Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Kiềm chế lạm phát và ngăn suy thoái – thách thức quá lớn với các ngân hàng trung ương

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Phần lớn các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tham gia vào cuộc chạy đua nâng lãi suất để kiềm chế tỷ lệ lạm phát cao dai dẳng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất quá mức được dự báo có thể đẩy nhiều quốc gia, hoặc thậm chí cả nền kinh tế toàn cầu tiến sát bờ vực của một cuộc suy thoái.

Khi tăng lãi suất trở thành “điều bình thường mới”

Sau khi đã hành động chậm chạp và để tỷ lệ lạm phát tăng lên mức tồi tệ nhất trong bốn thập kỷ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giờ đây đã không giấu giếm quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại đà leo thang giá cả, ngay cả với cái giá phải trả là nền kinh tế sẽ giảm tốc, hoặc thậm chí bị thu hẹp. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã sẵn sàng thực hiện canh bạc tương tự.

Theo Bloomberg, khoảng 90 ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất trong năm nay. Một nửa trong số này đã thực hiện ít nhất một đợt tăng ở mức 75 điểm cơ bản, và nhiều ngân hàng thậm chí đã thực hiện nhiều đợt tăng mạnh tay như vậy. Tất cả đã tạo ra “một cuộc đua nâng lãi suất”, theo cách gọi của chuyên gia Kinh tế trưởng Ethan Harris tại Bank of America.

Giờ đây, việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới đang được thực hiện một cách mạnh mẽ nhất trong vòng 15 năm qua, và dần được các chuyên gia kinh tế coi là “điều bình thường mới”. Điều này cũng đánh dấu sự khép lại của kỷ nguyên tiền rẻ được khởi đầu từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Cùng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, các nhà hoạch định chính sách cũng bắt đầu đưa ra những tuyên bố mang màu sắc u ám, thừa nhận rằng, việc nâng lãi suất sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhất định với nền kinh tế. Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi tháng trước cho biết, chiến dịch chống lạm phát “sẽ mang lại một số khó khăn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp” trong khi thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Isabel Schnabel cũng đề cập đến sự suy giảm sản lượng kinh tế cần thiết để kiềm chế lạm phát. Tại Anh, BOE dự đoán nền kinh tế xứ sở sương mù có thể rơi vào suy thoái từ cuối năm nay, và sẽ không thể thoát ra cho tới tận năm 2024.

Hôm 14-9, trong một tuyên bố, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các ngân hàng trung ương toàn thế giới trong cuộc chiến chống lạm phát, cho rằng các thể chế tài chính cần phải kiên trì khi lạm phát vẫn ở mức cao.

Tăng lãi suất sẽ khiến kinh tế suy giảm đến mức nào

Có rất ít nghi ngờ về việc chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế. Câu hỏi được đặt ra là mức tổn hại đó sẽ lớn đến đâu? Theo các chuyên gia phân tích tại BlackRock, việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% của Fed sẽ đồng nghĩa với một cuộc suy thoái sâu, và khiến thêm 3 triệu người mất việc làm. Mục tiêu của ECB sẽ còn khiến nền kinh tế suy giảm mạnh hơn.

Độ trễ trước khi việc tăng lãi suất thực sự ảnh hưởng đến nền kinh tế là một trong những yếu tố làm gia tăng sự không chắc chắn. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng, tình trạng lạm phát ngày nay, phần lớn bắt nguồn từ các cú sốc về năng lượng và nguồn cung - điều mà các ngân hàng trung ương có rất ít khả năng hoặc thậm chí hoàn toàn không kiểm soát được. Điều này đặc biệt đúng với các nền kinh tế châu Âu, nơi ECB và BOE đều đang sẵn sàng mạnh tay tăng lãi suất.

Các báo cáo lạm phát cao hơn dự kiến trong tháng 8 của Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán ghi nhận cú lao dốc mạnh nhất trong vòng hơn hai năm qua, khi các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng vào việc Fed sẽ mạnh tay nâng lãi suất. Tỉ phú quản lý quỹ đầu cơ Ray Dalio tin rằng, thị trường chứng khoán sẽ đối mặt với nguy cơ sụt giảm hơn 20% khi lãi suất tiếp tục tăng.

Các ngân hàng trung ương dĩ nhiên vẫn muốn giữ cho nền kinh tế ở trạng thái ổn định. Tại một số thời điểm, họ có thể giảm bớt mức độ quyết liệt trong các chính sách của mình nhằm đảm bảo điều đó. Tuy nhiên, trọng tâm hàng đầu hiện nay của giới hoạch định chính sách vẫn sẽ là tránh lặp lại những sai lầm trong thập niên 1970 - khi những người tiền nhiệm của họ đã sớm nới lỏng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, mà không kiểm soát được lạm phát trước tiên. Những người ủng hộ việc mạnh tay tăng lãi suất tin rằng, việc để lạm phát liên tục được duy trì ở mức cao sẽ gây ra những thiệt hại lớn hơn cho nền kinh tế trong dài hạn.

