Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kịch bản tỷ giá ngày càng khó lường

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Những diễn biến mới về sức mạnh đồng bạc xanh tiếp tục gây áp lực đến các đồng tiền quốc tế, trong đó có lo ngại mới về khả năng tỷ giá bước vào chu kỳ tăng mới.

Tỷ giá liên ngân hàng đang chịu áp lực trong ngắn hạn. Ảnh: DNCC.

Ngày 22-11, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ với rổ ngoại tệ mạnh khác) tiếp tục phá mốc kỷ lục lập ra sau tuần chiến thắng của ông Donald Trump, khi vượt 107 điểm và về vùng điểm thiết lập hồi tháng cuối tháng 9. Tiền đồng cũng chịu áp lực không nhỏ khi tỷ giá liên ngân hàng tăng liên tục, cũng như những động thái điều hành mới của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh này, diễn biến đồng đô la được các chuyên gia đánh giá là ngày càng khó lường hơn. Để hiểu thêm về câu chuyện này, KTSG Online đã có buổi trao đổi với TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam về khả năng tỷ giá bước vào chu kỳ tăng mới.

KTSG Online: Sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, có lẽ không nhiều người nghĩ rằng tỷ giá cuối năm sẽ chịu áp lực lớn như vậy, thưa ông?

- TS. Lê Duy Bình: Ông Donald Trump được biết đến là người có quan điểm bảo hộ thương mại cao và chính quyền mới có xu hướng lặp lại tương tự như nhiệm kỳ trước đây. Khi bảo hộ tăng thì sẽ tác động đến thương mại toàn cầu. Điều này không chỉ tác động đến tiền đồng mà còn ảnh hưởng tương quan đến những đồng tiền khác nữa như euro hay yen Nhật hay cả đồng nhân dân tệ. Trước rủi ro thương mại như vậy, thị trường thường phản ứng thông qua thị trường hối đoái, có thể là tăng biện pháp phòng vệ với những biến động lớn về chính sách thương mại của Mỹ đối với toàn cầu trong tương lai.

Tuy nhiên, những diễn biến hiện nay hoàn toàn do thị trường phản ứng theo dự đoán còn thực tế vẫn chưa diễn ra. Đó là sự tính toán những khả năng rủi ro đối với những phòng vệ thương mại và xu thế bảo hộ có thể cao hơn. Tất cả chỉ là dự đoán.

Cũng cần phải nói thêm, chỉ số đô la phản ánh tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau, chính quyền Mỹ sắp tới thay đổi chỉ là yếu tố cộng hưởng. Ngoài ra, chúng ta còn thấy còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến như xung đột địa chính trị tiếp tục gia tăng. Điều đó cho thấy những rủi ro đối với hoạt động thương mại, dự trữ toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng kịch bản tăng tỷ giá thay đổi rất nhanh và khó lường, nhưng vẫn giữ ổn định trong phạm vi cho phép. Ảnh: NVCC.

Trước những diễn biến mới, có lo ngại cho rằng tỷ giá sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng mới sau khi hạ nhiệt đáng kể, ông nghĩ sao về điều này?

- Tỷ giá trong thời gian qua đúng là có hạ nhiệt nhưng không bền vững, thậm chí dấu hiệu gần đây cho thấy diễn biến sẽ còn căng thẳng. Tuy nhiên, cũng khó nói rằng tỷ giá sẽ bước vào chu kỳ tăng mạnh tới đây, vì thực tế bản thân nước Mỹ cũng chịu áp lực duy trì tỷ giá ở mức độ nào đó.

Đồng đô la Mỹ quá mạnh cũng chưa hẳn là điểm lợi ích lớn nhất cho Mỹ, trong khi ông Trump cũng muốn gia tăng xuất khẩu để thu hẹp thâm hụt thương mại với các nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, Mỹ cũng phát hành trái phiếu toàn cầu quy mô lớn nên áp lực trả nợ cũng lớn.

Mặc dù thị trường phản ứng cho thấy đồng đô la tăng mạnh, nhưng chính quyền sắp tới của ông Trump cũng sẽ phải tính toán làm sao để đồng đô la Mỹ không tăng qua mạnh so với các đồng tiền còn lại trên thấy giới. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cũng chỉ có thể tiếp tục theo dõi.

Một điểm nữa cần chú ý động thái giảm lãi suất của Fed. Thị trường mới đây lại giảm kỳ vọng về việc Fed tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 12. Điều này nghĩa là sắp tới tỷ giá vẫn còn chịu áp lực lớn?

- Fed đợt vừa rồi có hạ lãi suất mạnh. Trong tháng 12 tới đây, có thể cuộc họp FOMC chưa quyết định giảm lãi suất nhưng xu thế giảm lãi suất sẽ tiếp tục diễn ra. Xu thế tốt lên của nền kinh tế Mỹ cũng là một yếu tố có thể giúp Fed cân nhắc giảm lãi suất.

Việc giảm lãi suất này có thể cũng sẽ trở thành yếu tố dẫn đến việc giá trị đồng đô la Mỹ giảm sức hấp dẫn. Đây cũng là một lý do chúng ta kỳ vọng đồng đô la Mỹ không tăng quá mạnh trong thời gian tới.

Cũng cần nói thêm rằng bản thân ông Trump trước đó cũng có những quan điểm gây áp lực giảm lãi suất với Fed ngay cả trong thời kỳ ông Biden nắm quyền. Thêm nữa, chính quyền ông Trump cũng sẽ có xu hướng giảm lãi suất vì muốn tăng trưởng kinh tế. Fed mặc dù độc lập nhưng cũng sẽ có những áp lực thị trường nhất định.

Tính từ đầu năm thì tỷ giá đã tăng khá đáng kể. Ông kỳ vọng gì về diễn biến thị trường cuối năm nay?

- Trong những năm qua Việt Nam ít chứng kiến mức tăng tỷ giá như vậy. Nhưng đến thời điểm cuối năm thì có giảm nhiệt hay không thì chúng ta vẫn chưa thể biết được.

Từ phía cầu, nhu cầu ngoại tệ đang gia tăng mạnh vào cuối năm, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, trang thiết bị Những dữ liệu của ngành chế biến chế tạo mới đây cho thấy nhu cầu nhập hàng, nguyên vật liệu trong tháng cuối năm gia tăng, từ đó có thể gây áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, từ phía nguồn cung thì chúng ta cũng thấy xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp hay kiều hối cuối năm vẫn ổn định.

Một câu chuyện khác là lãi suất huy động trong vài tuần gần đây bắt đầu gia tăng, tức là tiền đồng hấp dẫn hơn. Chưa tính đến những tác động kinh tế khác, từ góc độ này cũng giúp gia tăng giá trị đồng nội tệ, trong khi lãi suất đô la Mỹ tiếp tục giảm thì chênh lệch sẽ rộng hơn. Điều này giúp giảm bớt giúp áp lực tỷ giá vào cuối năm.

Trong bối cảnh các áp lực hiện chủ yếu đến từ bên ngoài nhưng kết quả điều hành chính sách ngoại hối cho đến nay tỷ giá cơ bản vẫn giữ được tính ổn định và linh hoạt trong phạm vi cho phép. Từ nay đến cuối năm, nếu Ngân hàng Nhà nước điều tiết tốt quan hệ cung – cầu, hút hay bơm tiền tốt hơn thì giúp giảm thiểu tác động từ bên ngoài, đặc biệt là áp lực tỷ giá từ chỉ số đô la Mỹ.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới