(KTSG) - Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm nay, Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa.
- Quốc hội ‘chốt’ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên
- Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng dịch vụ giao đồ ăn ở Đông Nam Á

“Động lực tiêu dùng đang khó khăn”
Cùng với đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng là một động lực tăng trưởng truyền thống của nước ta và cũng là mối quan tâm của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội vừa qua, khi thảo luận tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, ông Hùng cho rằng: “Xuất khẩu và đầu tư vẫn tăng trưởng tương đối tốt qua từng năm, nhưng động lực về tiêu dùng nội địa đang có những khó khăn”.
Để tăng trưởng trên 8%, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công, “chấp nhận” bội chi và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên lần lượt là 4-4,5% GDP và 4,5-5%. “Nói một cách đơn giản, giá cả hàng hóa sẽ tăng cao, muốn người tiêu dùng chi tiền nhiều hơn thì họ phải có thu nhập cao hơn hoặc có nhiều việc làm hơn. Tuy nhiên, đang có một số yếu tố ảnh hưởng đến điều này”, ông Hùng phát biểu.
Yếu tố đầu tiên, công cuộc tinh gọn, sắp xếp bộ máy nhà nước đang triển khai ảnh hưởng đến khoảng 100.000 người ở khu vực công, họ phải rời khỏi cơ quan nhà nước và tìm việc làm mới. Số này tuy không lớn so với tổng số cán bộ trong khu vực công, cũng như lực lượng lao động cả nước, nhưng sẽ ảnh hưởng “domino” đến gia đình của họ. Nếu tạm thời họ chưa có việc thì không có thu nhập; hoặc trong môi trường làm việc mới cũng khó có thu nhập tăng thêm. Ông Hùng cho rằng, đây là câu chuyện cần cân nhắc. “Khi chúng ta đưa tiền ra nền kinh tế nhiều hơn, giá cả hàng hóa tăng lên nhưng thu nhập không tăng thì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng”.
Tiêu dùng toàn xã hội, gồm phần lớn chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình và tỷ trọng nhỏ hơn từ Chính phủ, chiếm trên 60% GDP. Vì thế, kích thích tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng vượt 8% trong năm 2025, làm tiền đề cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn sắp tới.
Yếu tố thứ hai liên quan đến các chính sách thuế. Theo ông Hùng, xu hướng sửa đổi chính sách thuế có vẻ muốn tăng thuế nhiều hơn là giảm thuế. “Chúng ta cũng có giảm thuế ở một số thời điểm nhất định, như giảm thuế giá trị gia tăng hiện nay, nhưng cái này mang tính chất ngắn hạn, còn về dài hạn, chúng ta đang điều chỉnh tăng”.
Ông Hùng không đề cập cụ thể, song quan sát có thể thấy một số dự thảo luật thuế dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới như dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)… đề xuất mức thuế mới tăng khá mạnh so với hiện hành với nhiều nhóm mặt hàng, ngành hàng. Trong suốt quá trình thảo luận, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp luôn bày tỏ lo ngại mức thuế mới sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng.
Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong báo cáo thẩm tra Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, cũng cho rằng những động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống đến từ tổng cầu chưa được cải thiện mạnh mẽ. “Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm tốc cho thấy niềm tin tiêu dùng phục hồi chưa thực sự vững chắc”, ủy ban này nhấn mạnh.
Số liệu cho thấy tiêu dùng nội địa đang yếu hơn kỳ vọng, khi tăng trưởng giảm dần từ năm 2022. Hơn hai năm qua, tổng mức bán lẻ theo giá so sánh chỉ tăng trên dưới 6%. Trong khi đó, trước năm 2020 - thời điểm bùng phát dịch Covid-19, chỉ số này theo giá hiện hành luôn tăng trưởng hai chữ số, còn theo giá so sánh thì xấp xỉ 10%. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), điều này có thể phản ánh tâm lý thắt lưng buộc bụng và ưu tiên tích lũy tài chính của các hộ gia đình, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất định.
Nhanh chóng sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Để thúc đẩy tăng trưởng, không thể không hóa giải thách thức này. Trong Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, Chính phủ cho biết, sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa.
Chia sẻ bên hành lang kỳ họp bất thường, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết những giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7%, phấn đấu 7,5% vẫn còn nguyên hiệu lực. Với kịch bản mới - tăng trưởng vượt 8%, Chính phủ đã trình thêm nhiều nhóm giải pháp. Dẫn kinh nghiệm các nước, ông Hiếu cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng nhanh, cần các gói kích thích tăng trưởng để kích cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng.
Đặt trong bối cảnh của nước ta hiện nay, ông Hiếu cho rằng, gói chính sách kích thích tăng trưởng nên được cân nhắc với nguyên tắc thực thi ngay, có hiệu lực ngay nhưng không tạo áp lực lạm phát. Trong đó, phải ưu tiên tăng thu nhập và tăng tích lũy cho người dân, để kích thích tiêu dùng trong dân cư. “Ở góc độ chính sách, có lẽ, cần đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh để người dân có thêm khoản tiết kiệm...”, ông Hiếu nói.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó tác động tích cực đến cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Trong giai đoạn này, nếu chưa thực sự cần thiết thì không nên đề xuất tăng thuế để cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trường hợp buộc phải sửa đổi chính sách thuế thì nên đặt mục tiêu dài hạn, ví dụ lùi thời hạn áp dụng thêm khoảng 2-3 năm nữa. Đồng thời, cần rà soát các chính sách phí, lệ phí để tiếp tục kéo dài chính sách miễn giảm hoặc xây dựng chính sách mới cũng như sửa ngay các quy định làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, hoàn thiện thủ tục hoàn thuế bảo đảm doanh nghiệp không phải chờ đợi...
Để kích thích chi tiêu của người tiêu dùng, ông Nguyễn Đình Đức, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cũng đề xuất nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, theo ông Đức, việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt bằng cách giảm lãi suất, mở rộng tín dụng tiêu dùng, tăng cơ hội vay tiêu dùng, linh hoạt trong quản lý nợ, và giảm chi phí vay sẽ kích thích chi tiêu tiêu dùng một cách toàn diện.
Tiêu dùng toàn xã hội, gồm phần lớn chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình và tỷ trọng nhỏ hơn từ Chính phủ, chiếm trên 60% GDP. Vì thế, kích thích tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng vượt 8% trong năm 2025, làm tiền đề cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn sắp tới.