(KTSG Online) – Giá dầu thô thế giới liên tục tăng cao đặt các nhà quản lý đứng trước bài toán kiểm soát về giá xăng dầu nội địa, trong bối cảnh lo ngại kịch bản lạm phát kỳ vọng tăng vọt trong năm nay.
Trong phiên giao dịch ngày 2-3 theo giờ địa phương, giá dầu thô tiếp tục đà tăng mạnh sau động thái OPEC+ quyết định giữ sản lượng ổn định. Theo đó, giá dầu WTI tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập niên, trong khi dầu Brent vượt mốc 113 đô la/thùng.
Tại Việt Nam, giá xăng dầu bán lẻ vào chiều ngày 1-3 tiếp tục điều chỉnh tăng, tiến sát đến mốc 27.000 đồng/lít, ghi nhận mức cao kỷ lục.
Trong báo cáo mới đây, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho rằng ảnh hưởng rõ ràng nhất của cuộc chiến Nga – Ukraine là giá xăng dầu trong nước tăng và lạm phát có thể tăng theo.
Trong năm ngoái, giá dầu Brent tăng 76% dẫn đến mức tăng 48% của xăng RON95 nội địa và mức tăng 16% của CPI giao thông vận tải. Còn tính từ đầu năm đến cuối tháng 2, giá dầu thô Brent đã tăng 27,2% trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng vọt 1%. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu (tăng thêm 5,8% so với tháng 1) và nhóm thực phẩm, lương thực (0,35% ) là những nguyên nhân chính đẩy CPI tăng cao.
Trước đó, khi dầu thô vượt mốc 100 đô la/thùng, JP Morgan đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra và sẽ có tác động tới giá dầu, với mức giá nằm trong khoảng 88-105 đô la Mỹ/thùng, trong đó kịch bản xấu nhất là Nga có thể tiến hành các biện pháp trả đũa và thỏa thuận với Iran không thành công.
Dựa trên 3 kịch bản nêu trên, ông Nguyễn Quang Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, dự đoán tác động của giá dầu thế giới ảnh hưởng đến lạm phát toàn phần với các mức tăng 0,65%, 0,3% va 0,08% so với dự báo hiện tại.
Tương tự, khối phân tích của Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MIB) cũng đưa ra 3 kịch bản lạm phát, nhưng thiên về trường hợp cơ sở nhiều hơn. Theo đó, lạm phát trong năm nay dự kiến ở mức 3,8%, tức vẫn ở dưới con số mục tiêu 4% mà Việt Nam đặt ra.
Theo các chuyên gia đánh giá, lạm phát kỳ vọng tăng cao là có, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát vì giá năng lượng chỉ tăng trong ngắn hạn và Chính phủ vẫn còn dư địa để kiểm soát.
“Hiện nay, rủi ro lạm phát chủ yếu đến từ giá năng lượng, vốn đang tăng cao do căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng giá dầu thô sẽ sớm hạ nhiệt, tránh hiệu ứng lan rộng vì căng thẳng này chỉ trong ngắn hạn”, ông Hoàng Huy, chuyên viên phân tích chiến lược của MIB đánh giá.
Còn theo Dragon Capital, ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng lên lạm phát Việt Nam có thể sẽ không quá lớn bởi vì không phải lúc nào giá xăng trong nước với giá dầu thế giới cũng biến động cùng chiều. Mặt khác, Chính phủ vẫn còn dư địa để giúp hạ nhiệt giá năng lượng, cũng như các yếu tố bình ổn giá khác.
Chẳng hạn Thủ tướng Chính phủ hiện yêu cầu Bộ Tài chính cân nhắc việc giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, chi tiết sẽ được thảo luận vào kỳ họp Quốc hội tới đây. Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường chiếm tới 15% giá xăng dầu trong nước và tổng các loại thuế và phí chiếm tới 42%.
Còn Bộ Công Thương và các bộ ban ngành liên quan có kế hoạch thực hiện bán đấu giá 100 triệu lít xăng RON-92 từ dự trữ quốc gia trong tháng này để tăng nguồn cung trong nước.
Ngoài ra, để duy trì lạm phát dưới mức mục tiêu Quốc hội đã đề ra là 4%, Dragon Capital cũng cho rằng Chính phủ có thể thực hiện một số biện pháp để kiểm soát giá, bao gồm hỗ trợ tài chính công ty lọc hóa dầu để hỗ trợ xử lý một số khó khăn tạm thời và đưa công suất về mức bình thường.
Còn theo MIB, những yếu tố có thể giúp Việt Nam thoát khỏi vòng xoáy lạm phát còn đến từ thị trường quốc tế. Chẳng hạn, lạm phát của Việt Nam thường tỷ lệ với Trung Quốc nhiều hơn trong khi tỷ lệ lạm phát năm nay của nước này sẽ ở mức vừa phải. Thứ hai, lạm phát của các nước phát triển được dự báo sẽ giảm từ quí 2 này, khi đó có lợi cho Việt Nam, tạo thêm động lực hồi phục cho nền kinh tế. Ngoài ra, đồng đô la tăng giá và kinh tế Việt Nam hồi phục, thặng dư tài khoản vãng lai ở mức cao cũng sẽ giúp làm giảm “nhập khẩu” lạm phát.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu hiện vẫn cho rằng lạm phát về mặt con số theo chỉ số CPI là vẫn có thể kiểm soát được. Chỉ số CPI nhóm ngành giao thông chỉ chiếm 9,7% trong rổ tính CPI của Việt Nam, nên ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng tăng đối với CPI là không quá lớn.
Tuy nhiên, một số cấu phần khác của rổ lạm phát như điện nước (3,9%), y tế (5,4%), hay giáo dục (5,5%) vẫn có khả năng tăng lên theo giá dầu, dù được đánh giá là hiện vẫn đang được kiểm soát rất tốt và vẫn còn dư địa để điều chỉnh giá.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát diễn biến của các loại mặt hàng khác như giá thịt lợn, gạo và gia cầm và ảnh hưởng gián tiếp của giá xăng tăng lên nhóm này trong vài tháng tới để đánh giá mức độ ảnh hưởng tổng thể đến lạm phát Việt Nam”, báo cáo của Dragon Capital đưa ra nhận định.