(KTSG Online) - Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, để phát hiện sớm các ca bệnh, Bộ Y tế vừa kích hoạt lại việc giám sát bệnh đậu mùa khỉ bằng cách đo thân nhiệt, giám sát kiểm dịch tại các cửa khẩu.
- Vì sao phải cách ly tập trung người nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ?
- Giám sát chặt người nhập cảnh trước nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập
- Lo ngại đậu mùa khỉ xâm nhập, TPHCM muốn mở lại khai báo y tế với người nhập cảnh
Theo dõi 21 ngày với người nhập cảnh từ quốc gia có dịch bệnh
Ngày 22-8, Bộ Y tế đã ban hành quyết định hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát bệnh tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, giám sát kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo.
Trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần chuyển nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ. Sau đó, căn cứ theo kết quả khai thác dịch tễ để chuyển hành khách về cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị hoặc đề nghị hành khách tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày từ ngày nhập cảnh.
Đối với người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực có dịch lưu hành cần theo dõi sức khỏe trong 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Theo Bộ Y tế, trường hợp bệnh nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác định có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ… Khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch cần hạn chế tiếp xúc người khác và tới cơ sở y tế gần nhất.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tổ chức giám sát, tăng cường giám sát dựa vào sự kiện trong cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Đặc biệt, các đơn vị cần chú ý giám sát tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu và các cơ sở khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, chú trọng giám sát trên đối tượng nguy cơ cao gồm người đồng giới và người có suy giảm miễn dịch.
Tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh từ 0-11%
Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khi không phải là bệnh mới. Bệnh được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khi được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh theo thống kê trước đây dao động từ 0-11% nói chung và cao hơn ở trẻ nhỏ. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Mỹ), tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến nhóm virus đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi là 1%, và có thể cao hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch.
Hiện nay, một số quốc gia và vùng lãnh thổ gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận trường hợp bệnh xâm nhập. Tuy nhiên, đến ngày 21-8, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.