Anna Wong, chuyên gia Kinh tế trưởng về Mỹ tại Bloomberg Economics ước tính rằng, cuối cùng, Fed sẽ phải nâng lãi suất cơ bản của mình lên 5% - cao gấp đôi mức hiện nay. Điều này được dự báo có thể khiến nền kinh tế Mỹ mất đi 3,5 triệu việc làm và giáng một đòn mạnh vào thị trường chứng khoán vốn đã gặp nhiều khó khăn.

Một cuộc khảo sát của Bank of America đối với các nhà quản lý quỹ trong tháng này cho thấy kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu đã ở gần mức thấp nhất mọi thời đại. Một lý do cho sự lo lắng này là việc chính sách tiền tệ luôn hoạt động với độ trễ. Nó sẽ làm suy yếu thị trường tài chính trước tiên, sau đó đến nền kinh tế, và cuối cùng là lạm phát. Vì vậy, việc các đợt tăng lãi suất mạnh tay được lặp đi lặp lại sẽ trở nên nguy hiểm.

Mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng trung ương

Cho đến thời gian gần đây, việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ dường như là điều không có gì phải bàn cãi, trong bối cảnh lạm phát cao ngất ngưởng, thị trường lao động vững mạnh và lãi suất ở mức thấp trong suốt một thời gian dài.

Nhưng sự đánh đổi đang ngày càng trở nên khó khăn hơn khi lãi suất cao bắt đầu ảnh hưởng đến các nền kinh tế vốn đang phải hứng chịu những dư chấn của đại dịch kéo dài và cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Chi phí đi vay ở nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Mỹ, đang chuyển từ mức kích thích sang hạn chế. Đô la Mỹ tăng mạnh đang làm tổn thương các thị trường mới nổi. Nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga bị cắt giảm mạnh đang làm gia tăng nguy cơ lạm phát đình trệ ở châu Âu, do giá cả tăng cao trong khi suy thoái kinh tế xuất hiện.

Các nhà hoạch định chính sách vẫn bày tỏ hy vọng họ có thể thực hiện thủ thuật làm chậm lạm phát mà không làm con tàu tăng trưởng kinh tế trật bánh hoàn toàn, và dần dần kiềm chế việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này còn lâu mới xảy ra.

Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, Loretta Mester cho biết “bạn có thể sẽ nghĩ đến giai đoạn chuyển tiếp vào một thời điểm nào đó. Nhưng đây không phải là vấn đề cần cân nhắc vào thời điểm hiện tại, mà là trong tương lai”.

Ngoài ra, vấn đề khôi phục sự tín nhiệm cũng là một yếu tố quan trọng đối với các ngân hàng trung ương, vốn đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích do những phán đoán sai lầm về tình hình lạm phát trước đó. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã dành phần lớn thời gian trong năm 2021 để mô tả cú sốc lạm phát chỉ là hiện tượng nhất thời. Ông và các đồng nghiệp đã dự đoán rằng, trong năm nay Fed sẽ chỉ cần tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, bằng một phần ba mức tăng trên thực tế.

Tương tự, hồi tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết việc tăng lãi suất tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ khó xảy ra trong năm 2022. Còn hiện tại, ECB đã tiến hành một đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, và dự kiến sẽ lặp lại động thái này trong tháng 10.

Những sai lầm này đang khiến các nhà hoạch định chính sách gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giành chiến thắng. Rob Subbaraman, chuyên gia kinh tế trưởng tại Nomura Holding nhận xét: “Tín nhiệm là tất cả đối với các ngân hàng trung ương, và điều này đã bị sụt giảm đáng kể khi những nhận định lạm phát chỉ là tạm thời bị chứng minh là sai lầm. Việc lấy lại sự tín nhiệm đang là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trung ương, ngay cả khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ đồng nghĩa với suy thoái kinh tế. Đó là bài học mà giới hoạch định chính sách đã rút ra từ thập niên 1970”.

Nguồn: Bloomberg, Financial Times, Wall Street Journal, Reuters

1 BÌNH LUẬN

  1. Không có gì mới. Fed hay ECB cũng vậy thôi. Bổn cũ soạn lại để chống lạm phát vẫn là tận dụng vai trò của công cụ lãi suất. Nhưng liệu điều này có giải quyết được mâu thuẫn thâm căn cố đế của nền kinh tế hiện đại ngày nay? Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, chi tiêu vô tội vạ, nguồn lực bị lãng phí và tàn phá vì những mục tiêu, tham vọng chính trị … trong khi dân tình thì mãi tiếp tục quay cuồng với bão giá, đời sống ngày càng khốn khổ. Vậy làm sao có thể quay ngược lại guồng máy kinh tế xã hội theo những quy luật thông thường vốn có? Cách hiệu quả nhất là mỗi một quốc gia phải biết tự lựa chọn con đường đi của chính mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới