(KTSG Online) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiến hành song song việc quản trị các ngân hàng thương mại theo chuẩn mực quốc tế và kiểm soát tăng trưởng tín dụng nhằm đảm bảo hoạt động của các ngân hàng nằm trong tầm kiểm soát của chính họ, tránh rủi ro mất khả năng thanh toán.
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc thường trực NHNN - cho biết cơ quan này sẽ có phương án tính toán để điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2022.
"Kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng. Trên cơ sở đó, tiếp tục cung ứng vốn một cách hợp lý với điều kiện kiểm soát lạm phát", ông Tú nói.
Về đề xuất nới “room” tín dụng của một số ngân hàng thương mại, ông Phạm Chí Quang - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN – cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến nay đạt khoảng 8,15%, con số này còn khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN. Ngoài ra, thống kê từ NHNN cho thấy nhiều ngân hàng còn room tín dụng. Chỉ một số ngân hàng gần cạn room tín dụng nên có động thái "phòng thủ" như cấp tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên hơn và những khoản nợ chất lượng cao hơn…
Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% chỉ mang tính chất định hướng do NHNN đặt ra từ đầu năm. Thực tế, NHNN luôn định hướng điều chỉnh tín dụng phù hợp với điều kiện thực tại của nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2022. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng thực tế có thể giảm xuống khoảng 11-12%, hoặc tăng lên khoảng 15-16%.
Với những lĩnh vực ưu tiên, NHNN sẽ có những ưu tiên cho các ngân hàng có mức xếp hạng, phân loại cao hơn. Với những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… NHNN sẽ xem xét trừ hạn mức tăng trưởng tín dụng với một số ngân hàng tham gia tài trợ vốn.
“Từ năm 2011 đến nay, NHNN đã thực hiện xét cấp tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Trong 11 năm qua, NHNN thường xuyên đánh giá, rà soát, cập nhật việc điều chỉnh, xét tăng trưởng tín dụng song song với các biện pháp quản trị vĩ mô khác”, ông Tú cho biết.
Cũng theo ông Tú, NHNN vẫn liên tục cập nhật, yêu cầu các ngân hàng tuân thủ các quy định, chuẩn an toàn như Basel II, sớm áp dụng chuẩn cao hơn là Basel III trong hoạt động quản trị của ngân hàng thương mại (NHTM). Nhưng dù cơ quan quản lý đã đưa ra các chuẩn mực quản trị rủi ro như thế vào hoạt động của các NHTM thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế hiện vẫn rất cao.
“Về mặt lịch sử có thể thấy, tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm giai đoạn trước 2011 (thời điểm xét room tín dụng – PV) là trên 30%, có những năm trên 53%. Mức độ tăng trưởng như vậy là vượt rất xa khả năng quản trị, cân đối vốn của các ngân hàng hàng thương mại. Điều đó sẽ dẫn đến hệ luỵ rất lớn đó là mất khả năng thanh toán", ông Tú phân tích.
Với bài học kinh nghiệm này, ông Tú cho rằng NHNN phải đi song song - vừa quản trị các ngân hàng thương mại theo chuẩn mực quốc tế, vừa kiểm soát tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thương mại, giám sát từ sớm, từ xa, đảm bảo hoạt động của ngân hàng thương mại nằm trong tầm kiểm soát của chính họ.
Về kinh nghiệm quốc tế, ông Tú cho biết hiện có khoảng 14 quốc gia sử dụng công cụ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng đối tượng. Theo đó, một số quốc gia cấp hạn mức cho doanh nghiệp, một số khác cấp hạn mức cho từng hộ gia đình, cho những lĩnh vực đặc thù như bất động sản. Ngoài ra, có một số quốc gia cấp tăng trưởng tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế.
Trước đó, trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phân tích rằng với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, trong đó vốn tín dụng trên GDP đang ở mức 124%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỷ lệ này cao nhất thế giới.
Với tình trạng này, khi có biến động trong nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng ngay tới hệ thống ngân hàng. Nếu ngân hàng gặp vấn đề, mất khả năng chi trả sẽ gây hệ lụy tới nền kinh tế, do đó việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết.