Kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng tối đa 2 năm
Hồng Phúc
Các tổ chức tín dụng khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt có thể bị kiểm soát lên đến 2 năm. Ảnh minh họa: Lê Toàn |
(TBKTSG Online) - Thời hạn kiểm soát đặc biệt đối với một tổ chức tín dụng tối đa có thể là 2 năm, kể từ ngày quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đặt tổ chức tín dụng này vào tình trạng kiểm soát đặc biệt có hiệu lực.
Đây là một trong những nội dung của dự thảo thông tư quy định về hoạt động kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, vừa được Ngân hàng Nhà nước gửi đến các tổ chức tín dụng để lấy ý kiến.
Kiểm soát đặc biệt, theo Luật Các tổ chức tín dụng, là việc một tổ chức tín dụng được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.
Cũng theo dự thảo trên, tổ chức tín dụng có thể bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong những trường hợp sau đây: có nguy cơ mất khả năng chi trả; có nguy cơ mất khả năng thanh toán, được biểu hiện qua nợ xấu chiếm từ 10% trở lên so với tổng dư nợ cho vay hoặc từ 100% tổng vốn tự có trở lên trừ trường hợp đã trích dự phòng bằng 100% nợ xấu; hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% tổng giá trị thực có của vốn điều lệ và các quỹ; hoặc không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu do Ngân hàng Nhà nước quy định trong thời hạn 1 năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trên thực tế, một số tổ chức tín dụng có thể mất khả năng chi trả tại một thời điểm nào đó nhưng chưa hẳn đã mất khả năng thanh toán. Các trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong thời gian qua cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém về tài chính, mất khả năng thanh toán của tổ chức tín dụng là do tổ chức đó vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.
Việc một tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt sẽ không được công khai, trừ trường hợp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép. Các thành viên Ban kiểm soát đặc biệt cũng chỉ được cung cấp thông tin có liên quan về tổ chức tín dụng đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong thời gian bị kiểm soát đặc biệt, khi chưa có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc và người có liên quan trong tổ chức tín dụng sẽ bị nghiêm cấm chuyển nhượng cổ phần, chia cổ tức, cất giấu, tẩu tán, cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng tài sản và các tài liệu, hồ sơ liên quan. |