trở lại ở Singapore, khiến chính phủ nước này phải ban hành các biện pháp phong tỏa đi lại và giãn cách xã hội. Chính phủ yêu cầu Smove tạm dừng hoạt động vì dịch vụ cho thuê xe không được xem là thiết yếu. Doanh thu của công ty giảm đến 85%, buộc Smove phải thanh lý tài sản, chấm dứt hoạt động kinh doanh.

Lokenvitz nói: “Chúng tôi giống như một bệnh nhân đang hồi phục. Nhưng rồi Covid-19 ập khi nguồn tiền mặt của công ty còn rất ít, bạn có thể làm gì được chứ? Chúng tôi không thể có thanh khoản ngay cả khi được chính phủ hỗ trợ”.

Smove nằm trong danh sách ngày càng dài ra của công ty khởi nghiệp non trẻ ở Đông Nam Á đang bị tổn thương vì tác động của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Covid-19 đã dội ‘gáo nước lạnh’ vào các startup trong khu vực vốn đang phát triển bùng nổ trong những năm qua nhờ đón nhận hàng tỉ đô la vốn mạo hiểm từ các nhà đầu tư bao chạy theo tăng trưởng, bao gồm Quỹ Tầm nhìn, đang quản lý 100 tỉ đô Mỹ của Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản).

Covid-19 làm lộ rõ các khiếm khuyết trong mô hình tăng trưởng của các startup nhờ được bơm vốn ồ ạt. Mức định giá của các startup trong khu vực Đông Nam đang sụt giảm nhanh chóng. Ngay cả các startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỉ đô la) cũng phải cắt giảm chi tiêu và đưa ra các quyết định khó khăn để ứng phó dịch bệnh.

Mắc kẹt trong cuộc đua cạnh tranh

Tại Jakarta (Indonesia), startup kỳ lân Gojek, nổi tiếng với dịch vụ gọi xe, đang bắt đầu ‘rỉ máu”.  Năm ngoái, mức định giá của Gojek vượt 10 tỉ đô la Mỹ và công ty này nuôi tham vọng xây dựng một ‘siêu ứng dụng’, đáp ứng mọi nhu cầu của người dùng từ gọi xe, thanh toán trực tuyến, cho đến dịch vụ dọn dẹp nhà, giao hàng, giao đồ ăn...

GoJek đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy  thương mại địa phương hòa nhập vào nền kinh tế số hóa. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng muốn tiếp cận thị trường lớn nhất Đông Nam Á với tỷ lệ dân số thâm nhập mạng internet và di động ngày càng cao. Những cái tên như Google, Tencent và Facebook lần lượt rót tiền vào GoJek.

Bằng cách quy tụ hàng loạt dịch vụ hàng ngày vào siêu ứng dụng, GoJek hy vọng sẽ ‘buộc chặt’ người dùng vào hệ sinh thái của mình, thúc đẩy họ sử dụng các dịch vụ cốt lõi của GoJek như gọi xe và thanh toán. Để mở rộng các dịch vụ kinh doanh, GoJek đã chi rất nhiều tiền để thâu tóm các startup nhỏ hơn.

Grab, đối thủ của GoJek, cũng dốc hầu bao để thâu tóm ít nhất 10 starup nhỏ hơn trong ba năm qua. Dù vậy, cả hai kỳ lân khởi nghiệp này đều chưa có lợi nhuận trong năm 2019 khi họ đang mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt bằng cách chạy đua giảm giá và trợ giá để thu hút người dùng ứng dụng của họ.

Đến cuối tháng 6, khi hoạt động mua sắm sụp đổ do tác động của đại dịch Covid-19, GoJek buộc phải quyết định sa thải 9% nhân sự và đóng cửa dịch vụ lau dọn nhà cửa và mát xa tại nhà GoLife, dịch vụ hàng quán rong GoFood Festival.

Traveloka, startup đặt phòng, vé máy bay và tour du lịch ở Indonesia, cũng buộc phải sa thải 100 nhân sự hồi đầu tháng 4 khi ngành du lịch toàn cầu suy sụp do các lệnh đóng cửa biên giới. Sau khi tái cấu trúc, startup kỳ lân này đã huy động thành công 250 triệu đô la Mỹ trong tháng này.

Trong khi đó, Grab, đối thủ của GoJek và cũng là một startup kỳ lân, yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương hoặc giảm giờ làm của họ. Hồi tháng 6, Grab sa thải 360 nhân sự, tương đương 5% tổng nhân sự của công ty này.

Tin nhắn từ ứng dụng của startup đặt phòng giá rẻ Airy Rooms thông báo với khách hàng về quyết định đóng cửa công ty hồi cuối tháng 5. Ảnh: Jakarta Global.

Đóng cửa vĩnh viễn

Một số startup nhỏ hơn ở Đông Nam Á buộc phải đóng cửa vĩnh viễn vì thiếu tiềm lực tài chính. Stoqo Teknologi Indonesia, một startup chuyên cung cấp nguyên liệu tươi cho các quán ăn nhỏ, chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 4 vì dịch bệnh làm khiến doanh thu của công ty này mất hút.

Airy Rooms, startup đặt phòng giá rẻ ở Indonesia, cũng thông báo dừng hoạt động hồi cuối tháng 5 vì doanh thu sụt giảm mạnh và lượng khách đòi hoàn tiền tăng nhanh trong những tháng qua.

Tại Singapore, startup công nghệ tài chính FOMO Pay sa thải các nhân viên bán thời gian và hoãn kế hoạch mở rộng ở thị trường nước ngoài sau khi chứng kiến lượng giao dịch thanh toán thanh toán giảm hơn 50% trong tháng 2 khi dịch Covid-19 lan nhanh ở Đông Nam Á.

Do doanh thu giảm 90% khi chính phủ Malaysia phong tỏa đi lại và cấm tụ tập đông người, hồi tháng 4, startup giao hoa tươi BloomThis (Malaysia) cắt giảm tất cả chi phí tiếp thị, tìm kiếm sự hỗ trợ của các ngân hàng và cân nhắc giảm lương nhân viên.

Giờ đây, khi đại dịch Covid-19 tàn phá nặng nề các hoạt động kinh tế, mục tiêu mới của startup ở Đông Nam Á là vượt qua khủng hoảng, thay vì kiếm lợi nhuận.

“Đối với hầu hết các công ty và startup ở Đông Nam Á, nhu cầu trọng tâm của họ ngay lúc này là phòng thủ trong ngắn hạn, đặc biệt là những công ty không có nhiều tiền mặt dữ trữ. Mục tiêu của họ là phải vượt qua cơn bão này, mà lý tưởng nhất là thông qua các biện pháp cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, đối với các startup có nguồn vốn dồi dào hơn, thời điểm này là cơ hội tuyệt vời để thâu tóm các công ty nhỏ hơn và củng cố vị thế của họ trên thị trường”, Amit Joshi, giáo sư về trí tuệ nhân tạo và chiến lược tiếp thị ở Trường Kinh doanh IMD ở  Lausanne, Thụy Sĩ, nói.

Sau khi thanh lý Smove, người sáng lập Lokenvitz lên mạng xã hội việc làm LinkedIn để chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình với các nhà sáng lập khác và nhận được rất nhiều phản hồi. Ông nói: “Khởi nghiệp chưa bao giờ là điều dễ dàng”.

Ông hy vọng các startup và các quỹ đầu tư mạo hiểm tiếp tục thẩm định lại định nghĩa về thành công của một startup. Ông cho rằng trong những năm qua, nhiều startup quá tập trung vào việc huy động vốn, thay vì nỗ lực kiếm tiền bằng cách thu hút và giữ chân khách hàng.

Theo Nikkei Asian Review

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới