Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kịch bản ‘hạ cánh mềm’ sẽ kéo dài chu kỳ tăng trưởng của Mỹ thêm 4 năm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Kịch bản ‘hạ cánh mềm’ cho nền kinh tế Mỹ, tức lạm phát giảm và tăng trưởng chậm lại nhưng không suy thoái, có thể mở rộng chu kỳ tăng trưởng của Mỹ thêm ít nhất 4 năm nữa.

Sau hơn một năm chật vật kiểm soát lạm phát, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, niềm tin của ông vào kịch bản ‘hạ cánh mềm’ của nền kinh tế Mỹ đang tăng lên. Ảnh: Investing.com

Niềm tin ‘hạ cánh mềm’ tăng lên

Các nhà kinh tế thường nói rằng sự mở rộng kinh tế của Mỹ “chết” vì chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang (Fed), chứ không phải là “tuổi già”.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên sau khi Fed đã tăng lãi suất 5,25 điểm phần trăm kể từ đầu năm ngoái, bao gồm 25 điểm phần trăm vào hôm 26-7, nhiều nhà kinh tế dự đoán suy thoái sắp xảy ra.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, cơn suy thoái xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ trong sáu tháng tới sẽ là điều bất thường. Vì điều đó có nghĩa là quá trình mở rộng kinh tế Mỹ hiện tại, bắt đầu vào tháng 4-2020, sẽ chỉ kéo dài bốn năm, ít hơn một nửa mức trung bình 8,6 năm của bốn chu kỳ tăng trưởng trước đó, kể từ năm 1982.

Điều này cho thấy hành động cân bằng hiện tại của Fed có ý nghĩa rất lớn. Fed hy vọng tăng lãi suất vừa đủ để đẩy lạm phát đi xuống, nhưng không đến mức khiến kinh tế co lại, một kịch bản được gọi là ‘ hạ cánh mềm’. Dựa vào dữ liệu thống kê, hạ cánh mềm có nghĩa là kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng thêm 4 hoặc 5 năm nữa trước cuộc suy thoái tiếp theo.

Tại cuộc họp báo hôm 26-7, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ‘hạ cánh mềm’ từ lâu đã nằm trong dự báo của ông và niềm tin của ông vào kịch bản này đang tăng lên.

“Cho đến nay, chúng ta đã chứng kiến sự khởi đầu của quá trình giảm phát nhưng không có bất kỳ tổn thất nào thực sự nào trên thị trường lao động. Đó là điều thực sự tốt”, ông nói.

Powell cũng tiết lộ rằng các nhà kinh tế của Fed, những người đầu năm nay đã dự đoán về một cơn suy thoái, giờ không còn dự báo như vậy nữa.

Dữ liệu tăng trưởng mới nhất củng cố thêm niềm tin hạ cánh mềm. Hôm 27-7, Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu cho thấy, trong quí 2, GDP đã điều chỉnh theo lạm phát của Mỹ tăng theo tốc độ hàng năm là 2,4%, cao hơn so với mức tăng trưởng 2% trong ba tháng đầu năm. Mức tăng trưởng này cao hơn đáng kể so với mức tăng 1,8% theo dự báo của các nhà kinh tế.

Hai dạng chu kỳ tăng trưởng của Mỹ trước và sau năm 1981

Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ, tổ chức nghiên cứu chu kỳ kinh doanh, kể từ năm 1945, nền kinh tế Mỹ có 12 lần mở rộng và 13 lần suy thoái. Cho đến năm 1981, các chu kỳ mở rộng của nền kinh tế Mỹ kéo dài trung bình chỉ 3,7 năm và thường kết thúc do Fed tăng lãi suất để ứng phó với sự kết hợp của nền kinh tế quá nóng và lạm phát.

Nhưng vào năm 1981, Chủ tịch Fed khi đó là Paul Volcker đã gây ra một cơn suy thoái sâu sắc sau khi đẩy lãi suất lên mức đỉnh 21,5%. Sau đó, lạm phát bắt đầu giảm trong một thời gian dài, cuối cùng ổn định ở mức khoảng 2%. Năm 1984 và một lần nữa vào năm 1994, Fed đã tăng lãi suất trước khi lạm phát thực sự bùng phát, và nền kinh tế Mỹ  tiếp tục tăng trưởng thêm sáu năm nữa.

Có một số yếu tố đã kéo dài các chu kỳ tăng trưởng của Mỹ sau năm 1981. Toàn cầu hóa, tăng trưởng lực lượng lao động nhanh chóng và công nghệ giúp chi phí giảm. Khi công chúng kỳ vọng lạm phát thấp hơn, họ sẽ ấn định mức lương và giá cả tương ứng. Những đợt giá dầu dầu tăng đột biến giảm dần mà không tạo ra một vòng xoáy tiền lương-giá cả rộng lớn hơn. Lạm phát thấp có nghĩa là nền kinh tế Mỹ không cần phải suy thoái để giảm giá cả hơn nữa.

Bốn chu kỳ tăng trưởng của Mỹ kể từ năm 1981 kéo dài từ 6 đến gần 11 năm. Thay vì do lạm phát, các chu kỳ tăng trưởng này thường kết thúc bằng một rạn nứt tài chính nào đó. Chẳng hạn, cú sụp đổ của ngành công nghệ vào năm 2001, hoặc bong bóng nhà đất và vay thế chấp bùng vở vào năm 2007.

Kỷ lục tăng trưởng kéo dài gần 11 năm của kinh tế Mỹ , kết thúc vào tháng 2-2020 không phải do lạm phát hay khủng hoảng tài chính, mà do tác động đại dịch của đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa. Nếu không có sự kiện đó, kinh tế Mỹ có thể vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là chu kỳ tăng trưởng hiện tại của Mỹ có nhiều điểm chung hơn với các chu kỳ ngắn hơn, trước năm 1981 hay các chu kỳ dài hơn, sau năm 1981? Nếu kinh tế Mỹ đi theo kịch bản thứ hai, thì tin tốt là những lỗ hổng và sự mất cân bằng trong nền kinh tế dẫn đến khủng hoảng tài chính trong quá khứ dường như không còn nữa. Hệ thống tài chính Mỹ đã sống sót qua đợt đóng cửa do đại dịch vào đầu năm 2020.

Lãi suất cao hơn thường dẫn đến một số cuộc khủng hoảng tài chính không lường trước được. Lần này, chính sách thắt chặt tiền tệ đã làm sụp đổ ba ngân hàng khu vực của Mỹ đầu năm nay. Nhưng cho đến nay, tác động lây lan đã được hạn chế và tác động đến hoạt động cho vay của ngân hàng có vẻ không quá lớn.

Những khác biệt trong chu kỳ tăng trưởng hiện tại

Trong một báo cáo phát hành trong tuần này, các nhà kinh tế của ngân hàng Bank of America, nhận định, phần lớn rủi ro tăng lãi suất đã được Fed hoặc các ngân hàng hấp thụ thông qua việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn chứng kiến giá giảm khi lãi suất tăng. Tin tốt là “Fed có thẩm quyền, công cụ, sự nhạy bén, dữ liệu và kinh nghiệm để giải quyết những căng thẳng mới nổi trong hệ thống ngân hàng”, báo cáo cho biết.

Nhìn bề ngoài, chu kỳ tăng trưởng hiện tại của Mỹ rất giống các chu kỳ của thập niên 1960 và 1970: tăng trưởng quá nóng và bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Lạm phát giá tiêu dùng cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, của Mỹ tăng 4,8% trong tháng 6, cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của Fed.

Khi Fed thực hiện cuộc ‘hạ cánh mềm’ cho nền kinh tế Mỹ vào năm 1984 và năm 1994, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều so với mức 3,6% hiện nay và tiền lương tăng vừa phải, tức trường lao động không quá nóng. Ngược lại, hiện nay, như ông Powell đã lưu ý, nhu cầu nhân công vẫn cao hơn nhiều so với nguồn cung. Fed chưa bao giờ ‘hạ cánh mềm’ thành công khi lạm phát vượt xa mục tiêu và thị trường lao động quá nóng.

Tuy nhiên, có lý do hợp lý để suy luận lần này có thể khác.

Trong quá khứ, lạm phát xuất hiện thường do nhu cầu dư thừa. Lần này, một “thủ phạm” lớn hơn là nguồn cung hàng hóa thành phẩm, nguyên liệu, phương tiện vận chuyển, hàng hóa và lao động bị gián đoạn sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Tuy nhiên, nguồn cung đang phục hồi. Lĩnh vực lắp ráp ô tô, trước đây bị hạn chế do thiếu chip, tăng trưởng mạnh trong năm nay. Nhu nhân công mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ  cũng được đáp ứng nhờ nguồn cung lao động tăng lên, với tỷ lệ nhóm dân số từ 25 đến 54 tuổi đang làm việc hoặc đang tìm việc hiện cao hơn so với trước đại dịch Covid-19

Và dù thị trường lao động Mỹ đang thắt chặt, vòng xoáy giá cả-tiền lương vẫn chưa rõ ràng. Không giống như trước năm 1981, kỳ vọng lạm phát dài hạn của người dân Mỹ ổn định  ở mức khoảng 2-3%.

Về mặt tiêu cực, các yếu tố cấu trúc giúp kiểm soát chi phí trong những thập niên qua đã đảo ngược. Do căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ dâng cao, toàn cầu hóa đang đảo ngược. Trong khi đó, tình trạng dân số già hóa cũng cản trở sự tăng trưởng của lực lượng lao động. Có thể công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tăng năng suất, nhưng hiện tại điều đó hoàn toàn chỉ là giả thuyết.

Điều này có nghĩa là ngay cả khi Fed giảm lạm phát thành công mà không khiến nền kinh tế Mỹ sụp đổ trong năm tới, thời gian trì hoãn suy thoái không đảm bảo sẽ kéo dài.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới