(KTSG) - Câu hỏi đặt ra là sự giảm sút về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay liệu có phải trong ngắn hạn? Thanh khoản liên ngân hàng là chỉ báo quan trọng, có thể cho ta biết về cầu vốn của nền kinh tế và xu hướng điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.
Dấu hiệu thanh khoản giảm sút trên thị trường liên ngân hàng
Bắt đầu từ nửa cuối năm 2021, lãi suất liên ngân hàng (LNH) đã bắt đầu tăng tại nhiều kỳ hạn có nhu cầu vay/gửi cao, như kỳ hạn qua đêm đến một tháng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất LNH kỳ hạn qua đêm, một tuần và một tháng tại ngày 7-1-2022 lần lượt ở mức 1,26%; 1,68% và 1,93%; tăng mạnh lần lượt 0,61; 0,92 và 0,63 điểm phần trăm so với mức 0,65%; 0,76% và 1,3% tại ngày 13-12-2021. Đáng chú ý, phiên giao dịch ngày 31-12-2021, NHNN đã bơm 10.000 tỉ đồng trên thị trường mở thông qua mua kỳ hạn giấy tờ có giá kỳ hạn hai tuần, lãi suất 2,5% để hỗ trợ thanh khoản thị trường. Đây cũng là lần hiếm hoi NHNN phải bơm tiền cho hệ thống trong năm 2021.
Qua những lập luận về nguồn cung thanh khoản trên đây, có thể thấy kịch bản lãi suất LNH ở mức cao và thanh khoản hệ thống eo hẹp hơn là hoàn toàn có thể.
Lãi suất LNH tăng mạnh và thanh khoản cần tới sự trợ giúp của NHNN cho thấy nhìn chung thanh khoản hệ thống ngân hàng đã giảm sút, song chưa tới mức eo hẹp, khi mặt bằng lãi suất các kỳ hạn có nhu cầu vay mượn nhiều từ kỳ hạn qua đêm đến một tháng đều trong khoảng 1,2-2%; vẫn ở mức thấp và dưới lãi suất cho vay trên thị trường mở đang ở mức 2,5%. Phiên NHNN cho vay trên thị trường mở vào ngày 31-12-2021 cũng chỉ có hai tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia, cho thấy thanh khoản chỉ thiếu hụt ở số ít TCTD.
Vậy dấu hiệu giảm sút thanh khoản này có báo hiệu cho một thời kỳ thanh khoản eo hẹp sắp tới hay chỉ mang tính chất mùa vụ dịp cận Tết như hàng năm?
Những chỉ báo tác động thanh khoản năm 2022
Về phía nhu cầu thanh khoản
Tín dụng có thể là kênh hút vốn của thị trường LNH cần chú ý trong năm 2022. Còn nhớ năm 2020, chính nhu cầu tín dụng sụt giảm mạnh do tác động của dịch bệnh là nguyên nhân chủ đạo khiến thanh khoản dư thừa trên thị trường LNH, kéo lãi suất thị trường này sụt giảm mạnh, thậm chí lãi suất kỳ hạn qua đêm về cận 0%, khi các TCTD hầu như không có nhu cầu vay mượn trong ngày. Năm 2021 ghi nhận tín dụng đã tăng trưởng mạnh mẽ, khi cả năm tăng 12,97% so với cuối năm 2021; cao hơn so với số cùng kỳ năm ngoái (ở mức 10,14%).
So với tương quan tốc độ huy động vốn, tín dụng có tốc độ tăng mạnh hơn, khi huy động vốn năm 2021 chỉ đạt 8,44%. Nhu cầu vốn ở mức cao trong năm 2021 còn thể hiện qua room tín dụng thường xuyên ở trạng thái thiếu hụt. Các ngân hàng thường xuyên phải đong đếm room tín dụng mỗi dịp cuối quí, cuối năm do hạn mức tín dụng mà NHNN cấp đã dùng hết trước đó.
Dòng tiền đổ về kênh gửi tiền tiết kiệm đã sụt giảm khi lãi suất huy động duy trì ở mức thấp, trong khi mở cửa nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng cao. Điều này rõ ràng đã tác động tới thanh khoản hệ thống ngân hàng và nó có thể là chỉ báo quan trọng cho thanh khoản năm 2022.
Năm nay, với kỳ vọng nền kinh tế mở cửa liên tục ngay cả khi dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, thì nhu cầu vốn của nền kinh tế sẽ tiếp đà tăng trưởng trong năm 2021.
Tăng trưởng của tín dụng có thể là yếu tố then chốt tác động tới thanh khoản hệ thống ngân hàng và kéo mặt bằng lãi suất LNH lên một mặt bằng mới. Có thể chúng ta sẽ không thấy lãi suất LNH dưới 1% ở bất cứ kỳ hạn nào trong nửa cuối năm 2022.
Việc NHNN tăng lãi suất có thể cần cân đối tới khả năng thích ứng của thị trường, nhất là trong bối cảnh kinh tế vừa phục hồi sau dịch bệnh.
Còn về nguồn cung vốn, liệu có đủ lớn để giữ thanh khoản hệ thống ngân hàng ở mức ổn định và duy trì mặt bằng lãi suất LNH ở mức thấp như năm 2021?
Về phía nguồn cung thanh khoản
Trong khuôn khổ bài viết, chúng ta sẽ điểm qua nhận định về hai nguồn cung thanh khoản trọng yếu cho hệ thống ngân hàng là nguồn tiền gửi của cư dân, doanh nghiệp và nguồn từ phía NHNN.
Về kênh bơm tiền của NHNN, chúng ta điểm qua ba kênh: dự trữ bắt buộc, tỷ giá và thị trường mở - cũng là ba kênh chủ đạo của chính sách tiền tệ những năm qua.
Dự trữ bắt buộc là kênh bơm tiền mạnh, song đang dần hết dư địa do tỷ lệ dự trữ đang ở mức rất thấp và NHNN cũng đã giảm thêm tỷ lệ này trong những năm qua áp dụng cho nhóm ngân hàng tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD thuộc diện kiểm soát đặc biệt (chủ yếu là nhóm ngân hàng quốc doanh có lượng tiền gửi rất lớn trong hệ thống ngân hàng) và giảm thêm dự trữ bắt buộc cho Agribank trong năm 2021 do đặc thù cho vay lĩnh vực tam nông.
Kênh tỷ giá và thị trường mở đều bơm tiền thông qua cơ chế mua tài sản là ngoại tệ hoặc mua kỳ hạn giấy tờ có giá. Trong khi kênh thị trường mở có tính chất bổ sung thanh khoản ngắn hạn do cơ chế mua kỳ hạn giấy tờ có giá chỉ trong ngắn ngày thì kênh tỷ giá là kênh bơm vốn chủ đạo của NHNN trong những năm qua. Tuy nhiên, có thể thấy ngay đặc điểm chung của hai kênh này đều là NHNN không thể chủ động bơm tiền, hoặc phải bơm tiền ở mức lãi suất cao.
Với kênh tỷ giá, NHNN phải bơm tiền thông qua mua đô la Mỹ, ở mức giá mua mà NHNN niêm yết. Năm 2022, với kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng nhiều lần lãi suất và ngưng hẳn gói QE (đồng nghĩa sẽ hạn chế bơm đô la ra thị trường), nguồn cung đô la sẽ hạn chế hơn và tỷ giá sẽ gặp nhiều áp lực tăng do tác động từ lãi suất đô la tăng. Việc NHNN có thể mua được đô la vì thế cũng đối diện với nhiều áp lực hơn.
Nhìn lại giai đoạn Fed tăng lãi suất trong năm 2018, tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đã tăng khá nhiều và áp lực bán đô la để bình ổn tỷ giá là tương đối lớn, chứ chưa nói tới khả năng NHNN mua được đô la ở giai đoạn này. Vì vậy, với việc Fed chắc chắn sẽ tăng mạnh lãi suất trong năm nay, rủi ro tăng tỷ giá là hiện hữu, trong khi kỳ vọng NHNN mua đô la để bơm tiền đồng vào thị trường sẽ giảm đáng kể.
Với kênh thị trường mở, do lãi suất thị trường mở cao hơn đáng kể so với lãi suất LNH nên NHNN chỉ có thể bơm tiền khi nhu cầu thanh khoản tăng nóng, lãi suất tăng mạnh. Vì vậy, tựu trung lại, việc bơm thanh khoản vào thị trường của NHNN sẽ là không chủ động hoặc bơm tiền ở mức lãi suất thị trường mở (2,5%), hoặc cao hơn nếu nhu cầu thanh khoản của hệ thống cần tới sự trợ giúp của các công cụ chính sách tiền tệ khác như lãi suất tái cấp vốn (4%); lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ (5%).
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu có áp lực từ tăng trưởng tín dụng lên thanh khoản LNH và mặt bằng lãi suất LNH, thì viễn cảnh lãi suất LNH tăng mạnh, neo quanh vùng lãi suất thị trường mở (2,5%) là hoàn toàn khả thi.
Về kênh tiền gửi khu vực dân cư, doanh nghiệp (thị trường 1): Khi nhu cầu tín dụng tăng cao, khả năng rất cao ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiền gửi cho nhóm đối tượng này thay vì chờ đợi NHNN bơm tiền đủ lớn để đáp ứng nhu cầu vốn của hệ thống, cũng bởi những lý do kể trên.
Lãi suất thị trường 1 nếu tăng có thể là một cú tăng mạnh trong năm 2022 do lãi suất huy động đang thấp hơn tỷ suất sinh lời của kênh trái phiếu doanh nghiệp hay chứng khoán khá nhiều. Và dĩ nhiên, khi lãi suất thị trường 1 tăng đồng nghĩa với chi phí vốn của ngân hàng tại thị trường 1 tăng và họ sẽ không sẵn sàng cho vay hoặc gửi tiền ở thị trường LNH với mức giá thấp nữa. Lãi suất thị trường 1 tăng sẽ là áp lực tăng lãi suất thị trường LNH.
Qua những lập luận về nguồn cung thanh khoản trên đây, có thể thấy kịch bản lãi suất LNH ở mức cao và thanh khoản hệ thống eo hẹp hơn là hoàn toàn có thể. Nó đồng nghĩa với nhu cầu vốn của nền kinh tế ở mức cao, là dấu hiệu tốt cho tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng đi kèm rủi ro nợ xấu tiềm tàng.
Kỳ vọng về chính sách tiền tệ năm 2022
Trong kịch bản nêu ở phần trên, NHNN có thể hỗ trợ nền kinh tế bằng việc duy trì bộ khung lãi suất điều hành như hiện tại để bình ổn lãi suất LNH và mặt bằng lãi suất thị trường 1 khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh. Lạm phát năm 2021 ở mức rất thấp, chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2020. Lạm phát thấp là điều kiện tốt để chính sách tiền tệ có nhiều dư địa trong việc giữ lãi suất điều hành ổn định trước các sức ép tăng lãi suất từ Fed trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, giai đoạn 2022-2023 được kỳ vọng là giai đoạn Fed sẽ tăng mạnh lãi suất với lần tăng đầu tiên được thị trường dự đoán vào tháng 3-2022, ngay sau khi Fed kết thúc hẳn gói QE. Áp lực tăng lãi suất từ Fed có thể đè nặng lên tỷ giá và khả năng duy trì lãi suất điều hành không đổi của NHNN, nếu nhìn nhận lại bối cảnh tỷ giá tăng mạnh trong năm 2018 (Fed nhiều lần tăng lãi suất trong năm 2018).
Vì vậy, việc NHNN tăng lãi suất trong năm nay là có thể và sẽ là hợp lý nếu việc tăng lãi suất có thể ổn định được tỷ giá nói riêng và nền tảng vĩ mô nói chung. Bởi chỉ khi vĩ mô ổn định mới tạo được môi trường hoạt động tốt nhất cho mọi chủ thể trong nền kinh tế. Song việc tăng lãi suất có thể cần cân đối tới khả năng thích ứng của thị trường, nhất là trong bối cảnh kinh tế vừa phục hồi sau dịch bệnh.