Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Kiềm chế lạm phát: Hiểu đúng để kỳ vọng đúng và hành động phù hợp

Phan Minh Ngọc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Từ khóa “bão giá”, hay thuần hơn thì là “giá cả tăng” hoặc “lạm phát” đang ngày càng trở thành “hot trend” không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới nói chung. Vấn đề ở đây là người dân và doanh nghiệp, trong mọi cơn bão giá, đều phải chủ động với những biện pháp đối phó riêng của mình mà không nên kỳ vọng quá nhiều vào khả năng của Chính phủ.

Như một thông lệ, báo chí Việt Nam về chủ đề này thường kết thúc trong nỗi “hoang mang”, đại loại rằng lời giải cho bài toán kiềm chế lạm phát “có lẽ” nằm ở các chính sách điều hành giá cả của Chính phủ, ngoài việc thòng thêm những biện pháp chung chung cho có khác như doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí...

Về phía Chính phủ, mà cụ thể nhất là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, mỗi khi bị chất vấn hay hỏi đến thường thì sẽ lặp lại những biện pháp quá quen thuộc, như đẩy mạnh triển khai công tác quản lý giá; theo sát diễn biến cung cầu để có phương án điều hành, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, thanh tra và kịp thời xử lý các vi phạm, té nước theo mưa; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, biện pháp ổn định giá, kiểm soát lạm phát; thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí theo nghị quyết...

Cần nhìn nhận một sự thật khá “đau lòng” rằng Chính phủ (không chỉ của Việt Nam) dù muốn, dù cố gắng nỗ lực đến đâu thì cũng chỉ kiềm chế được lạm phát trong một mức độ nhất định (đi kèm với cái giá phải trả cũng đau đớn không kém lạm phát) cho đến lúc hầu như... buông xuôi theo thị trường!

Kỳ vọng từ dư luận, người dân vào Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát là điều dễ hiểu, một phần vì chức năng của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và một phần khác vì chính sự tuyên truyền làm cho người dân có kỳ vọng quá cao đặt vào khả năng kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Nếu lạm phát không được kiềm chế đúng như kỳ vọng thì đương nhiên hình ảnh của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng.

Lối tư duy, thiết lập kỳ vọng này cần được thay đổi, không chỉ cho lợi ích của Chính phủ, mà còn cho cả người dân và doanh nghiệp. Tất cả các bên cần phải biết, cần nhìn nhận một sự thật khá “đau lòng” rằng Chính phủ (không chỉ của Việt Nam) dù muốn, dù cố gắng nỗ lực đến đâu thì cũng chỉ kiềm chế được lạm phát trong một mức độ nhất định (đi kèm với cái giá phải trả cũng đau đớn không kém lạm phát) cho đến lúc hầu như... buông xuôi theo thị trường!

Biết được sự thật trên thì người dân và doanh nghiệp trong mọi cơn bão giá đều phải chủ động với những biện pháp đối phó riêng của mình mà không nên kỳ vọng quá nhiều vào khả năng của Chính phủ.

Về phần mình, các cơ quan chức năng của Chính phủ nên thực chất hơn khi nói về các giải pháp của mình. Xin đừng lặp lại những thông điệp có phần phản tác dụng như “đẩy mạnh” với “tăng cường” cái nọ, cái kia, bởi nó tạo ra một câu hỏi “to đùng” là chẳng lẽ từ trước đến lúc có bão giá họ “vật vờ” với chức năng quản lý giá cả hay sao? Và cũng xin đừng nhấn mạnh hay lạm dụng các biện pháp phi thị trường như kiểm tra từng cửa hàng xem có đầu cơ, găm giữ hàng hóa hay không, có vi phạm về công bố giá cả hay không, hoặc cấm xuất khẩu hay nhập khẩu một số hàng hóa nào đó với lý do để bình ổn giá cả trong nước... Kể cả giảm thuế, phí, liệu có giảm được mãi?

Điều mà Việt Nam có thể học hỏi ở đây là để kiềm chế lạm phát thì giải pháp hữu hiệu đầu tiên phải cân nhắc và áp dụng chính là giải pháp tiền tệ, cụ thể là thắt chặt chính sách tiền tệ, và giải pháp này cần được tuyên bố trước và rõ ràng để thị trường và người dân còn có kế hoạch trù bị.

Quan trọng hơn, cơ quan chức năng cần thẳng thắn nhìn nhận, tuyên truyền khả năng có hạn của mình trong việc kiềm chế lạm phát để người dân và doanh nghiệp không bị thất vọng. Như nói ở trên, chính phủ nào cũng vậy, dù ở Việt Nam hay trên thế giới, cũng chỉ có khả năng kiểm soát lạm phát ở một mức độ nhất định trước khi phải chịu thua thị trường.

Chuyển sang bàn đến cụ thể những gì mà các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể làm được một cách hữu hiệu với cái giá phải trả tối thiểu nhất trong bối cảnh bão giá hiện nay. Xin lấy ngay ví dụ về cách làm của Chính phủ Singapore, một chính phủ rất có năng lực và, quan trọng hơn, rất có trách nhiệm với quyền lợi của dân và doanh nghiệp.

Singapore trong những tháng qua cũng đã phải trải qua mức lạm phát kỷ lục trong cả thập kỷ trở lại đây. Việc đầu tiên mà chính phủ làm, thông qua MAS, ngân hàng trung ương của nước này, là tuyên bố “sẽ tăng nhẹ” lãi suất như cách mà MAS đã làm hồi tháng 1 năm nay. Việc này đồng thời cũng sẽ củng cố giá trị của nội tệ SGD, làm giảm áp lực nhập khẩu lạm phát. Cần lưu ý là MAS nói riêng và Chính phủ Singapore nói chung rất minh bạch và rõ ràng trong đường lối chính sách của mình, như việc họ tuyên bố trước về động thái tăng lãi suất này(1).

Điều mà Việt Nam có thể học hỏi ở đây là để kiềm chế lạm phát thì giải pháp hữu hiệu đầu tiên phải cân nhắc và áp dụng chính là giải pháp tiền tệ, cụ thể là thắt chặt chính sách tiền tệ, và giải pháp này cần được tuyên bố trước và rõ ràng để thị trường và người dân còn có kế hoạch trù bị.

Cho đến nay, hầu như không có mấy thảo luận chính sách về chuyện này ở Việt Nam mà hầu như sự tập trung chỉ nhằm vào những giải pháp phi thị trường và có tác dụng hạn chế như nói ở phần đầu. Tất nhiên, một trong những lý do cho việc này ở Việt Nam có thể là e ngại về tác động tâm lý của thắt chặt tiền tệ, đồng thời hậu quả tiêu cực của nó lên việc phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh sau hai năm trầy trật vì Covid.

Thứ đến, Chính phủ Singapore thực hiện một số giải pháp trong quá trình theo dõi chặt chẽ và dự báo lạm phát. Nếu họ thấy lạm phát có xu hướng duy trì và cao hơn kỳ vọng thì, ngoài giải pháp trước tiên là giải pháp thắt chặt tiền tệ, họ sẽ “cung cấp thêm trợ giúp để giúp người dân đối phó với giá cả tăng”(2).

Những giải pháp trợ giúp này rất cụ thể, trực tiếp nhắm đến những nhóm đối tượng cần trợ giúp chứ không chung chung. Cụ thể, Chính phủ Singapore cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, các phiếu hoàn thuế giá trị gia tăng và tăng cường chi từ gói an sinh xã hội. Nếu tình hình giá cả tiếp tục căng thẳng, nhất là khi Singapore sẽ tăng phí carbon từ năm sau, thì chính phủ sẽ tăng chi hỗ trợ tiền điện, nước, chất đốt cho các hộ dân sống trong nhà do chính phủ xây và quản lý.

Bài học cho Việt Nam từ giải pháp trên của Singapore là thay vì giải pháp phi thị trường chung chung, Chính phủ cần hiểu rõ khả năng có hạn của mình, phải chấp nhận và để người dân và doanh nghiệp hiểu được thực tế phũ phàng rằng giá cả có thể sẽ phải tăng lên, thậm chí là tăng mạnh, trong một thời gian dài (như Singapore đã phải chấp nhận mức lạm phát tăng lên kỷ lục trong nhiều năm). Nên, thay vào đó, nỗ lực của Chính phủ cần tập trung một cách có chọn lọc vào giảm nhẹ gánh nặng giá cả tăng cho cá nhân và hộ gia đình có thu nhập thấp. Và điều quan trọng không kém là chính sách này cần phải được thực thi nhanh chóng và đúng đối tượng.

(1) https://www.channelnewsasia.com/singapore/why-singapore-inflation-rising-prices-higher-what-can-be-done-2463081
(2) https://www.straitstimes.com/singapore/government-will-do-more-to-help-singaporeans-if-inflation-is-higher-than-expected-lawrence-wong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới