(KTSG Online) – Các chuyên gia cho rằng lạm phát tại Việt Nam xuất phát từ chi phí đẩy nên biện pháp hữu hiệu nhất để chống lạm phát là giảm thuế, đặc biệt là thuế liên quan đến xăng dầu. Việc tăng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng kiềm chế lạm phát.
- Các ngân hàng trung ương hối hả tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát
- Hoá giải áp lực lạm phát từ chính sách quản lý - điều hành xăng dầu
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho biết "bóng ma" lạm phát được hình thành từ sự chủ quan, tin rằng việc tung hàng chục ngàn tỉ đô-la Mỹ “giải cứu” nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh sẽ không tạo ảnh hưởng lớn. Nhưng ngược lại, lạm phát tháng 6 tại Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao nhất trong 40 năm qua.
Tương tự, lạm phát tháng 6 tại Eurozone tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức 8,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó, theo văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat).
Ngoài ra, cuộc xung đột Nga – Ukraine - yếu tố không ai ngờ đến - cũng khiến áp lực lạm phát tăng thêm.
“Các yếu tố này kéo sau là khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng toàn cầu”, ông Nghĩa nói tại tọa đàm “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” ngày 14-7.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho biết ba rủi ro lớn nhất toàn cầu phải đối mặt hiện nay, gồm lạm phát tăng cao khiến Fed buộc phải tăng lãi suất; giá cả năng lượng tăng ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến kinh tế toàn cầu không đạt tăng trưởng như dự báo.
Với rủi ro lạm phát, ông Lực cho rằng lạm phát cao xuất phát từ việc giá xăng, dầu liên tục gia tăng khiến tất cả giá cả các mặt đều tăng. Trong đó, phân bón, năng lượng, lương thực, thực phẩm là những mặt hàng có mức tăng lớn nhất khi ước tăng 20% trong cả năm 2022.
Với Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết lạm phát thế giới xâm nhập theo con đường nhập khẩu, rồi đi dần vào giá tiêu dùng.
“Như vậy nước ta chỉ có lạm phát chi phí đẩy chứ không bao gồm cả lạm phát cầu kéo như ở Mỹ và các nước châu Âu”, ông Nghĩa nhận định.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới do kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế ở mức cao.
Đáng lưu ý, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm hơn 50% trong tổng chi phí nguyên vật liệu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế.
Ngoài ra, đại dịch và khủng hoảng Nga - Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao, kéo giá nguyên nhiên vật liệu trong nước tăng theo. Điều này đã tạo áp lực lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, qua đó tạo áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực cho rằng lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy - một loại lạm phát có chủ đích gây ra bởi sự gia tăng chi phí của hàng hóa hoặc dịch vụ quan trọng mà không có sẵn phương án thay thế thích hợp. Điển hình là sự gia tăng của giá bán lẻ xăng dầu với 13 lần điều chỉnh tăng từ đầu năm tới nay.
Hiện giá bán lẻ với mỗi lít RON 95-III vẫn cao hơn 6.380 đồng so với đầu năm, xăng E5 RON 92 là 5.230 đồng, còn dầu diesel là 9.020 đồng.
Để chống lạm phát chi phí đẩy, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng điều duy nhất Chính phủ có thể làm lúc này là giảm các loại thuế và phí, trong đó có thuế với xăng, dầu, nhất là trong bối cảnh thuế và các loại chi phí chiếm khoảng 35% trong cơ cấu giá bán lẻ xăng, dầu.
“Xăng, dầu của chúng ta đang đánh thuế cao, khi giá xăng leo cao sẽ khiến tất cả các loại hàng hoá tăng giá”, ông Nghĩa lo ngại.
Ông Cấn Văn Lực kiến nghị các cơ quan quản lý sớm thực hiện các giải pháp phải bình ổn giá xăng dầu để kiểm soát lạm phát.
“Việt Nam có rất nhiều điều kiện để ổn định giá xăng dầu như ngân sách tăng thu do giá dầu thế giới tăng mạnh nên có nhiều đề xuất nên dùng phần thu tăng thêm này để giảm thêm các loại thuế phí khác cho xăng dầu trong nước, bên cạnh thuế bảo vệ môi trường đã giảm kịch khung”, ông Lực nói tại hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" ngày 15-7.
Còn ông Nguyễn Bích Lâm kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng.
Điều này, theo ông Lâm, giúp thúc đẩy tổng cung và giảm áp lực lạm phát.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp và các bộ, ngành cần phối hợp thực hiện đa dạng nguồn cung, đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia châu Âu áp dụng nhiều lệnh trừng phạt với Nga.
Với giải pháp điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh quan điểm lạm phát tại Việt Nam tăng chủ yếu do yếu tố giá cả (chi phí đẩy - PV) hơn là yếu tố tiền tệ (cung tiền và vòng quay tiền - PV).
“Việc tăng lãi suất chỉ có tác dụng nhiều khi lạm phát do yếu tố tiền tệ. Vậy nên tăng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, chương trình phục hồi kinh tế đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất, nếu tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này”, ông Lực nói.
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, cho biết cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam hiện tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất chưa phải vấn đề cần thiết. Ngoài ra, mức giảm giá của đồng Việt Nam so với một số ngoại tệ mạnh không quá lớn nên cần giữ ổn định tỷ giá của đồng Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Quốc hội đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, nên các điều hành liên quan đến vấn đề này vô cùng quan trọng, đòi hỏi cơ quan quản lý phải thận trọng.
TS Nguyễn Bích Lâm cũng lưu ý cơ quan quản lý phải đánh giá, quan sát kỹ trước khi điều chỉnh lãi suất vì nhiều ngành sản xuất trong nước phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
“Nếu tăng lãi suất thì càng phá giá đồng tiền, khi đó nền kinh tế cũng chịu ảnh hưởng từ lĩnh vực nhập khẩu”, ông Lâm cảnh báo.
Cứ mỗi lần xăng tăng thì giá hàng hóa tăng theo nhưng khi xăng giảm thì giá hàng hóa vẫn giữ nguyên. Năm 2000 giá tô phở gần nhà tôi 10.000, giá một lít xăng là 15.000 , sau đó nhiều lần xăng tăng thì phở tăng nhiều lần, nhưng khi xăng giảm n lần thì phở vẫn giữ giá, bây giờ xăng gần 30.000 một lít thì tô phở gần nhà tôi đã 50.000. Xăng là mặt hàng tăng giảm không ổn định trên thế giới và dễ ảnh hưởng tới giá hàng hóa. Nên ổn định giá xăng trong thời gian lâu dài, thí dụ giữ giá xăng cố định 30.000, khi giá xăng giảm thì tăng thuế cao lên, số tiền thuế này sẽ bỏ vào một quỹ gọi là quỹ ổn định giá xăng, rồi khi xăng tăng quá 30.000 thì dùng quỹ này để bù giữ cho giá xăng vẫn 30.000.