(KTSG Online) – Đồng đô la Mỹ tiếp tục yếu đi sau quyết định tăng lãi suất của Fed mới đây, nhưng áp lực lên tiền đồng như thế nào sắp tới đây vẫn là câu hỏi lớn. Dù nhiều chuyên gia “đặt cửa” vào xu hướng lãi suất chững lại và giảm dần, đặc biệt là trong nửa sau năm 2023.
Áp lực tiền đồng tiếp tục giảm
Uỷ ban thị trường mở liên bang (FOMC) chính thức tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản, theo đúng như dự báo của thị trường trước đó, nhưng điều quan tâm nhiều hơn là dấu hiệu cho thấy Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, thông báo mới vẫn chưa cung cấp thông tin nào về khả năng đảo chiều lãi suất. Thông điệp từ Chủ tịch Fed Fed Powell vẫn cho thấy Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng cũng đưa ra một triển vọng lạc quan hơn về lạm phát.
Sau thông tin này, chứng khoán Mỹ đảo chiều và tăng điểm, nhưng diễn biến đáng chú ý khác là đồng đô la tiếp tục yếu đi. Chỉ số DXY, đo lường sức mạnh đồng bạc xanh giảm 0,9%. Mức DXY giao ngay đóng cửa 101,22, giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ quan trọng, theo báo cáo đầu ngày 2-2 của Maybank.
“Xu hướng giảm của chỉ số DXY có thể tiếp tục được duy trì và có thể đẩy chỉ số DXY dần xuống dưới con số 100”, nhóm phân tích này bình luận thêm.
Việc sức mạnh đồng đô la tiếp tục giảm được xem như là tin vui đối với thị trường Việt Nam, dù là ngắn hạn.
Trên thực tế, đồng đô la có xu hướng yếu đi kể từ tháng 9 năm ngoái, giúp áp lực tỷ giá giảm đáng kể. Thậm chí nhiều người không nghĩ rằng tỷ giá sẽ giảm nhanh đến như thế.
Theo báo cáo cập nhật kinh tế năm 2023 của VinaCapital, áp lực tỷ giá tiền đồng đã giảm đáng kể nhờ sự kiện Trung Quốc mở cửa, sự hỗ trợ bởi dòng vốn từ đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại vào cuối năm.
Áp lực trên thị trường tiền tệ cũng giãn bớt dù Fed vẫn tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất công bố trước đó. Mặt bằng lãi suất qua đêm thị trường liên ngân giảm về dưới 5% vào cuối năm 2022 và có tăng nhẹ vào tuần trước khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu. Theo đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì quanh vùng 6%, trong khi các kỳ hạn 1 tuần đến 1 tháng dao động từ 7,8-8,8%, báo cáo của Công ty chứng khoán SSI bình luận.
Cũng theo SSI, lãi suất huy động hiện tại đã vào vùng ổn định hơn, với mặt bằng vào khoảng 8,0-9,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, giảm khoảng 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.
Mặt bằng lãi suất này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào, nhưng kịch bản về đường đi lãi suất trong năm nay tiếp tục là câu hỏi lớn trong bối cảnh Fed tiếp tục tăng lãi suất và chưa có dấu hiệu đảo chiều cụ thể nào.
“Trong trường hợp tích cực, mặt bằng lãi suất huy động có thể đã tạo đỉnh vào cuối năm 2022, tuy nhiên chúng tôi đánh giá xu hướng giảm trong năm 2023 vẫn chưa thực sự rõ nét, khi các yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới thanh khoản trong trung và dài hạn vẫn chưa thực sự được giải quyết”, báo cáo của SSI nhận định.
Liệu có kéo lãi suất giảm xuống dần dần?
Trước đó, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng bức tranh tăng lãi suất của Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, còn những quốc gia nhỏ như Việt Nam sẽ có độ trễ khoảng 1-2 quí khi điều hành chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo kinh tế công bố hồi đầu năm của các tổ chức, đa phần đều dự báo lãi suất điều hành sẽ tăng trong nửa đầu năm. Chẳng hạn, HSBC dự báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ sở trong hai quí đầu năm, nâng lãi suất tái cấp vốn lên mức 7,0% vào giữa năm 2023 trong bối cảnh áp lực lạm phát mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, ngân hàng UOB dự báo khả năng NHNN thực hiện một đợt tăng lãi suất 100 điểm cơ bản khác vào đầu năm 2023 và có thể tạm ngừng. Động thái này cũng phù hợp với lộ trình tăng lãi suất của Fed, UOB đánh giá.
Như vậy, các nhóm phân tích đánh giá cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng tiếp tục đối mặt với nửa đầu năm 2023 khó khăn trong câu chuyện điều hành “bộ ba” tỷ giá – lãi suất và lạm phát. Nhưng thách thức lớn hiện nay lại là mặt bằng lãi suất dường như đang ở mức cao, đồng nghĩa việc tiếp tục nâng lãi suất là câu chuyện khó khăn.
“Mức lãi suất hiện nay được đánh giá là tương đối cao so với các hoạt động kinh tế và ảnh hưởng tới nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và dân cư, dù rằng mặt bằng lãi suất huy động cao đã thu hút lượng lớn dòng tiền nhàn rỗi từ khu vực dân cư”, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI bình luận trong báo cáo mới nhất.
Thực tế số liệu cũng cho thấy trong tháng 11, lượng tiền gửi từ khu vực dân cư đã bật tăng rõ rệt (tăng 8,9% so với cùng kỳ, từ mức 6,8% vào tháng 10), trong khi tổng tiền gửi tăng 8,2%.
Đánh giá tương tự, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank IB cho rằng mặt bằng lãi suất đang tiến đến mức không lành mạnh, nghĩa là nếu kéo dài nhu cầu thế chấp, nhà ở và hàng tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.
“Sau đợt tăng mạnh lãi suất, chúng tôi quan sát thấy rằng lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất thế chấp đang tiến đến mức không lành mạnh, tức trong khoảng 10,5%-12,5%”, báo cáo của Maybank đánh giá.
Mặt khác, mặt bằng lãi suất thực hiện nay được nhiều chuyên gia nhận định là đang ở mức cao, nếu đem so với con số lạm phát kỳ vọng 4,5% (mức mà Quốc hội đặt ra trong năm nay, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với năm 2022) và con số lãi suất khoảng 8-9%.
Từ phía ngân hàng, việc tăng lãi suất được nhiều ngân hàng cho là chuyện chẳng “đặng đừng”. Huy động vốn vẫn tiếp tục là thách thức lớn đặt trong bối cảnh cơ quan quản lý ngày càng siết chặt các tỷ lệ an toàn vốn và đáp ứng thanh khoản để kinh doanh vì tín dụng tăng quá nhanh vào nửa đầu năm ngoái.
Do đó, lãi suất ở một số ngân hàng có thể sẽ vẫn phải tăng trong ngắn hạn, dù việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh trong tương lai. Trong thời gian 6-9 tháng tới, nếu lãi suất đảo chiều giảm thì những khoản huy động trung và dài hạn vừa qua sẽ tạo áp lực chi phí vốn rất cao.
“Ngân hàng huy động lãi suất cao cũng không sung sướng gì. Nhìn chung xu hướng tiếp theo sẽ là lãi suất chững lại và giảm đi", Tổng giám đốc của ngân hàng TMCP có trụ sở tại TPHCM, trao đổi bên lề với báo chí tại hội nghị triển khai ngành ngân hàng đầu năm nay.
Lý do là bên cạnh sự cạnh tranh huy động vốn giữa các ngân hàng, các nhà băng sẽ phải đối mặt với tình trạng nhu cầu vay khách hàng suy giảm, theo đó sẽ phải giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng. Mặt khác, ngân hàng ngày nay có nhiều lựa chọn huy động vốn hơn với chi phí hấp dẫn hơn là huy động từ nguồn dân cư với lãi suất cao.
Lãi suất huy động đầu vào hiện nay được xem là then chốt cho kỳ vọng giảm lãi suất cho vay. Các chuyên gia cũng cho rằng đánh giá rằng xu hướng tăng lãi suất của Fed đã phản ánh vào thị trường trước khi chính thức tăng. Điều này nghĩa là chỉ cần có thông tin về việc ngừng tăng lãi suất, lãi suất các nước cũng có thể giảm rất nhanh.
Tại hội thảo kinh tế diễn ra vào trung tuần tháng 1 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright đánh giá hai quí đầu năm kinh tế Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng thị trường có thể kỳ vọng vào sự lạc quan từ kịch bản tăng lãi suất của Fed. Theo đó, thời điểm để Việt Nam có thể thoát được “cửa hẹp” là trong tháng 5, tháng 6.
“Khi Fed ngừng tăng lãi suất thì chúng ta không còn bị áp lực về chuyện tiếp tục đua lãi suất trong nước theo lãi suất đô la, sẽ có dư địa cho Việt Nam đổi hướng chính sách”, ông Thành bình luận.
Thông thường, để hạ lãi suất thì có thể mất nhiều năm, nhưng để tăng thì có thể chớp nhoáng, trong thời gian ngắn. Năm 2022, lãi suất tăng ngoài dự kiến và ngoài quy luật. Lãi suất tiền gởi 12 tháng cao gấp 2, 3 lần chỉ số lạm phát. Đây là biểu hiện của sự trục trặc trong điều hành, dẫn đến khan tiền, khan vốn một cách khó ngờ. Cần nhấn mạnh trục trặc này là chủ yếu do ta, chứ không phải do tác động từ bên ngoài.